Do bà Cao Thị Truyền (sinh năm 1967) đã hết hạn hợp đồng gần 5 tháng nhưng không được nhà chủ bên Saudi Arabia làm thủ tục để về Việt Nam, đồng thời còn bị chủ nợ hơn 7 tháng lương nên 2 người con gái của bà đã gửi đơn cầu cứu đến Báo Lao Động để nhờ lên tiếng, giúp bà Truyền sớm sum họp với gia đình.
Đơn của con người lao động Việt Nam tại Saudi Arabia cầu cứu Báo Lao Động trợ giúp đưa mẹ về nước. Ảnh: PV |
Cty thất hứa nhiều lần
Vừa qua, Báo Lao Động nhận được đơn cầu cứu của các chị Bùi Thị Vinh và Bùi Thị Dự ở thôn Bình Hòa 1, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Trong đơn, 2 chị cho biết, mẹ 2 chị là bà Cao Thị Truyền được Cty cổ phần đầu tư Vĩnh Cát (Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) ký hợp đồng đưa NLĐ đi làm giúp việc gia đình có thời hạn 24 tháng tại Saudi Arabia ngày 24.8.2015. Mọi giấy tờ, thủ tục được tiến hành tại Chi nhánh Cty Vĩnh Cát tại Thanh Hóa (Khu đô thị mới Đông Sơn, phường Anh Hoạch, TP.Thanh Hóa) do ông Lê Đình Toàn - Phó Tổng Giám đốc Cty Vĩnh Cát - làm đại diện.
Theo chị Dự, trong thời gian 24 tháng bà Truyền làm việc tại nhà chủ bên Saudi Arabia thì chỉ được nhận lương 16 tháng, còn bị chủ nợ lại hơn 7 tháng lương, hết hạn hợp đồng, nhà chủ vẫn không trả. Đặc biệt, thời gian hết hạn hợp đồng đã gần 5 tháng, nhưng chủ sử dụng lao động không làm thủ tục exit visa để bà Truyền về nước khiến gia đình rất hoang mang, lo lắng.
“Kể từ khi tiền lương của mẹ tôi bị nhà chủ không trả và không làm thủ tục để về nước, gia đình đã 4 lần xuống Chi nhánh Cty Vĩnh Cát tại Thanh Hóa để trao đổi và mong muốn phía Cty hỗ trợ. Tuy nhiên, phía Cty cứ lần khất, đến nay đã gần 5 tháng, mẹ tôi vẫn chưa thể về nước. Không những thế, khi gia đình liên lạc với ông Lê Đình Toàn thì bị ông Toàn đáp trả bằng những lời lẽ thách đố và chặn số liên lạc. Do quá lo lắng cho mẹ, nên ngày 15.1.2018, tôi tiếp tục xuống Chi nhánh Cty và làm việc với nhân viên văn phòng tên Lý. Tại đây, phía Chi nhánh Cty có làm bản cam kết với gia đình là Cty có trách nhiệm đòi lương cho NLĐ và sẽ cố gắng bằng mọi khả năng để làm thủ tục cho mẹ tôi về nước trong khoảng thời gian 1 tháng nữa” - chị Vinh bức xúc.
“Trước thái độ thờ ơ của lãnh đạo Chi nhánh Cty Vĩnh Cát tại Thanh Hóa khiến chúng tôi rất hoang mang, lo lắng cho mẹ. Vì vậy, tôi và chị tôi làm đơn cầu cứu tới Báo Lao Động, nhờ quý Báo lên tiếng để các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng như Saudi Arabia can thiệp để mẹ tôi được trở về đoàn tụ với gia đình” - chị Bùi Thị Dự bày tỏ nguyện vọng.
Người lao động đã nhận được lương
Chiều 29.1, tại Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Sơn - Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Cát - cho biết, Cty đã nhận được phản ảnh của gia đình lao động; việc lao động Cao Thị Truyền bị chủ sử dụng nợ lương là có thật, lao động đã hết hạn hợp đồng nhưng chưa được chủ làm thủ tục exit visa cũng đúng. “Sau khi nhận được thông tin từ phía gia đình lao động Truyền, đại diện Cty tại Saudi Arabia đã tới nhà chủ đón lao động về nhà của đối tác môi giới và yêu cầu nhà chủ trả lương và làm thủ tục để lao động về nước. Nhưng nhà chủ đưa ra lý do là đang gặp khó khăn, có người nhà mắc bệnh và họ trây ỳ không hợp tác.
Tuy nhiên, phía Cty đã cố gắng phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam và Saudi Arabia để can thiệp, yêu cầu chủ nhà trả lương và đưa lao động về nước theo đề nghị của gia đình lao động. Và ngày 22.1, tại Saudi Arabia, lao động Truyền đã nhận đủ số lương hơn 7 tháng từ chủ sử dụng lao động và ký cam kết không kiện Cty Vĩnh Cát” - ông Sơn cho biết.
Khi PV chất vấn ông Sơn về thời gian gần 5 tháng bà Truyền sau khi hết hạn hợp đồng không được về nước, phải ở nhà của môi giới thì chi phí ăn ở, sinh hoạt và lương (nếu có) thì phía nào phải chịu trách nhiệm chi trả? Đặc biệt là thời điểm nào thì lao động Truyền được về nước? Ông Sơn cho biết, thời gian bà Truyền ở nhà môi giới, do không làm việc nên sẽ không được trả lương, mọi chi phí ăn ở, sinh hoạt phía Cty Vĩnh Cát thực hiện chi trả cho đối tác.
Sáng 30.1, chị Bùi Thị Vinh xác nhận với PV Báo Lao Động là bà Truyền thông báo về gia đình đã nhận được lương. Tuy nhiên, chị Vinh vẫn chưa hết lo lắng vì không chắc bà Truyền có được về nước trước Tết Nguyên đán Mậu Tuấn 2018 hay không?! Đề nghị cơ quan chức năng của Bộ LĐTBXH cần can thiệp để đảm bảo quyền lợi NLĐ.
Trung Quốc già hóa dân số nhanh hơn dự tính
Khái niệm Trung Quốc đông dân ngày nay không còn đúng nữa. Số lượng trẻ em ra đời ngày càng ít và quốc gia này ... |
Luôn sáng ngọn lửa trí tuệ Dầu khí
Trong bối cảnh nhiều thách thức và cơ hội, với sự chỉ đạo sát sao của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), cán bộ, ... |
Tổng thống Philippines cảnh báo các nước Trung Đông
Tổng thống Duterte đe doạ sẽ cấm người lao động Philippines sang làm việc tại Trung Đông nếu chính phủ các nước này không đảm ... |
Ngày đăng: 09:15 | 31/01/2018
/ https://laodong.vn