Gần 60 năm xây dựng và phát triển, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã vượt qua rất nhiều khó khăn, trở thành tập đoàn kinh tế lớn giữ vai trò trụ cột an ninh năng lượng của đất nước. Trong bối cảnh mới, người lao động ngành dầu khí gánh trên vai hai nhiệm vụ chiến lược vô cùng nặng nề nhưng đầy tự hào - sản xuất kinh doanh gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia.
Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23.7.2015 của Bộ Chính trị “Về định hướng Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035” đã khẳng định những thành tựu to lớn của PVN trong xây dựng và phát triển kinh tế và đặc biệt là đã góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh năng lượng (ANNL), an ninh lương thực quốc gia; bảo toàn được vốn của chủ sở hữu nhà nước. Đặc biệt, Nghị quyết số 41-NQ/TW đánh giá PVN đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Đối với PVN, việc sản xuất, kinh doanh gắn rất chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia.
Nguồn ITN
Ở trên Biển Đông, trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và vùng biển quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, những giàn khoan của PVN đã trở thành những “vọng gác tiền tiêu” khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên biển; những con tàu vận tải mang cờ Tổ quốc chạy trên biển cũng góp phần quan trọng vào việc thể hiện vị thế quốc gia trên biển, đồng thời cũng là một điểm tựa tinh thần cho ngư dân.
Được sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Quốc phòng, đặc biệt là lực lượng hải quân, cảnh sát biển, những năm qua, PVN luôn giữ vững an ninh trên các giàn khoan và các công trình biển quan trọng khác. Cán bộ, công nhân viên của PVN làm việc tại các giàn khoan thực sự trở thành “những chiến sĩ trên biển”. Họ trang bị cho mình một thứ vũ khí, đó là lòng yêu nước, trách nhiệm với Tổ quốc và trách nhiệm với ngành dầu khí.
Hiện nay, PVN đã làm chủ được tất cả công nghệ về tìm kiếm thăm dò, khai thác, chế biến sâu. Trong nhiều năm qua, PVN đóng góp 11 - 19% GDP, thậm chí có giai đoạn đóng góp tới 25% GDP. Gần đây, do quy mô của nền kinh tế Việt Nam lớn mạnh, sản lượng dầu khai thác giảm và giá dầu xuống thấp, nên đóng góp của PVN cho GDP quốc gia đã giảm, nhưng vẫn là doanh nghiệp nhà nước đóng góp lớn nhất. Các giàn khoan của PVN còn là địa chỉ tin cậy, là nơi nương tựa cho ngư dân Việt Nam. Không thể thống kê hết có bao nhiêu lần cán bộ, công nhân viên ở các giàn khoan cứu giúp ngư dân bị nạn.
Chỉ tính trong 9 tháng năm 2018, các đơn vị của PVN ở trên biển đã cứu giúp gần 100 lượt ngư dân bị bệnh phải cấp cứu, bị hỏng tàu, hỏng thuyền hoặc bị bão gió dạt vào giàn khoan. Có những trường hợp để cấp cứu người bệnh, đơn vị đã phải thuê cả chuyến máy bay trực thăng đưa người bệnh vào bờ. PVN có rất nhiều công trình dầu khí quan trọng, đòi hỏi sự bảo vệ cực kỳ nghiêm ngặt. Đó là những công trình đường ống dẫn khí, nhà máy lọc dầu, các nhà máy chế biến, xử lý khí và các nhà máy điện khí, nhưng nhiều năm qua, tại các công trình trọng điểm như: Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Dự án Biển Đông 01 ở cụm mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh; cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau... chưa để xảy ra một vụ phá hoại, hoặc mất an toàn do cháy nổ nào.
Hiện nay, trong bối cảnh mới, khái niệm về bảo vệ QPAN đang có những thay đổi lớn, đó là giữa an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống. Hoạt động của PVN, đặc biệt là trên biển, gắn liền với khái niệm an ninh truyền thống, đó là phải đối phó với những âm mưu phá hoại, gây rối từ các thế lực bên ngoài. Để giữ gìn quốc phòng và an ninh trên biển thì PVN cần phải phối hợp rất chặt chẽ với lực lượng hải quân, cảnh sát biển; đồng thời xây dựng cơ chế cung cấp, trao đổi thông tin để có thể ngăn chặn, phát hiện từ xa các hoạt động có tính chất phá hoại. Đối với PVN, gắn sản xuất kinh doanh với bảo đảm quốc phòng và giữ gìn an ninh được coi là yếu tố sống còn; khi tham gia với ý thức trách nhiệm cao nhất bảo đảm quốc phòng và an ninh, chủ quyền biển đảo thì PVN mới có thể hoàn thành được các kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Trong nhiều năm qua, PVN đã hoàn thành xuất sắc hai nhiệm vụ này. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới thì tình hình nhiệm vụ quốc phòng và an ninh cũng đã có những thay đổi. Chính vì thế, đòi hỏi mỗi cán bộ công nhân viên của PVN vẫn phải là những người lính trên lĩnh vực bảo đảm an ninh năng lượng của đất nước.
Anh Sơn (Đại biểu Nhân dân)
Kỷ niệm 10 năm đón dòng dầu đầu tiên từ Mỏ Sông Đốc
Ngày 24/11/2018 đánh dấu một cột mốc đáng nhớ đối với tập thể người lao động tàu FPSO Song Doc Pride MV19 (MV19) khi ngày ... |
8 thành tựu nổi bật của ngành Dầu khí Việt Nam
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu từng mong muốn đất nước có một ngành công nghiệp dầu khí hùng mạnh. Mong ước ... |
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ký thỏa thuận cung cấp khí từ mỏ Tuna
Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đàm phán với đối tác Indonesia trong lĩnh vực khí, ngày 10/11/2017, trong ... |
Khai mạc triển lãm ảnh về con người và công trình dầu khí của nhà báo Nguyễn Như Phong
Ngày 26/11 tại Viện Dầu khí Việt Nam đã diễn ra Lễ khai mạc Triển lãm ảnh về con người và công trình dầu khí ... |
Phát triển kinh tế biển và vai trò của ngành Dầu khí - Bài 2: Nhận diện thách thức
Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhấn mạnh khâu đột phá lớn ... |
Ngày đăng: 14:00 | 27/11/2018
/ Cổng thông tin điện tử PVN