Các đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ, Philippines bắt đầu cuộc diễn tập đổ bộ KAMANDAG thường niên tại vịnh Subic hôm qua. 

Lễ khai mạc diễn tập KAMANDAG lần thứ ba được tổ chức tại sân bay quốc tế vịnh Subic của Philippines hôm 9/10, nhằm tăng cường năng lực tác chiến đổ bộ tấn công cho quân đội Philippines.

Cuộc diễn tập kéo dài 10 ngày với sự tham gia của 2000 binh sĩ thuộc các đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ và Philippines, thực hiện các nội dung đổ bộ tấn công, bắn đạn thật tại nhiều địa điểm trên đảo Luzon và Palawan của Philippines.

Một đơn vị Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản cũng tham gia cuộc diễn tập lần này trong các nội dung tìm kiếm cứu nạn và ứng phó thảm họa.

Binh sĩ Mỹ và Philippines diễn tập đổ bộ KAMANDAG 2 năm 2018. Ảnh: Defense.gov.

Một cuộc diễn tập đổ bộ sẽ được tổ chức tại căn cứ Gregorio Lim ở Ternate, Cavite vào ngày 12/10, trong đó thủy quân lục chiến Philippines sẽ lần đầu tiên sử dụng các xe tấn công đổ bộ (AAV) mới để phối với các quân đội Mỹ tiến hành kịch bản chống khủng bố. 

Một đơn vị Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản cũng tham gia cuộc diễn tập lần này trong các nội dung hỗ trợ nhân đạo và ứng phó thảm họa. Đây là lần đầu tiên 3 nước Mỹ, Philippines và Nhật tham gia huấn luyện chung trong một đợt diễn tập như vậy.

Quân đội Mỹ và Philippines sau đó sẽ tiến hành các hoạt động diễn tập phòng không tầm thấp và bảo vệ lãnh thổ tại căn cứ không quân Ernesto Rabina vào ngày 17/10.

"Các bài tập nhằm thể hiện sự mở rộng hiện diện quân sự, cam kết đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở cũng như khả năng triển khai lực lượng trong trường hợp xảy ra khủng hoảng hoặc thảm họa tự nhiên", Đại sứ quán Mỹ tại Philppines nhấn mạnh trong một tuyên bố.

Vị trí căn cứ Gregorio Lim, nơi sẽ diễn ra cuộc diễn tập đổ bộ ngày 12/10. Đồ họa: Google.

Mỹ là đối tác quân sự quan trọng nhất của Philippines. Hiệp ước đồng minh ký kết từ năm 1951 cùng nhiều thỏa thuận khác cho phép Mỹ triển khai luân phiên binh sĩ tới Philippines và tiến hành các cuộc diễn tập chung hàng năm, bất chấp chính sách xích gần lại Trung Quốc của Tổng thống Rodrigo Duterte.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề ra chiến lược "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở" nhằm đối phó với tham vọng của Trung Quốc. Hải quân Mỹ nhiều lần điều tàu chiến đi qua Biển Đông để thực hiện các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải và thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc.

Nguyễn Hoàng (Theo AP)

 

Mỹ diễn tập đổ bộ chiếm đảo ở Thái Bình Dương
Thái Lan mua tàu đổ bộ Trung Quốc
Thái Lan gây sốc khi mua tàu đổ bộ Type-071E Trung Quốc
Trung Quốc tập trận đổ bộ
Ấn Độ tìm thấy tàu đổ bộ Mặt Trăng mất tích

Ngày đăng: 10:32 | 10/10/2019

/ vnexpress.net