Máy bán hàng tự động là một nét văn hóa độc đáo của Nhật Bản với hơn 5,5 triệu máy có mặt ở khắp nơi. Tính ra cứ 23 người thì có một người sử dụng thiết bị này - tỉ lệ cao nhất thế giới.

Thêm một sự đan xen giữa cái cũ và cái mới. Ảnh: Eiji Ohashi/ CNN

Máy bán hàng tự động là một nét văn hóa độc đáo của Nhật Bản với hơn 5,5 triệu máy có mặt ở khắp nơi. Tính ra cứ 23 người thì có một người sử dụng thiết bị này - tỉ lệ cao nhất thế giới.

Qua con mắt nhiếp ảnh gia

Máy bán hàng tự động có mặt ở khắp nơi và gần như luôn ở ngoài trời, đập vào mắt bất cứ ai đến đất nước Nhật Bản. Đồ uống nóng, lạnh chiếm giữ phần lớn không gian của máy. Ngoài ra còn có trà, thuốc lá, kẹo, súp, thức ăn nóng... thậm chí cả rượu sake và bia. Chúng bán hầu như mọi thứ, bao gồm cả một số mặt hàng khá kỳ quặc như tã lót, đồ lót của phụ nữ, trứng, chó con và bao cao su, theo USA Today. 

Vào ban đêm, vì không tắt đèn, các máy bán hàng trở nên sống động với màu sắc và ánh sáng rực rỡ. Nhiếp ảnh gia Eiji Ohashi đã dành nhiều năm để chụp máy bán hàng tự động trên khắp Nhật Bản vào giữa đêm. Và hiện ông đã tập hợp các hình ảnh vào trong một cuốn sách có tựa đề "Những ánh đèn bên đường".

Đối với Ohashi, những chiếc máy này từng đóng vai trò là đèn hiệu. "Tôi bắt đầu dự án này cách đây 9 năm, khi tôi nhận thấy một máy bán hàng tự động sáng lấp lóa gần nhà khi trở về sau ca làm đêm" - Ohashi cho CNN hay qua email. "Vào thời điểm đó, tôi đang sống tại một thị trấn ở phía bắc Nhật Bản - nơi sẽ có những trận bão tuyết khủng khiếp vào mùa đông. Tôi lái xe trong những điều kiện như vậy nên nhìn vào ánh sáng của các máy bán hàng tự động để định hướng đường đi" - Ohashi nói.

Giống như điện thoại thông minh, máy bán hàng tự động cho thấy ý thức của từng cá nhân. Chúng cũng ăn sâu vào truyền thống: Ở các vùng nông thôn, ven đường, bạn vẫn có thể tìm thấy các quầy hàng bằng gỗ mà không có người bán. Ở các quầy hàng đó, người nông dân xếp đặt trái cây, rau và các hàng hóa khác và khách hàng có thể mua bằng cách để lại tiền. Máy bán hàng tự động ở Nhật Bản hiếm khi bị cướp hoặc phá hoại. Trong thực tế, máy bán hàng được chăm sóc tốt, có nghĩa là chúng luôn hoạt động - điều này góp phần thêm vào sự hài lòng của khách hàng.

Đối với Ohashi, đây là một trong những lý do đằng sau sự nổi tiếng của chúng. "Bạn có thể lắp đặt chúng ở bất cứ đâu và chúng sẽ không bị đánh cắp hay phá hoại" - Ohashi nói. "Hơn nữa, chúng hoạt động ngay cả khi bị chôn vùi trong tuyết vì chúng được bảo trì thường xuyên".

Một lý do khác khiến chúng nổi tiếng, theo Ohashi, là người Nhật yêu thích sự tiện lợi. "Tôi không nghĩ bất cứ ai ở Nhật Bản sẽ nghĩ rằng một máy bán hàng tự động có thể làm xáo trộn cảnh quan của thị trấn. Chúng tôi luôn nghĩ cách để làm cho cuộc sống thuận tiện hơn. Tôi nghĩ rằng máy bán hàng tự động là biểu tượng của điều đó".

Nhiếp ảnh gia này tuyên bố, điều thú vị là nhiều máy bán hàng tự động trông giống nhau. "Hình dạng của máy và các sản phẩm mà nó bán khá giống nhau trên khắp Nhật Bản" - Ohashi nói.

Điều này là không bình thường ở một đất nước vốn tự hào chuyện làm nổi bật sự khác biệt trong khu vực của mình, và ngay cả những đồ ăn nhẹ và kẹo được sản xuất đều mang nét đặc trưng riêng của địa phương, mà một ví dụ nổi tiếng là hơn 300 hương vị "chẳng giống ai" của loại bánh xốp phủ socola KitKat.

Việc giống hệt nhau ở mọi nơi thì máy bán hàng tự động lại có thể mang đến cảm giác thoải mái cho những du khách đến các vùng khác nhau trên đất nước Nhật Bản. Ohashi gợi ý: "Tôi muốn nắm bắt hình thức tiêu chuẩn của máy bán hàng tự động. Tôi nghĩ bạn có thể thấy sự khác biệt giữa các khu vực thông qua phong cảnh xung quanh chúng".

Những bức ảnh của Ohashi mang đến cảm giác cô đơn khi những máy bán hàng tự động đều được chụp ở vùng xa, vùng sâu vào ban đêm. Trong một bức ảnh mà Ohashi yêu thích, ngọn núi Yotei đầy tuyết ở đằng sau chiếc máy bán hàng tự động nằm ở nơi từng có 2 chiếc. "Lợi nhuận thấp nên một chiếc đã bị dỡ bỏ" - ông cho hay.

Một máy bán hàng tự động có cảnh nền đằng sau là núi Yotei. Ảnh: Eiji Ohashi/ CNN.

Văn hóa mới của Nhật Bản

Theo Business Insider, khi đến thăm đất nước Mặt trời mọc, bạn không thể không thấy sự phổ biến của máy bán hàng tự động. Chúng hiện diện ở hầu như mọi khối nhà tại Tokyo: Dưới các con hẻm, trước các cửa hàng tiện lợi, trong cả khu vực dân cư và thương mại. Hiệp hội các nhà sản xuất máy bán hàng tự động Nhật Bản cho biết, với hơn 5,5 triệu máy trên toàn quốc, tổng doanh thu mang lại hàng năm là hơn 60 tỉ USD. Và Business Insider cho rằng, máy bán hàng tự động cũng cho thấy văn hóa độc đáo của Nhật Bản.

Tại sao chúng có mặt khắp nơi? Các nhà xã hội học và kinh tế học đã đưa ra một vài câu trả lời như sau:

1. Chi phí lao động

Tỉ lệ sinh giảm, dân số già và thiếu người nhập cư đã góp phần làm cho lao động ở nước này vừa khan hiếm vừa phải trả chi phí cao, Giáo sư Kinh tế tại Đại học Connecticut - William A. McEacéc - cho hay. Trong cuốn sách kinh tế vĩ mô năm 2008 của mình, ông McEacéc chỉ ra rằng các máy bán hàng tự động của Nhật Bản như một giải pháp cho vấn đề này, bằng cách loại bỏ nhu cầu về nhân viên bán hàng.

Robert Parry - một giảng viên kinh tế tại Đại học Kobe của Nhật Bản - trong một bài luận năm 1998 về chủ đề này cũng chỉ ra chi phí lao động cao là lý do khiến các nhà bán lẻ Nhật Bản nhiệt tình đón nhận các máy bán hàng tự động. "Với sự tăng trưởng kinh tế ngoạn mục sau chiến tranh, chi phí lao động ở Nhật Bản tăng vọt... Máy bán hàng tự động thì chỉ cần nhà điều hành định kỳ bổ sung hàng hóa và lấy tiền đi" - Parry viết.

2. Mật độ dân số cao và bất động sản đắt đỏ

Dân số Nhật Bản là 127 triệu người, trong đó 93% sống tại các thành phố, nên không có gì đáng ngạc nhiên khi giá bất động sản cao trong nhiều thập kỷ qua. Người dân thành phố sống chen chúc trong các căn hộ. Điều đó có nghĩa người dân Nhật không có nhiều không gian để dự trữ hàng hóa, thực phẩm trong nhà. Và các công ty thà lắp đặt máy bán hàng tự động trên đường phố còn hơn là mở cửa hàng bán lẻ. "Máy bán hàng tự động tạo ra nhiều doanh thu từ mỗi mét vuông đất đai khan hiếm hơn là một cửa hàng bán lẻ có thể" - Robert Parry kết luận.

3. Tỉ lệ tội phạm thấp

Nhật Bản từ lâu đã nổi tiếng về tỉ lệ tội phạm thấp. Theo một báo cáo về tội phạm của Liên Hợp Quốc năm 2010, Nhật Bản được xếp hạng là một trong những quốc gia có tỉ lệ cướp bóc thấp nhất thế giới. Một điều dễ nhận thấy là sự phá hoại và trộm cắp tài sản rất hiếm ở đất nước này. Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản cho biết, các máy bán hàng tự động "hiếm khi bị phá hoại hoặc đánh cắp", mặc dù có hàng chục nghìn yên bên trong và thường xuyên nằm trong các con hẻm tối hay đường phố vắng vẻ.

Máy bán hàng ven đường cũng là một thứ tiêu chuẩn. Nhiều máy bán hàng tự động được lắp camera giám sát và có một đường dây báo trực tiếp đến cảnh sát nếu có bất kỳ sự bất thường nào xảy ra, theo The Japan Times.

4. Một xã hội dựa trên tiền mặt

Sự phụ thuộc nặng nề vào tiền mặt cũng là một vấn đề. Ở Tokyo, các nhà ga thậm chí không chấp nhận thẻ tín dụng để mua vé tàu điện ngầm. Chuỗi các cửa hàng lớn có chấp nhận thẻ tín dụng, nhưng rất nhiều cửa hàng thì không. Trong khi đó, ở Mỹ, hầu hết mọi giao dịch đều sử dụng thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng. Vì thói quen mang theo lượng tiền mặt đáng kể mà việc thả một đồng xu vào máy bán hàng tự động để mua đồ uống là một cách thuận tiện và hữu ích.

5. Niềm đam mê với tự động hóa

Văn hóa Nhật Bản bị ám ảnh bởi tự động hóa và robot, nhà báo Tsutomu Washizu giải thích với tờ Thời báo Nhật Bản vào năm 2007. Washizu, người đã viết một cuốn sách về lịch sử máy bán hàng tự động ở Nhật Bản, cho rằng niềm đam mê này là lý do chính lý giải tại sao các máy này rất phổ biến. "Không có quốc gia nào khác tự động hóa nhiều như vậy. Người dân Nhật Bản rất quan tâm và tin tưởng vào các hệ thống tự động" - ông Washizu nói

Gia Minh    30/11/2019 | 15:00

Ông chủ trang bán hàng giá rẻ Trung Quốc mất 5 tỷ USD một đêm

Tài sản của nhà sáng lập Pinduoduo "bốc hơi" gần 5 tỷ USD chỉ sau một đêm bởi cổ phiếu công ty lao dốc. 

Cô gái bán hàng rong, từng ly hôn trở thành vợ "thái tử" Louis Vuitton

Là con dâu của ông chủ đế chế Louis Vuitton, ít ai biết rằng Natalia Vodianova có một tuổi thơ nghèo khó và từng trải ...

Cửa hàng online sập tiệm vì ghi nhầm giá

Chủ tiệm bán cam online đăng lời rao "2 tấn cam giá 26 tệ", người dùng Internet đổ xô đặt mua khiến chủ cửa hàng ...

Ngày đăng: 17:26 | 30/11/2019

/ laodong.vn