Cả gia đình bà Đen không có quyền nhân thân ngay trên đất nước mình.
quyền nhân thân
Bà Đen quê ở Vĩnh Long, lấy chồng và sinh sống ở quận Thủ Đức, TPHCM đã hơn 15 năm. Bà đã mua được căn nhà cấp 4, gần 30 mét vuông cho 4 người lớn và 2 đứa cháu nhỏ.
Căn nhà đầy đủ giấy tờ. Chỉ có con người không có bất cứ giấy tờ gì. Bà và 3 đứa con, 2 đứa cháu không hộ khẩu, không giấy khai sinh và chứng minh nhân dân. Các con bà không ai được đi học. Cả nhà mù chữ.
Cách đây 6 năm, cô con gái lớn lấy chồng, không được đăng ký kết hôn. Các cháu sinh ra không có giấy khai sinh để đi học. Bà tá hỏa đi khắp nơi xin nhập khẩu. Công an quận nói bà có đủ điều kiện để nhập hộ khẩu, chỉ thiếu sổ tạm trú. Bà về phường xin công an khu vực nhiều lần, nhưng họ đều nói bà chưa đủ điều kiện để được cấp sổ. Thế là đành chịu.
Không có chứng minh thư, lại không biết chữ, các con bà chỉ có thể đi làm phụ hồ và cũng chỉ được nhận làm ở những công trình nhỏ. Một số công trình có bảo vệ, họ bảo “không nhận lao động không có chứng minh”.
Cứ như cái tên nó vận vào người, cả nhà bà Đen bị đứng ngoài xã hội năm này qua năm khác. Cách đây 2 năm, con trai lớn của bà đã phải vào tù 7 tháng vì ăn trộm 6 con mực. “Phạm tội thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, bà Đen biết thế, “nhưng con tôi có được cấp giấy tờ để làm công việc lương thiện đâu?”
“Tôi chỉ mong có hộ khẩu để 2 đứa cháu tôi được đi học. Cả nhà đã dốt, không ai biết chữ rồi, giờ con người ta đi học mẫu giáo hết mà cháu tôi không được đi học”, tôi bị ám ảnh mãi câu nói của bà Đen, “Tôi chỉ cầu xin như vậy thôi, xin chính quyền giúp đỡ tôi”.
Khi chúng tôi liên hệ với công an phường Hiệp Bình Chánh để hỏi lý do vì sao không cấp sổ tạm trú cho bà Đen thì được cho biết, do bà bị cắt hộ khẩu gốc ở Vĩnh Long. Và khi bà đã bổ sung giấy xác nhận đã cắt hộ khẩu thì do “chưa sâu sát” nên cảnh sát khu vực không nắm được để làm sổ cho bà. Công an phường “nhận trách nhiệm thiếu sót”.
Câu chuyện đưa lên truyền hình thì bà Đen mới được làm sổ tạm trú.
Vướng quy định, không đủ giấy tờ, không có nhà là những lý do khiến cho hàng chục ngàn người ở TP HCM không có hộ khẩu, không có chứng minh thư. Anh Đạt, cán bộ tư pháp của thành phố, người đã bốn năm đi làm giấy khai sinh miễn phí cho các cháu có bố mẹ không có giấy tờ nói: cái khó chính là do chính quyền ở cấp phường, xã quá cứng nhắc trong việc áp dụng các quy định.
Đơn cử như chuyện của ông Thành ở quận 10. Chỉ cần phường cấp cho tờ giấy giám hộ là ông có thể nhập hộ khẩu cho 3 đứa cháu nội, để các cháu làm được chứng minh thư. Nhưng lý do phường đưa ra là “không chứng minh được ông là ông nội của các cháu” vì trong giấy khai sinh chỉ ghi tên mẹ. Bố mẹ các cháu đều đã chết. Nhà ngoại các cháu thì không biết ở đâu để đi tìm.
Những cán bộ hộ tịch, hộ khẩu các cấp, từ tổ dân phố, xã, phường đến quận, huyện, ai cũng biết đến những gia đình không phải một thế hệ cơ cực vì chính sách cứng nhắc, quan liêu. Nhưng tôi tự hỏi sao bao năm vẫn không có ý kiến đề xuất lên cấp trên, cơ quan soạn thảo luật để sửa đổi, để bổ sung các quy định, để tháo gỡ chiếc vòng kim cô đó cho dân.
Vấn đề là, biết bao người đã đọc luật để trực tiếp thi hành các quy định của luật về hộ tịch, hộ khẩu ấy, không mấy ai làm gì. Thói quen hành động vì người dân đã không có mặt trong câu chuyện buồn hộ khẩu.
Năm 2000, chính người sếp của anh Đạt đã chỉ đạo làm giấy khai sinh cho hơn 14.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, không có hộ khẩu. Đây mới chỉ là giấy khai sinh thôi, còn nhập hộ khẩu lại là chuyện khác. Những người không có hộ khẩu sinh con ra lại không làm được giấy khai sinh.
Những chiếc vòng luẩn quẩn của những con người vô danh đang tiếp diễn.
Ông Sếp của anh Đạt đã nghỉ hưu. Anh không còn thấy ai phát động việc làm giấy tờ cho những người không hộ khẩu nữa.
Anh Đạt nhớ câu nói của người sếp cũ: “Nếu cần người đọc luật mà áp dụng giống như luật thì chỉ cần người biết chữ là làm được. Còn người đọc luật, biết vận dụng luật để giải quyết được công việc cho dân thì mới cần đến cử nhân”.
Tình hình người Việt ở Campuchia, nỗi lo tước quốc tịch
Người gốc Việt ở Campuchia chỉ phải làm lại các giấy tờ nhân thân mà không hề bị tước quốc tịch. |
“Thành công lớn nhất là sống đúng với lý tưởng của mình”
Ở tuổi 30, Thi Anh Đào, Giám đốc điều hành Isobar tại Việt Nam, được biết đến như nữ doanh nhân thành đạt, truyền cảm ... |
Ngày đăng: 08:26 | 26/12/2017
/ Kim Oanh/VnExpress