Thủ tướng Merkel có thể quan ngại về dư luận trong nước cũng như quan hệ đối ngoại nên đã khước từ tham gia tấn công Syria.

ly do duc tu choi tham gia lien minh khong kich syria

Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.

"Đức sẽ không tham gia về quân sự", Thủ tướng Angela Merkel tuần trước tuyên bố, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn thành lập một liên minh quốc tế để tấn công trừng phạt Syria vì cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học.

Quân đội Đức, lực lượng có vai trò then chốt trong khối NATO, sau đó đứng ngoài cuộc khi tàu chiến, oanh tạc cơ, tiêm kích Mỹ, Pháp, Anh đồng loạt phóng 105 tên lửa hành trình vào các mục tiêu ở Syria hôm 14/4. Giới phân tích cho rằng bà Markel có nhiều lý do về chính trị để từ chối tham gia vào một liên minh quân sự như vậy nhắm vào Syria, theo Bloomberg.

Không thể hiện tham vọng lớn

Bình luận viên Marcel Fürstenau của tờ Deutsche Welle cho rằng Mỹ, Anh, Pháp không cần đến tên lửa của Đức để phá hủy ba cơ sở được cho là nơi sản xuất, tàng trữ vũ khí hạt nhân của Syria. Đây có thể là cái cớ mà bà Merkel đưa ra để khước từ đề nghị từ các đồng minh ở Washington, London và Paris.

Lãnh đạo ba nước này cũng chỉ cần đến sự ủng hộ bằng lời nói từ Berlin cho hành động quân sự của họ ở Syria. Trên thực tế, bà Merkel đã tuyên bố "biện pháp đáp trả quân sự đã thành công và thích hợp" chỉ vài giờ sau khi vụ tấn công xảy ra.

Thủ tướng Đức chỉ đưa ra tuyên bố ngắn gọn khi từ chối tham gia liên minh không kích Syria, nhưng lại giải thích rất cặn kẽ lý do bà hoan nghênh việc Mỹ, Anh, Pháp thực hiện hành động quân sự: "Nhằm đảm bảo tính hiệu quả của đòn đáp trả quốc tế với việc sử dụng vũ khí hóa học và nhằm cảnh báo chế độ Syria về hành động vi phạm tiếp theo".

Điều này khiến cựu bộ trưởng quốc phòng Đức Karl-Theodor zu Guttenberg mỉa mai rằng việc chính phủ của bà Merkel quyết định ủng hộ cuộc không kích của Mỹ, Anh, Pháp nhưng từ chối tham gia tấn công "một lần nữa cho thấy đây là bậc thầy về phép biện chứng".

Tuy nhiên, bình luận viên Leonid Bershidsky cho rằng bà Merkel hiểu rất rõ vị thế của Đức trong các vấn đề quốc tế. Đức không phải là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc giống như Mỹ, Anh, Pháp, bởi vậy lời từ chối tham gia tấn công Syria của bà Merkel được hiểu như sự bác bỏ ngầm quan điểm cho rằng Berlin đang nuôi tham vọng lãnh đạo thế giới.

Trong bối cảnh liên minh cầm quyền đang mất dần sự ủng hộ ở Đức, chính sách của bà Merkel hiện nay chủ yếu tập trung vào xử lý các vấn đề trong nước. Bà không bao giờ muốn gia tăng tiếng nói của Đức trên trường quốc tế để đổi lấy tình hình trong nước rối ren hơn.

Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy 60% người dân Đức phản đối can thiệp quân sự vào Syria. Tỷ lệ dư luận chống lại hành động quân sự với Syria ở Anh và Pháp tương tự, nhưng bà Merkel không thể bất chấp dư luận để ủng hộ Trump giống như Thủ tướng Anh hay Tổng thống Pháp.

Quan hệ cá nhân với Trump

Theo Bershidsky, đòn không kích nhắm vào Syria ngày 14/4 rốt cuộc là kết quả trực tiếp của tuyên bố đầy bất cẩn mà Tổng thống Trump đăng trên Twitter, trong đó ông đe dọa "tên lửa đang tới". Sau thông báo đầy bột phát đó, Mỹ rất cần sự giúp đỡ của đồng minh, đặc biệt là khi Trump không có ý định xin phê chuẩn kế hoạch tấn công trước quốc hội.

Tổng thống Pháp Macron với ông Trump gần đây ngày càng có quan hệ gắn bó. Chính Macron thừa nhận rằng ông đã thuyết phục Trump duy trì hiện diện quân sự lâu dài tại Syria và hạn chế đòn không kích vào các cơ sở hóa học của quốc gia này.

ly do duc tu choi tham gia lien minh khong kich syria

Các mũi tấn công của liên quân Mỹ trong đòn không kích Syria. Bấm vào ảnh để xem chi tiết.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh Theresa May lại không thể từ chối lời đề nghị của Trump. Tổng thống Mỹ đã ủng hộ bà rất nhiều trong vụ cáo buộc Nga có liên quan đến trường hợp cựu điệp viên Sergei Skripal bị đầu độc tại Anh, nên bà phải có động thái "đáp lễ" khi Syria bị tố cáo sử dụng vũ khí hóa học.

Trong khi đó, bà Merkel dường như không thể tìm được tiếng nói chung với ông Trump và không che giấu được nỗi bất bình với chính sách của ông. Bà May và ông Macron có thể coi việc tham gia chiến dịch không kích Syria như một cách hiệu quả để thể hiện sự đồng lòng với Trump. Trên thực tế, Trump đã hết lời ca ngợi cả Anh và Pháp vì đã sát cánh bên ông trong quyết định tấn công Syria. Nhưng bà Merkel đã lựa chọn bỏ qua cơ hội đó.

Vai trò ngoại giao cho khủng hoảng Syria

Giới phân tích và nhiều lãnh đạo thế giới từ lâu đã cảnh báo rằng biện pháp quân sự không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng hiện nay ở Syria. Khi Mỹ, Anh, Pháp tăng cường sức ép quân sự với Syria, phải có ai đó đứng ra làm trung gian cho biện pháp ngoại giao để tháo gỡ tình hình và bà Merkel dường như muốn lựa chọn vai trò này.

Khi từ chối tham gia liên minh quân sự tấn công Syria, Đức có thể giữ cho mình một cánh cửa để làm trung gian hòa giải cho các nỗ lực ngoại giao sau này. Liên Hợp Quốc rõ ràng không thể đảm nhận vai trò đó, bởi hai phe đối lập trong Hội đồng Bảo an là Nga với Mỹ - Pháp - Anh đều có quyền phủ quyết.

Sau khi phóng hơn 100 tên lửa vào Syria, ba nước Mỹ, Anh, Pháp cũng đã tự tước bỏ cơ hội đàm phán ngoại giao với quốc gia Trung Đông này. Với việc phát động chiến dịch quân sự bất chấp cảnh báo từ Điện Kremlin, các nước này đã đặt mình vào thế đối đầu với Nga trên chiến trường Syria, thu hẹp cơ hội tìm tiếng nói chung để tìm giải pháp chính trị cho vấn đề.

Lúc đó, vai trò trung gian của Đức sẽ trở nên rất cần thiết. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas từng tuyên bố "Chỉ có một giải pháp chính trị cho Syria và dù chúng ta muốn hay không, cuộc xung đột không thể được giải quyết nếu không có Nga".

Fürstenau cho rằng đòn không kích vào Syria của Mỹ, Anh, Pháp chủ yếu mang tính biểu tượng, bởi nó không làm thay đổi cục diện chiến trường cũng như không làm suy yếu vị thế của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. "Với những hành động mang tính biểu tượng, lời nói cũng có uy lực như tên lửa. Phần lớn người dân Đức hài lòng khi lãnh đạo của họ hiểu được điều này", ông nói.

Bình An

ly do duc tu choi tham gia lien minh khong kich syria Lá chắn phòng không Syria \'đánh bại\' được tên lửa Mỹ?

Cố vấn chính trị của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã ca ngợi hệ thống phòng không đánh chặn của quốc gia này vì đã ...

ly do duc tu choi tham gia lien minh khong kich syria Trẻ em đứng đầy các ban công xem tên lửa liên quân và phòng không Syria "đọ sức"

Người dân Syria kể về cuộc tấn công bằng tên lửa của Mỹ và đồng minh hồi cuối tuần trước.

ly do duc tu choi tham gia lien minh khong kich syria Syria bắn hạ 71 tên lửa Tomahawk: Đừng thần thánh hóa Pantsir-S

40 hệ thống Pantsir-S Syria có thể sẽ không đánh chặn được tên lửa Tomahawk Mỹ nếu nó phải độc lập tác chiến và không ...

Ngày đăng: 15:01 | 17/04/2018

/ https://vnexpress.net