“Các dự án cáp treo không thể nào dày đặc như các mạng lưới xe buýt và cũng cần có các yêu cầu triển khai đặc thù nghiêm ngặt hơn..."
Cần nghiên cứu nhu cầu thực tế
PV: Mới đây, một doanh nghiệp của Pháp đã đề xuất thành phố Hà Nội cho triển khai tuyến cáp treo vượt sông Hồng để chở khách từ quận Hoàn Kiếm qua quận Long Biên với mục đích giảm ách tắc giao thông. Đề xuất này khiến dư luận hết sức băn khoăn, bởi theo dự kiến Hà Nội sẽ có 17 cây cầu vượt sông Hồng đáp ứng mục đích này.
Ông bình luận như thế nào về tính khả thi của dự án? Trên thế giới đã có thành phố nào sử dụng cáp treo để chống tắc đường như đề xuất nói trên hay chưa, thưa ông?
TS Phạm Sanh: Vừa qua, Tập đoàn Poma của Pháp đề xuất TP Hà Nội xây dựng hệ thống cáp treo vượt sông Hồng từ Hoàn Kiếm qua Long Biên để giảm bớt ùn tắc giao thông đô thị. Đề xuất này đang thu hút dư luận, thậm chí gây nhiều tranh cãi, bởi hiện nay ùn tắc giao thông đang là vấn nạn của các thành phố lớn tại Việt Nam, đặc biệt là thủ đô Hà Nội.
Thật ra đây cũng mới chỉ là đề xuất, chưa phải là một báo cáo nghiên cứu khả thi (hay tiền khả thi), nên cũng chưa đánh giá được tính khả thi của dự án. Tôi chỉ xin cung cấp một số thông tin của loại hình giao thông đô thị này nhằm tham khảo là chính.
Được phát minh hơn một thế kỷ trước để trải nghiệm khám phá các vùng miền núi hoang sơ, xe cáp trên không gần đây đã xuất hiện ở một số thành phố lớn, đang được sử dụng như một phương án so sánh thay thế cho các phương thức giao thông công cộng truyền thống thông thường.
Sự xuất hiện của cáp treo trong giao thông đô thị là khá mới. Thành phố Medellín Colombia đi tiên phong trong việc sử dụng cáp treo trong giao thông đô thị khi mở tuyến “Metrocable” đầu tiên vào năm 2004.
Tiến sĩ Phạm Sanh, chuyên gia giao thông.
Kể từ đó, xe cáp đô thị đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới, với các dự án gần đây ở Mỹ Latinh (Rio de Janeiro, Caracas, Guayaquil, Santo Domingo, La Paz và Medellín), Châu Á (Yeosu Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông), Châu Phi (Lagos, Constantine) và Châu Âu (London, Koblenz, Bolzano).
Cáp treo có thể là một giải pháp giao thông đô thị hấp dẫn để kết nối các khu vực trong đô thị với nhau khi các rào cản địa hình địa lý như đồi núi sông ngòi làm cho các phương thức khác không khả thi hoặc nối kết các vùng ngoại ô với trung tâm thành phố, thường là các khu vực quy hoạch xây dựng lộn xộn và phần lớn cư dân là người lao động có thu nhập chưa cao.
Hiện nay cáp treo là "chủ đề mới và nóng" trong giao thông công cộng, giao thông đô thị. Tuy nhiên, như với bất kỳ dự án phương thức giao thông nào, các thành phố trên thế giới vẫn đang xem xét cẩn thận những ưu điểm và hạn chế của công nghệ này. Cụ thể:
• Thời gian và chi phí thực hiện: Ưu điểm độc đáo của cáp treo là chỉ tốn một phần chi phí đầu tư của một đường hầm hoặc cầu mới. Chúng cũng thường triển khai nhanh hơn việc xây dựng các con đường mới, có thể hấp dẫn những người có thẩm quyền ra quyết định thấy được kết quả nhanh chóng. Chi phí vốn có thể khác nhau tùy thuộc vào bối cảnh, với hầu hết các hệ thống Mỹ Latinh dao động từ 10-25 triệu USD/km.
• Tính di động và khả năng tiếp cận: Các dự án cáp treo gần đây đã nhận được sự chú ý nhiều, nhất là các dự án phục vụ các khu dân cư nghèo ở ngoại ô, quy hoạch phát triển lộn xộn, kết nối kém với phần còn lại của thành phố và không được phục vụ bởi các dịch vụ giao thông công cộng thông thường.
Kết nối các khu vực này với các trung tâm đô thị bằng cáp treo có thể tiết kiệm đáng kể thời gian đi lại và các lợi ích kinh tế xã hội khác, do nối kết trực tiếp và không bị các hạn chế của giao thông đường bộ. Tuy nhiên, với khoảng cách trung bình 800m giữa các ga, cáp treo có thể không phục vụ nhiều người như dịch vụ xe buýt và yêu cầu người dùng phải đi bộ một khoảng cách xa hơn khi đến và đi từ các nhà ga.
• Thiết kế và năng lực vận chuyển: Dữ liệu thu thập từ 25 dự án ở 14 thành phố cho thấy cáp treo đô thị có tốc độ hoạt động từ 10 đến 20 km/h và năng lực vận hành 1.000-2.000 hành khách mỗi giờ trên mỗi hướng.
Năng lực vận chuyển và khả năng tiếp cận phụ thuộc phần lớn vào vị trí và thiết kế trạm. Trên thực tế, cáp treo đô thị phù hợp với các khu vực có nhu cầu đi lại vừa phải và được xem là phương tiện hỗ trợ cho các phương tiện giao thông công cộng truyền thống khác.
• Vận hành và bảo trì (O&M): Giống như bất kỳ hệ thống giao thông công cộng nào khác, cáp treo yêu cầu ngân sách trợ cấp để vận hành và bảo trì. Có vẻ như chi phí O&M phụ thuộc rất nhiều vào các tính năng kỹ thuật của hệ thống, rất tiếc các dữ liệu chi phí O&M thực tế cho cáp treo đô thị rất ít và thường không minh bạch.
• Người dùng và các tác động khác: Sự hài lòng của người dùng rất quan trọng đối với sự thành công của hệ thống giao thông công cộng. Cáp treo giúp thưởng ngoạn quang cảnh thành phố từ trên không rất thú vị cho người đi, nhưng cũng cần tiêu chuẩn cao về sự thoải mái, an toàn và cả an ninh.
Một hệ thống cáp treo được thiết kế tốt cũng có thể cải thiện hình ảnh không gian đô thị và kích thích đô thị hồi sinh. Các hệ thống cáp treo đô thị đang bắt đầu cho thấy những tác động tích cực đến chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là trong một số khu vực hay cộng đồng không được giao thông công cộng phục vụ và không thể tiếp cận trước đó.
Hội An từ chối đổi đất lấy cáp treo hơn 2.000 tỷ đồng
Một doanh nghiệp tại Quảng Nam muốn đầu tư cáp treo dài hơn 7km tại phố cổ Hội An với tổng mức đầu tư 2.150 ... |
Dự án cáp treo Hội An: Đụng đến đất lúa, ai cho mà làm!
Một doanh nghiệp đang có hồ sơ xin nghiên cứu đầu tư xây dựng dự án cáp treo ở TP.Hội An (Quảng Nam) đã bị ... |
Ngày đăng: 14:22 | 06/07/2018
/ http://baodatviet.vn