Một cuộc "khủng hoảng nhân khẩu học" do số lượng trẻ sơ sinh thấp chưa từng có và dân số già đang diễn ra ở Trung Quốc.

Các bà mẹ Trung Quốc chỉ sinh 10,62 triệu trẻ trong năm 2021, giảm 11,5% so với 2020, tương đương dân số tăng thêm chỉ 480.000 người, trong khi số người trên 60 tuổi ngày càng nhiều.

Giáo sư Song Jian, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Dân số, Đại học Nhân dân Trung Quốc nói: "Số trẻ sơ sinh của chúng tôi đang giảm. Trên thực tế, tỷ lệ trẻ em từ 0 đến 14 tuổi (trong tổng dân số) sẽ tiếp tục giảm trong khi tỷ lệ dân số già sẽ tăng nhanh".

Tại cuộc họp báo của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, ông Song bình luận thêm: “Trung Quốc vẫn đang hưởng lợi từ lợi tức dân số (tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động cao góp phần vào tăng trưởng kinh tế), nhưng cánh cửa cơ hội này sẽ sớm đóng lại".

Khủng hoảng dân số già tại Trung Quốc sắp không thể đảo ngược? - 1
(Ảnh minh họa: Tân Hoa xã)

Khó đảo ngược khủng hoảng

Số dân từ 16 đến 59 tuổi (trong độ tuổi lao động) của Trung Quốc năm 2021 là 882,22 triệu người, chiếm 62,5%; trên 60 tuổi là 267,36 triệu người, chiếm 18,9%; và trên 65 tuổi là 200,56 triệu người. Trong khi đó năm 2020, số người trên 60 tuổi chỉ là 264,02 triệu, và số người trên 65 tuổi là 190,64 triệu.

Trong khoảng 10 năm qua, Bắc Kinh đã nới lỏng các quy định kế hoạch hóa gia đình nghiêm ngặt để đối phó với tình trạng dân số độ tuổi lao động giảm, trong đó có chính sách một con nổi tiếng.

Năm 2016, Trung Quốc cho phép các cặp vợ chồng sinh hai con, và đến 2021, cho phép sinh con thứ ba. Nhưng việc nới lỏng các hạn chế về lượng, cộng với một loạt biện pháp ở cả cấp địa phương và trung ương – như cắt giảm các khoản phí chăm sóc trẻ em, tăng thời gian nghỉ phép của cha mẹ và giúp các gia đình tiếp cận với điều kiện giáo dục, nhà ở và các nguồn lực khác tốt hơn - cũng chưa thể đảo ngược tình trạng tỷ lệ sinh giảm.

Trong một bài báo, Cai Fang, Giám đốc Viện Dân số và Kinh tế lao động tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết tỷ lệ sinh của nước này năm 2021 giảm xuống mức thấp kỷ lục năm 2021 - 7,52 ca cho mỗi 1.000 người. Ông nhận định điều này chủ yếu là do ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế xã hội và rất khó để đảo ngược xu hướng.

Vì vậy, theo chuyên gia, dù tăng tỷ lệ sinh trở lại, Trung Quốc cũng chưa thể có được lợi tức dân số lần thứ hai. Thay vào đó, họ cần học cách "khiêu vũ" với tình trạng già hóa dân số, thích nghi trong bối cảnh mới và chủ động tránh những tác động tiêu cực.

Khủng hoảng dân số già tại Trung Quốc sắp không thể đảo ngược? - 2
(Ảnh minh họa: New York Times)

Tăng sức chi tiêu của người cao tuổi

Theo Cai, dân số già có thể gây ra hai mối đe dọa lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc, đó là việc lực lượng lao động bị thu hẹp và sức chi tiêu giảm. Đối mặt với vấn đề này, Trung Quốc nên đào tạo và trang bị cho người cao tuổi những kỹ năng giúp họ thích ứng tốt hơn với nhu cầu thời kỳ công nghiệp, bên cạnh đó, đưa ra các biện pháp khuyến khích người cao tuổi làm việc sau tuổi nghỉ hưu, thay vì tăng tuổi nghỉ hưu để cắt giảm lương hưu.

Để đối phó với tình trạng dân số già đi, năm 2021, Trung Quốc đã xác nhận sẽ bắt đầu tăng tuổi nghỉ hưu vài tháng mỗi năm. Tuổi nghỉ hưu bắt buộc của nước này trong 40 năm qua đang không thay đổi ở mức 60 đối với nam và 55 đối với nữ (50 đối với công nhân nữ).

Trong bối cảnh sức tiêu dùng yếu do khó khăn kinh tế, việc thu nhập ổn định, cùng với hệ thống lương hưu mở rộng hơn, sẽ làm tăng sức chi tiêu của người cao tuổi, chuyên gia giải thích.

Viện Khoa học Trung Quốc vào năm 2019 dự đoán rằng quỹ hưu trí nhà nước của nước này sẽ hết tiền vào năm 2035. Năm 2021, Trung Quốc đã công bố kế hoạch thành lập một công ty quản lý quỹ hưu trí nhà nước với vốn đăng ký 11,15 tỷ nhân dân tệ (1,76 tỷ USD).

Ngoài Trung Quốc, tăng trưởng dân số chậm hoặc thậm chí âm cũng là vấn đề nan giải ở các nước châu Á khác. Năm 2021, tại Nhật Bản, số người trên 65 tuổi chiếm 29,1%, trong đó 25% vẫn đang làm việc tính đến 2020. Tại Hàn Quốc, theo số liệu được công bố tháng 11/2021, 34,1% người trên 65 tuổi vẫn đang tham gia thị trường lao động. Trong khi đó, Singapore đang tích cực chào đón lao động chất lượng cao từ nước ngoài, khi 17,6% tổng dân số trên 65 tuổi.

Ngày đăng: 19:00 | 29/01/2022

/ vtc.vn