Thông tin hội nghị Mỹ-Triều phủ sóng trên khắp các mặt báo quốc tế lớn, với những đánh giá, nhận định và kỳ vọng của giới chuyên gia về sự kiện quốc tế quan trọng được tổ chức tại Việt Nam này.
Sau Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Mỹ Donald Trump tối 26/2 cũng đã có mặt tại thủ đô Hà Nội để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 diễn ra trong 2 ngày 27 và 28/02.
Hãng tin AP của Mỹ cho biết sau khi xuống máy bay, Tổng thống Donald Trump chào và bắt tay phái đoàn Việt Nam tiếp đón ông tại sân bay quốc tế Nội Bài. Hãng tin bày tỏ ấn tượng trước sự tiếp đón trang trọng mà Việt Nam dành cho Tổng thống Mỹ. Theo AP, các cuộc gặp trong ngày 27 và 28/2 của hai nhà lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên sẽ tập trung vào nỗ lực xây dựng chi tiết hơn thỏa thuận đạt được tại cuộc gặp hồi tháng 6/2018 tại Singapore.
Ông Kim Jong-un đến Việt Nam. (Ảnh: AP)
Kênh truyền hình France 24 của Pháp đăng tải bài viết trong đó nhận định, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 tại Hà Nội nhiều khả năng sẽ đạt được một tuyên bố hòa bình nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Triều Tiên luôn coi đây là một bước quan trọng hướng tới bình thường hóa các mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên, cũng như cải thiện quan hệ với Mỹ.
Đổi lại, Triều Tiên có thể cho phép triển khai các thanh sát viên quốc tế để giám sát quá trình tháo dỡ lò phản ứng hạt nhân. Về phía Mỹ, nước này cũng có thể chấp nhận mở cửa văn phòng liên lạc giữa Mỹ và Triều Tiên, đồng thời cho phép các dự án liên Triều, với điều kiện Triều Tiên thực hiện các biện pháp nhằm phi hạt nhân hóa.
Bài báo cũng nhắc lại tuyên bố trước thềm chuyến đi tới Hà Nội của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó nhấn mạnh, Nhà lãnh đạo Mỹ sẽ còn cảm thấy hài lòng chừng nào Triều Tiên tiếp tục ngừng các vụ thử vũ khí như đã làm trong suốt 1 năm rưỡi qua.
Ông Donald Trump đến Hà Nội. (Ảnh: Phạm Chiểu)
Kênh truyền hình CCTV của Trung Quốc dẫn lời Giáo sư Sung-Yoon Lee của Hàn Quốc nhận định:
“Tôi kỳ vọng vào những kết quả cụ thể tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 này giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên. Theo tôi, Chủ tịch Kim Jong-un tất nhiên luôn quan tâm tới việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, song cũng muốn đạt được một thỏa thuận hòa bình, một tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên và một cam kết của Tổng thống Donald Trump ký thỏa thuận hòa bình chính thức với Triều Tiên.”
Trong khi đó Hãng tin CNN đăng tải bài viết nhan đề: “Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều: đâu là chiến thắng có thể của Triều Tiên tại Hà Nội?” Theo bài viết, Triều Tiên hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một thắng lợi lớn tại Hà Nội.
Đó là một tuyên bố chính trị nhằm kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-953). Theo ông Jean H. Lee, Giám đốc Trung tâm Quỹ chính sách và Lịch sử Hàn Quốc, đây sẽ là thành công lớn nhất đối với Chủ tịch Kim Jong-un cả về khía cạnh truyền thông, ngoại giao, cũng như kinh tế. Bởi cũng giống như Tổng thống Donald Trump, Chủ tịch Kim Jong-un mong muốn về một thời khắc lịch sử, mà tại đó lãnh đạo hai quốc gia luôn xem nhau là kẻ thù trong suốt bảy thập kỷ qua, có thể đứng cạnh nhau để tuyên bố chính thức chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên.
Và hơn hết, một tuyên bố như vậy sẽ cho phép Triều Tiên tập trung vào phát triển kinh tế, cũng như bắt đầu quá trình đàm phán về một hiệp ước hòa bình chính thức .
Hãng tin Reuters của Anh dẫn lời chuyên gia phân tích Jenny Town thuộc nhóm nghiên cứu về Triều Tiên 38 độ Bắc chia sẻ quan điểm này: “Chính quyền Mỹ đã phát đi một số tín hiệu cho thấy khả năng sẽ xem xét một tuyên bố kết thúc chiến tranh Triều Tiên, mở văn phòng liên quan, thậm chí là mở rộng một số hoạt động trao đổi văn hóa hoặc giáo dục, tạo điều kiện cho các dự án liên Triều. Vì thế tôi nghĩa rằng chúng ta sẽ được chứng kiến một số bước đi cụ thể tiếp theo. Đó có thể không phải là một thỏa thuận toàn diện, song chắc chắn sẽ là một bước đi tích cực
Tờ Le Figaro của Pháp đã điểm lại hành trình 8 tháng đàm phán khó khăn, với nhiều thăng trầm giữa Mỹ và Triều Tiên.
Theo bài viết, sau Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên tại Singapore, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ gặp nhau vào ngày 27 và 28/02 tới tại Hà Nội để thoát khỏi giai đoạn bế tắc kéo dài liên quan tới các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa. Bài báo viết: “Sau cái bắt tay được đánh giá là mang tính lịch sử tại Singapore, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố sẵn sàng mời Chủ tịch Kim Jong-un tới phòng Bầu dục. Tám tháng sau đó, cuối cùng tại thủ đô Hà Nội, Việt Nam, thay vì Nhà trắng, hai nhà lãnh đạo sẽ lại gặp nhau.” Theo bài viết, cuộc gặp mặt đối mặt này giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên cần phải đi tới những bước tiến cụ thể nhằm tránh nguy cơ phải quay lại giai đoạn “bờ vực” của năm 2017.
Trong khi đó tờ Thế giới của Pháp dẫn lời chuyên gia phân tích Harry Kazianis thuộc Trung tâm nghiên cứu lợi ích quốc gia nhấn mạnh, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên sẽ nỗ lực đạt được những bước tiến cần thiết, bởi không gì tồi tệ hơn đối với cả hai bên đó là rời cuộc họp mà không đạt được gì cả.
Lãnh đạo Mỹ - Triều có thể gặp nhau 5 lần trong hội nghị ở Hà Nội
Nguồn tin tiết lộ hội nghị Mỹ - Triều lần hai sẽ có hình thức tương tự lần đầu tiên và không loại trừ khả ... |
Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Trump mềm dẻo trước ngày gặp Kim Jong -un
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ họp thượng đỉnh lần thứ hai trong tuần này mà ... |
Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2: Chủ tịch Kim Jong-un xây dựng hình tượng mới
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đang trở thành tâm ... |
"Voi sắt" RAM MK3 trấn giữ thượng đỉnh Mỹ - Triều tại HN
Cơ động nhanh, hỏa lực mạnh, bọc giáp chắc chắn, xe thiết giáp RAM MK3 là phương tiện quan trọng góp phần bảo vệ an ... |
Ngày đăng: 08:30 | 27/02/2019
/