Vào đúng dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc (ngày 1.10), Sân bay quốc tế Đại Hưng Bắc Kinh đã chính thức khai trương với tham vọng sẽ đạt 100 triệu hành khách mỗi năm. Nếu đạt công suất khai thác này, sân bay hình sao biển sẽ là đối thủ của các sân bay Mỹ.
Những con số ngoạn mục
Chỉ 5 năm trước, vùng đất nơi được chọn xây dựng Sân bay quốc tế Đại Hưng Bắc Kinh (Sân bay Đại Hưng) là đất nông nghiệp đầy bụi bặm ở phía nam Bắc Kinh. Phần lớn du khách lướt qua đây, không mấy chú tâm khi vào thăm Thủ đô hoa lệ. Nay với sự xuất hiện của Sân bay Đại Hưng (chính thức khai trương vào ngày 25.9), Trung Quốc hy vọng sẽ "lật đổ" vị trí thống trị thị trường hàng không của Mỹ.
Với chi phí xây dựng 80 tỉ NDT (11,2 tỉ USD), sân bay hình con sao biển được truyền thông nhà nước Trung Quốc ca ngợi như là một cánh cửa mới mở ra đối với đất nước này. Sân bay Đại Hưng sẽ có thể xử lý 45 triệu hành khách vào năm 2021, kế hoạch đạt 72 triệu hành khách vào năm 2025 và 100 triệu hành khách vào năm 2040.
Toàn bộ khu vực sân bay chiếm 47km2 với nhà ga chính chiếm 695.000m2, khiến sân bay này trở thành sân bay lớn nhất thế giới. Phòng chờ rộng bằng 80 sân bóng đá. Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc cho biết, sân bay sẽ tạo ra 600.000 việc làm.
Với vẻ ngoài giống một con sao biển ngoài hành tinh khổng lồ, Đại Hưng Bắc Kinh là sân bay đầu tiên được thiết kế bởi kiến trúc sư huyền thoại người Anh gốc Iraq - Zaha Hadid. Bà nổi tiếng với các tác phẩm kỳ vĩ và những đường cong táo bạo. Tuy nhiên, bà đã qua đời vào năm 2016 trước khi có thể chứng khiến dự án ra trái ngọt.
Theo Hadid, việc thiết kế được thực thi với các nguyên tắc của kiến trúc truyền thống Trung Quốc - đó là tổ chức các không gian kết nối xung quanh một sân trung tâm. Trung tâm nhĩ, với những đường cong uốn lượn, được hỗ trợ bởi tám cột hình chữ C khổng lồ. Mỗi cột có giếng trời rộng 106m ở trên đỉnh - lấp đầy thiết bị đầu cuối bằng ánh sáng tự nhiên, đi kèm với các phòng chờ là năm sân trong được thiết thế theo phong cách truyền thống của Trung Quốc.
Thiết kế sao biển cực kỳ hiệu quả về không gian, với hành trình chỉ 600m từ cổng an ninh đến cổng xa nhất - cộng với việc kiểm tra chủ yếu được tự động hóa qua 400 quầy tự check-in (đồng nghĩa hơn 80% thủ tục check-in là tự hành khách thực hiện). Điều này rút ngắn thời gian xếp hàng của mỗi hành khách xuống còn không quá 10 phút, theo Global Times. Các cửa kiểm tra an ninh thông minh có thể xử lý 260 hành khách mỗi giờ, nhanh hơn 40% thời gian thực hiện theo cách truyền thống. Thời gian chờ đợi tại sân bay cũng sẽ giảm đáng kể nhờ sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để tiến hành dịch vụ tự check-in và kiểm tra an ninh. Sân bay còn ứng dụng những công nghệ hiện đại khác như robot phục vụ hành khách, định vị hành lý ký gửi, hay bãi đỗ xe công nghệ cao.
Tân Hoa Xã cho hay, hơn 70 nhà hàng, quán trà và quán cafe sẽ hoạt động tại Sân bay Đại Hưng, cùng với 36 thương hiệu quốc tế xa xỉ như Louis Vuitton, Gucci, Bottega Veneta. Ngoài nhà hàng, cửa hàng miễn thuế, sân bay khổng lồ này còn có sân chơi cho trẻ em, nhiều sân khấu biểu diễn nghệ thuật, khu vực làm việc và thậm chí khách sạn cho thú cưng.
Sân bay Đại Hưng nằm ở phía nam Bắc Kinh, cách quảng trường Thiên An Môn nằm giữa thành phố 50km. Do đó, các nhà chức trách chú trọng biến sân bay thành trung tâm giao thông với đường sắt tốc độ cao, dịch vụ liên tỉnh và tàu cao tốc từ nội thành tới sân bay dừng ngay dưới nhà ga. Các tàu cao tốc tới sân bay di chuyển ở tốc độ tối đa 160km/h có thể đưa hành khách vào thành phố trong chưa đầy 20 phút. Ngoài hệ thống tàu cao tốc, sân bay sẽ được kết nối với trung tâm thành phố qua tàu điện, xe bus trung chuyển hai chiều.
Hàng không sẽ là một ngành công nghiệp mũi nhọn
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xác định hàng không là một ngành công nghiệp mũi nhọn quan trọng. Bởi trong vòng hai thập kỷ qua, lưu lượng hành khách hàng năm đạt khoảng 1,6 tỉ lượt, theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, nhiều hơn cả dân số nước này. Trung Quốc đặt mục tiêu sẽ có 150 sân bay thương mại vào năm 2035, gần gấp đôi số lượng sân bay có vào năm 2018. Nước này cũng đang phát triển loại máy bay cạnh tranh với hai Tập đoàn Boeing và Airbus.
Một trong những nguyên nhân nữa thúc đẩy dự án Sân bay Đại Hưng là Bắc Kinh đang rất cần một cửa ngõ thứ hai với thế giới. Lượng hành khách tại Trung Quốc đang tăng lên nhanh chóng, ở mức gần 13% vào năm 2017. Trong khi đó, Sân bay quốc tế Thủ đô Bắc Kinh đang hoạt động hết công suất, khiến các hãng hàng không gần như không thể tăng chuyến vào những thời điểm mong muốn.
Sân bay Đại Hưng sẽ tăng 60% công suất vận chuyển hành khách của Bắc Kinh và giúp giảm tải cho Sân bay quốc tế Thủ đô Bắc Kinh. Dù có một nhà ga mới khổng lồ mở cửa trước Thế vận hội mùa hè 2008 (Olympic Bắc Kinh 2008), song Sân bay quốc tế Thủ đô Bắc Kinh vẫn luôn trong tình trạng bị hoãn, hủy chuyến. Các nút thắt cổ chai tại Sân bay quốc tế Thủ đô Bắc Kinh dường như đã hạn chế sự tăng trưởng hành khách hàng năm chỉ ở mức trung bình 4% mỗi năm từ năm 2013-2018, nhà phân tích Denise Wong của Bloomberg Intelligence cho biết.
Trung Quốc có ít lựa chọn nhưng phải chi tiêu "khủng" và nhanh để cung có thể đáp ứng cầu. Trong báo cáo thường niên mới nhất về thị trường hàng không thương mại, Boeing dự kiến lưu lượng hành khách của ngành hàng không Trung Quốc sẽ tăng 6% mỗi năm. Công ty tư vấn quản lý quốc tế hàng đầu McKinsey & Company cho hay, Sân bay Đại Hưng ban đầu dự kiến có 4 đường băng, sau cuối cùng tăng lên 7, bao gồm cả 1 đường băng dành cho quân sự. Sân bay có thể mở các đường bay mới đến những nơi như San Diego (Mỹ). Bắc Kinh hiện có các đường bay chính đến những thành phố lớn như London (Anh), New York (Mỹ), Tokyo (Nhật Bản) cũng như kết nối đến rất nhiều sân bay quốc tế khác.
Ba hãng hàng không lớn thuộc sở hữu nhà nước là Air China, China Eastern Airlines và China Southern Airlines sẽ được phép khai thác Sân bay Đại Hưng, trong đó thị phần của Air China là lớn nhất. Với mục tiêu tái cấu trúc Bắc Kinh như một trung tâm vận tải quốc tế khi du lịch hàng không tăng mạnh, Sân bay Đại Hưng sẽ kết nối chặt chẽ hơn giữa Bắc Kinh với Thiên Tân và Hà Bắc. Điều đó sẽ giúp Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh hơn với các tuyến quá cảnh truyền thống như Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Bangkok, Seoul và Kuala Lumpur.
Với kế hoạch biến Sân bay Đại Hưng trở thành sân bay lớn nhất thế giới, rất nhiều hãng hàng không nước ngoài sẽ chọn Bắc Kinh làm điểm dừng chân. Theo đó, British Airways đã chuyển căn cứ địa Bắc Kinh của họ đến Sân bay Đại Hưng; và các thành viên của Skyteam, liên minh hàng không bao gồm Delta, KLM, Air France, Garuda, Korean Air cũng như China Airlines sẽ theo sau.
Du lịch bùng nổ cũng đang biến các sân bay Châu Á thành các thành phố nhỏ. Trung Quốc vẫn bám sát nhiều thị trường hàng không lớn ở Châu Á về khả năng kết nối, theo báo cáo của tổ chức chuyên đánh giá và xếp hạng các hãng hàng không OAG Aviation Worldwide. Báo cáo chỉ ra Singapore và Hong Kong hiện là trung tâm kết nối quốc tế lớn nhất khu vực. Sân bay quốc tế Phố Đông Thượng Hải thuộc hàng top ở Trung Quốc, đang đứng thứ tám theo xếp hạng của OAG Aviation Worldwide.
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự kiến 4,6 tỉ người sẽ sử dụng hàng không vào năm 2019. Con số này sẽ tăng gấp đôi, đạt 8,2 tỉ vào năm 2037. Đại Hưng chỉ là một trong nhiều dự án sân bay đang được triển khai ở Châu Á, với tổng chi phí hơn 100 tỉ USD, trong một cuộc đua để có thể xử lý tất cả số hành khách khổng lồ này. Các hãng hàng không nước ngoài có thể chọn hoạt động ở cả hai sân bay: Sân bay quốc tế Thủ đô Bắc Kinh và Sân bay Đại Hưng, hoặc một trong hai. Nhưng chuyển sang Sân bay Đại Hưng, các hãng sẽ có thể khai thác được nhiều tuyến mới hoặc các địa điểm thuận lợi hơn.
Quốc vụ khanh Anh thăm Học viện Hàng không Vietjet |
Tiếp viên hàng không giảm 40 kg không cần nhịn ăn |
Khách chuẩn bị bay thấy vali bị quên trên đường băng |
Ngày đăng: 15:00 | 06/10/2019
/ laodong.vn