Dịch bệnh đang đe dọa đà phục hồi kinh tế mong manh của Hàn Quốc, thậm chí có thể khiến nước này tăng trưởng âm trong quý I.
Thứ trưởng Tài chính Hàn Quốc Kim Yong-beom hôm nay (24/2) cho biết dịch bệnh "đang là mối lo ngại lớn, sẽ hạn chế đà phục hồi kinh tế mới nhen nhóm cuối năm ngoái của Hàn Quốc". Nhu cầu nội địa và xuất khẩu sang Trung Quốc giảm sút là hai trong các tác động đáng chú ý.
Chỉ số Kospi trên sàn chứng khoán Hàn Quốc sáng nay lao dốc, do nhà đầu tư lo ngại rủi ro. Số ca lây nhiễm tại Hàn Quốc tăng vọt trong tuần qua, từ hơn 30 lên hơn 760 trường hợp. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã phải nâng cảnh báo dịch bệnh lên mức cao nhất, lần đầu tiên kể từ năm 2009.
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cũng sẽ họp khẩn hôm nay để bàn bạc về ảnh hưởng của dịch bệnh. Ngày càng nhiều nhà kinh tế học cho rằng cơ quan này sẽ hạ lãi suất trong cuộc họp định kỳ vào thứ năm này. Thứ trưởng Kim cho biết chính phủ Hàn Quốc đang cân nhắc tất cả biện pháp khả thi, kể cả tăng ngân sách.
Một nhà hàng tại Seoul vắng vẻ khi dịch bệnh bùng phát. Ảnh: Yonhap |
Kinh tế Hàn Quốc thường chịu tác động rất sớm từ các biến động trên thế giới, do phụ thuộc nhiều vào thương mại, đặc biệt là với Trung Quốc. Nhập khẩu của Hàn Quốc từ Trung Quốc đã giảm 19% trong 20 ngày đầu tháng 2, cho thấy dịch bệnh đang gây gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng toàn cầu. Xuất khẩu trung bình ngày của Hàn Quốc cũng giảm 9,3% giai đoạn này so với cùng kỳ năm ngoái.
Nền kinh tế Hàn Quốc được dự báo còn chịu nhiều tác động hơn nữa, do nỗi sợ đang lan nhanh trong cộng đồng, kìm hãm các hoạt động kinh tế. Chính phủ nước này đã thúc giục người dân tránh các hoạt động ngoài trời, hạn chế dịch vụ liên quan đến tôn giáo và lùi lịch năm học mới.
Hai đại gia điện tử Hàn Quốc - Samsung Electronics và LG Electronics đã thực hiện hàng loạt biện pháp phòng trừ, sau khi số ca nhiễm tại Hàn Quốc tăng vọt, trong đó có một nhân viên Samsung tại khu phức hợp nhà máy ở thành phố Gumi. Samsung đã đóng cửa nhà máy này cuối tuần qua, và sẽ mở cửa trở lại chiều nay.
Dù vậy, trường hợp này khá rắc rối, vì Gumi có nhiều cơ sở sản xuất của LG Electronics, LG Display, Toray Group và các công ty khác. LG Electronics đã yêu cầu nhân viên quê Daegu làm việc tại nhà. LG Display thì thông báo nhân viên từng tới Daegu nên tự cách ly 2 tuần. Các nhân viên tại trụ sở cũng bị cấm đến nơi này nếu không có sự đồng ý từ lãnh đạo công ty.
Rất nhiều ngân hàng đầu tư nước ngoài và viện nghiên cứu kinh tế đã dự báo tăng trưởng của Hàn Quốc xuống dưới 2% năm nay, do sự bùng phát dịch bệnh. ING gần đây hạ dự báo tăng trưởng Hàn Quốc từ 2,2% xuống 1,7% năm nay. Tương tự, Oxford Economics hạ từ 2,2% xuống 1,8%.
Capital Economics, Nomura Securities và Morgan Stanley cũng cho rằng GDP Hàn Quốc chỉ tăng dưới 2% năm nay. Do dịch bệnh khiến xuất khẩu và nhu cầu trong nước giảm sút.
Hàn Quốc cũng đang chịu tác động lớn từ khách du lịch suy giảm và doanh số bán lẻ lao dốc. Số khách nước ngoài đến đây đã giảm 2,8% giai đoạn 20/1 – 10/2 so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do khách Trung Quốc ít đi.
Các trung tâm thương mại và hàng quán cũng thất thu do người dân tránh đến nơi đông đúc. Một số đã phải đóng cửa sau khi người nhiễm bệnh được phát hiện đã tới đây.
Một số tổ chức nước ngoài thậm chí cảnh báo Hàn Quốc tăng trưởng âm trong quý I. Nomura cho rằng với kịch bản tồi tệ nhất, GDP nước này sẽ giảm 2,9% quý I. Với JP Morgan, mức giảm là 0,3%.
Trước đó, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã dự báo nền kinh tế này chỉ tăng trưởng 2,3%. Năm 2019, GDP nước này tăng 2% - chậm nhất một thập kỷ - do tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc.
Hà Thu (theo Bloomberg, Yonhap)
Ngày đăng: 14:52 | 24/02/2020
/ vnexpress.net