Từ 1/8, các đơn vị kinh doanh dịch vụ trên vịnh Hạ Long chuyển sang dùng đồ thân thiện môi trường, phân loại rác theo yêu cầu của ban quản lý. 

Các sản phẩm từ nhựa dùng một lần như chai, cốc, ống hút sẽ được thay thế bằng vật liệu có thể tái chế, tái sử dụng và thân thiện môi trường. Đây là một trong những đề nghị từ ban quản lý vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) gửi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ, du lịch, nuôi trồng thủy hải sản trên vịnh thực hiện từ tháng này.

Theo đó, rác cần được phân loại tại cơ sở rồi thu gom đưa về bờ xử lý theo quy định; các đơn vị hạn chế sử dụng, dần thay thế các sản phẩm từ nhựa trong sinh hoạt, kinh doanh trên vịnh và truyền thông cho khách du lịch về hành động này.

Hiện nay, một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tại Hạ Long đã chuyển sang chuẩn bị các bình nước lớn và yêu cầu khách lấy nước từ bình, tái sử dụng chai đựng nước. Bên cạnh đó, các đồ dùng nhựa dùng một lần như cốc, ống hút cũng đang được thay thế bằng vật liệu như giấy, inox, tre...

Theo Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, năm 2018 địa phương đón 12,2 triệu lượt khách du lịch, tăng 24% so với năm 2017, trong đó khách quốc tế là hơn 5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt 23.600 tỷ đồng, tăng 32%. Ảnh: Luxury Escapes. 

Trước đó, ban quản lý vịnh Hạ Long đã tổ chức họp với các doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động tại đây để tìm kiếm giải pháp bảo vệ môi trường, phát triển các sản phẩm du lịch. Ông Phạm Đình Huỳnh, phó trưởng ban quản lý vịnh kêu gọi các doanh nghiệp nêu cao tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ thuyền viên, nhân viên và cả khách du lịch trong việc bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long.

Theo ban quản lý vịnh, trung bình hàng năm, số rác thu gom được trên vịnh là hơn 1.000 tấn. Trong nửa đầu năm 2019, đơn vị này đã gom và xử lý hơn 573 tấn rác từ các vùng ven biển và ngoài khơi của vịnh, hầu hết là đồ nhựa như vỏ chai lọ, túi nilon, phao xốp.

Kiều Dương

 

Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) thống kê, năm 2018, Việt Nam đã thải ra hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa không được xử lý, chiếm gần 6% lượng rác nhựa trên thế giới. Tính riêng lượng rác thải nhựa ra biển, Việt Nam đứng thứ 4 thế giới trong năm qua, ở mức 0,28 – 0,73 triệu tấn, khiến tình trạng ô nhiễm ở Việt Nam ngày càng nguy cấp. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp hạng chỉ số cạnh tranh du lịch của Việt Nam đứng thứ 129/136 về tính bền vững môi trường.

 

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ thị giảm sử dụng đồ nhựa trong y tế
TP HCM không dùng ly, ống hút nhựa
Việt Nam sắp cấm đồ nhựa dùng một lần
VCCA giới thiệu triển lãm “Hành tinh nhựa” truyền đi thông điệp sử dụng đồ nhựa có ý thức
Tuyên chiến với đồ nhựa dùng một lần
Canada cấm đồ nhựa dùng một lần từ năm 2021
Nghị viện châu Âu thông qua dự luật cấm đồ nhựa dùng một lần

Ngày đăng: 15:10 | 02/08/2019

/ vnexpress.net