Liên quan đến giá thịt lợn tăng mạnh trong khoảng 1 tuần trở lại đây, mặc dù đại diện cục Chăn nuôi (bộ NN&PTNT) đã có những giải thích cặn kẽ nhưng các bà nội trợ vẫn kêu trời vì cảm thấy “như bị móc túi” mỗi khi ra chợ. Chưa bao giờ thịt lợn có giá đắt đỏ như hiện tại.
Cơn khát thịt lợn “sạch”
Thời gian qua, dịch tả lợn châu Phi đã khiến cho thị trường thịt lợn trong nước trở nên “khát” hơn bao giờ hết. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, đàn lợn cả nước tháng 10/2019 giảm mạnh 20% so với cùng thời điểm năm trước do chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung giảm là yếu tố chủ yếu khiến giá thịt lợn hơi trên thị trường gia tăng.
Ghi nhận nhanh của PV báo ĐS&PL, tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội như chợ Nghĩa Tân, chợ Phú Đô... các tiểu thương đều cho biết thời gian gần đây giá thịt lợn có tăng hơn trước. “Chúng tôi bán thịt giá trung bình từ 120.000 đồng đến 150.000 đồng/1kg, tuỳ loại thịt. Mấy ngày gần đây giá thịt tăng cao nên khách mua hàng cũng kêu mua 30.000 hay 50.000 đồng cũng chỉ được có chút thịt”, bà Thu Hoài (tiểu thương bán thịt tại chợ Nghĩa Tân) chia sẻ.
Chia sẻ với PV báo ĐS&PL, chị Nguyễn Thị Hường, chủ quầy thịt lợn ở chợ khu đô thị Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Mấy ngày trước giá thịt lợn tăng chóng mặt. Tuy nhiên, hai ngày gần đây mức độ tăng nhẹ hơn. Hiện tại, thịt ba chỉ, thịt vai giá 150 ngàn/1kg; Thịt mông rẻ hơn, khoảng 120-130 ngàn/1kg”. Nguyên nhân khan hiếm thịt lợn khiến giá bị đẩy lên, chị Hường cũng có chung nhận định là do dịch tả lợn châu Phi, đàn lợn bị chết quá nhiều, phải tiêu hủy. Số lượng lợn khỏe, đủ tiêu chuẩn giết mổ, cung cấp ra thị trường bị hạn chế. “Mặc dù giá cao chót vót nhưng khâu “săn hàng” vô cùng khó khăn. Tại các lò mổ, tiểu thương phải đặt từ trước nhưng vẫn phải đến thật sớm để xí phần...”, chị Hường nói.
|
|
Giá thịt lợn “leo thang”, các bà nội trợ méo mặt. Ảnh: Người Đưa Tin |
Cũng theo chị Hường, người bán hàng luôn mong muốn có thịt ngon, sạch, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, giá cả hợp lý để “giữ khách”. Tuy nhiên, thời điểm này, điều ấy chỉ đảm bảo được phân nửa, nghĩa là đảm bảo yếu tố chất lượng, còn giá thì buộc phải tuân theo điều tiết của thị trường.
“Nước nổi, bèo nổi, khó khăn chung, mong người tiêu dùng hiểu và chia sẻ với người chăn nuôi khi dịch bệnh đã khiến đàn lợn bị hao hụt quá nhiều, giá thịt tăng”, ông Lê Tiến Bình, một hộ chăn nuôi ở Thái Bình trăn trở.
Trong khi đó, thay vì lựa chọn mua thịt lợn tại chợ, thời gian gần đây nhiều người dân lại đổ xô đặt mua lợn sạch ở các vùng quê. Chị Lan Anh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Tôi có một người đồng nghiệp quê ở Sơn La, thời gian gần đây có mổ đụng thịt lợn và bán với giá 200.000 đồng/1kg. Biết nguồn thịt lợn đảm bảo, an tâm nên tôi cũng đã đặt mua vài kg về để cả nhà ăn dần. Dù thịt có đắt hơn một chút, nhưng tôi nghĩ thịt lợn thời gian gần đây đang tăng giá mạnh nên đành chấp nhận. Chưa bao giờ tôi thấy giá thịt lợn lên cao đến thế”.
“Bài toán” giảm nhiệt giá thịt lợn
Trao đổi với PV báo ĐS&PL về giá thịt lợn tăng mạnh thời gian gần đây ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng cục Chăn nuôi (bộ NN&PTNT) chỉ ra một loạt các nguyên nhân: “Khoảng hơn 1 tuần trở lại đây, thịt lợn tăng giá mạnh, có rất nhiều nguyên nhân. Đầu tiên phải kể đến thời điểm tháng 5, 6 là thời điểm dịch tả lợn châu Phi cao điểm, lượng lợn bị tiêu huỷ tương đối nhiều. Lợn mới nuôi thời điểm tháng 5, 6 thì bây giờ xuất chuồng, nên nguồn cung sẽ thấp hơn so với các tháng trước. Thứ nữa, dịp này nhu cầu thịt lợn cũng tăng do đám cưới, công việc gia đình của người dân. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cung cấp thịt lợn thông báo giá thịt lợn duy trì chỉ 66.000 – 68.000 đồng/1kg. Còn một số nơi thông báo giá 75.000-76.000 đồng/kg, nhưng giá này không lớn. Một số hộ tư nhân thấy giá cao thì giữ lại tăng giá, hoặc cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không mua được lợn ở những trang trại lớn thì chấp nhận mua lợn với giá cao. Ngoài nguyên nhân thiếu hụt nguồn cung còn có hiện tượng đầu cơ, găm hàng và đẩy giá lên cao, gom hàng bán sang các nước khác nhất là Trung Quốc”.
Ông Nguyễn Văn Trọng cũng thông tin thêm, vừa qua Tổng cục Thống kê cùng bộ NN&PTNT và bộ Công Thương họp cũng đã thống nhất, tính toán rằng thịt lợn sẽ thiếu hụt ở quý IV khoảng 200.000 tấn (lợn hơi), nhu cầu quý IV tăng 10% so với bình thường. “Nếu thiếu thịt lợn thì các doanh nghiệp sẽ tiến hành nhập khẩu. Còn hiện tại, số lượng nhập khẩu thịt lợn 10 tháng trong nước không cao, chỉ 16,3 ngàn tấn. Số lượng nhập khẩu chỉ là sản phẩm phụ như móng, chân giò, khấu đuôi...”, ông Trọng chia sẻ về giải pháp nếu thịt lợn dịp Tết thiếu.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, muốn ổn định một cách tương đối mặt hàng thịt lợn trong những tháng cuối năm và đầu năm mới, các bộ, ngành cần phải tổ chức tốt nguồn cung, khâu phân phối để kiểm soát giá cả.
“Chúng ta cần theo dõi để điều hòa nguồn thịt lợn, cũng như các thực phẩm thiết yếu khác trên cơ sở quan hệ cung cầu nhằm giảm bớt những đột biến về giá; hạn chế tới mức thấp nhất hàng hóa qua nhiều khâu trung gian, chiết khấu cao ở khâu bán lẻ dẫn tới đẩy giá lên một cách vô lý. Sau khi thí điểm việc lập sàn giao dịch thịt lợn ở phía Nam, nếu thấy hiệu quả thì nhân rộng mô hình ra cả nước”, ông Vũ Vinh Phú nói.
Thanh Lam – Lê Hương
Nghịch lý càng nhập thịt, sẽ càng thiếu?
Vẫn còn nhiều lo ngại khi nhập thịt vào, giá lợn ở Việt Nam càng thấp hơn so với Trung Quốc, lúc đó thương lái ... |
Thịt lợn tăng giá, 5 loại thực phẩm này sẽ thay thế hoàn hảo cho thịt lợn
Những ngày gần đây, thịt lợn tại chợ truyền thống và siêu thị đột ngột tăng giá lên mức 120.000 - 150.000 đồng/kg, khiến nhiều ... |
Tết này sẽ phải dùng thịt lợn đông lạnh?!
Theo dự báo từ Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguồn cung thịt lợn các tháng cuối năm sẽ ... |
Ngày đăng: 10:04 | 30/11/2019
/ www.doisongphapluat.com