Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa, việc xử phạt hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công là khả thi, quan trọng là phải có người tố cáo.
Theo Nghị định 63 vừa được Chính phủ ban hành, mức phạt tiền đối với hành vi giao, sử dụng tài sản công không đúng mục đích, công năng của tài sản là từ 1-100 triệu đồng tùy theo mức độ vi phạm.
Riêng với hành vi sử dụng ôtô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc đối với chức danh không đúng tiêu chuẩn, sử dụng ôtô vào mục đích cá nhân sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng.
Hoan nghênh sự ra đời của Nghị định 63, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, Chính phủ ban hành nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, dự trữ quốc gia, kho bạc nhà nước là kịp thời, đúng lúc trong bối cảnh có nhiều trường hợp cán bộ sử dụng tài sản công không hợp lý, không đúng quy định, gây thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước.
Theo vị đại biểu, người thực hiện hành vi tố cáo hành vi sử dụng tài sản công không đúng mục đích có thể là bất kỳ người dân nào, là cán bộ dân cử, mặt trận, các đoàn thể, công chức, viên chức... Đồng thời, việc xác minh, xử phạt phải giao cho cơ quan chủ quản, hoặc cơ quan thanh tra quản lý tài sản công, cơ quan thanh tra của bộ, ngành, địa phương.
Sử dụng tài sản công không đúng mục đích có thể bị phạt tới 100 triệu đồng. Ảnh: Tuổi trẻ |
"Việc xử phạt này là khả thi, quan trọng là có người tố cáo, báo cáo hay không?
Như vừa qua, vụ xe công đón người nhà Bộ trưởng Bộ Công thương được báo chí phát hiện, đăng tải, cơ quan chức năng xác minh thông tin đó là đúng và tiến hành xử lý.
Một khi bị xử phạt rồi, cán bộ, lãnh đạo sẽ phải biết ngại mà cẩn trọng hơn trong việc sử dụng tài sản công sao cho đúng mục đích, đúng quy định. Đó cũng là việc thực hiện hành vi nêu gương của cán bộ, lãnh đạo", đại biểu Phạm Văn Hòa nhận xét.
Thừa nhận thực tế khó có nhân viên nào dám tố thủ trưởng của mình song vị đại biểu tin rằng không phải là không có cách.
Theo đó, chỉ cần nhân viên hay bất kỳ người dân có trách nhiệm nào biết được hành vi sử dụng tài sản công không đúng quy định của cán bộ, lãnh đạo, điện thoại báo cho cơ quan chủ quản hay cơ quan thanh tra của ngành, địa phương hay bất kỳ đơn vị nào được giao trách nhiệm mà không cần xưng danh tính để đơn vị đó tiến hành xác minh, lập biên bản.
"Người tố cáo phải cảm thấy yên tâm, từ đó mới dũng cảm phản ánh việc sử dụng tài sản công không đúng quy định lên cơ quan chức năng. Dĩ nhiên việc kiểm tra, xác minh cần có lực lượng, thời gian... Song chắc chắn với tinh thần trách nhiệm cao, cơ quan được giao nhiệm vụ xử lý việc này sẽ thực hiện.
Khi xử lý được vài ba trường hợp, cơ quan phổ biến, báo chí đưa tin thì người sử dụng ô tô sẽ biết ngại mà không dám sử dụng sai quy định nữa", ông Hòa nói.
Vị Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho hay Nghị định 04/2019/NĐ-CP về sử dụng ô tô công đã quy định khá chi tiết về tiêu chuẩn xe công cho các chức danh, trong đó để "mở" quy định về khoán kinh phí sử dụng ôtô, thuê dịch vụ ôtô.
Cụ thể, theo nghị định, nếu các chức danh có tiêu chuẩn xe công mà không dùng đến, tự nguyện nhận khoán kinh phí thì sẽ được cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trường hợp tất cả các chức danh có tiêu chuẩn xe công nhưng áp dụng khoán kinh phí sử dụng ô tô cho toàn bộ công đoạn thì không trang bị xe phục vụ nữa.
Trước đó, đầu tháng 10/2016, Bộ Tài chính tiên phong thực hiện khoán xe công với toàn bộ 6 thứ trưởng cùng cấp trưởng của các tổng cục và ủy ban thuộc bộ. Mỗi người được khoán tiền thuê taxi đưa đi làm 1 ngày 2 lượt, mỗi tháng 22 ngày làm việc. Sau Bộ Tài chính, việc khoán xe công được nhân rộng ra khoảng 20 bộ - ban - ngành và tỉnh - thành.
"Việc một số ý kiến cho rằng không nên sử dụng ô tô công nữa, theo tôi là không hợp lý vì trong nhiều trường hợp, không có xe công khiến việc thực thi công vụ rất khó khăn.
Chính phủ đã quy định người nào được sử dụng ô tô công, người nào không được sử dụng rất rõ ràng, bây giờ lại có nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, vấn đề là thực hiện thế nào.
Trước hết là cán bộ phải nêu gương, nếu cán bộ không tự giác chấp hành và vi phạm thì sẽ có người tố cáo.
Trong cơ quan, đơn vị, không phải ai cũng hài lòng về thủ trưởng của mình, nhưng cũng bởi người đó là thủ trưởng, nắm quyền quyết định trong tay nên người ta không dám tố cáo những vi phạm của thủ trưởng.
Tuy nhiên, bây giờ đã có cơ chế và như đã nói ở trên, chỉ cần một cú điện thoại báo cáo về sự việc, không cần xưng danh tính, cơ quan chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra sẽ xác minh, nếu đúng như tin báo thì sẽ tiến hành xử phạt ngay.
Sau cùng, điều quan trọng nhất là cơ chế giám sát việc sử dụng xe công, quyết định tới sự hiệu quả của chính sách, đức hạnh của cán bộ lãnh đạo và uy tín của bộ máy công quyền", đại biểu Hòa phân tích.
Trưởng đoàn ĐBQH Sóc Trăng cưới con 3 ngày 4 tiệc:Cũng khó |
3 ngày 4 tiệc |
Phó Bí thư tỉnh Sóc Trăng: Ai đi xe công dự đám cưới sẽ kiểm điểm |
Ngày đăng: 15:13 | 22/07/2019
/ baodatviet.vn