Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông , đến nay, đã hoàn thành  99%. Tuy nhiên, do vẫn còn một số vấn đề kỹ thuật, đánh giá an toàn hệ thống, nghiệm thu và bàn giao chưa thống nhất giữa Bộ GTVT và Tổng thầu của dự án, trong đó có vướng mắc việc thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước về yêu cầu giảm trừ thanh toán, hoàn tất thủ tục liên quan… nên tiến độ bàn giao, vận hành tuyến liên tục chậm so với cam kết.

Do còn một số tồn tại về an toàn hệ thống

Được thực hiện từ tháng 10.2011 với tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỉ đồng, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài hơn 13km và 12 nhà ga trên cao với tốc độ 35km/h, sức chứa khoảng 1.000 khách. Tháng 9.2018, dự án chính thức vận hành thử liên động toàn hệ thống, sau khi kết thúc 6 tháng thử nghiệm, dự kiến bắt đầu khai thác thương mại trong tháng 4.2019, nhưng đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành.

Theo đại diện Ban Quản lý Dự án Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, nguyên nhân dự án chưa thể đưa vào khai thác thương mại do còn một số tồn tại Tổng thầu chưa hoàn thiện, các hạng mục chưa phù hợp với thông số kỹ thuật, các thiết bị chưa hoàn thiện theo hồ sơ thiết kế. Khối lượng công việc tồn đọng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm...

Theo đại diện Tổng thầu, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hiện mới có ông Đường Hồng - Giám đốc dự án và 3 chuyên gia sang làm việc tại dự án, các chuyên gia cấp dưới trực tiếp thực hiện công việc chưa sang được. Mặc dù, Ban quản lý dự án đã có công văn đề nghị hỗ trợ cho các chuyên gia sang làm việc nhưng chưa có chuyến bay hoặc đường bộ nào đặc cách dành cho họ. Do đó, công việc vẫn dậm chân tại chỗ.

Theo ông Đường Hồng - Giám đốc dự án Cát Linh - Hà Đông, hiện các chuyên gia Trung Quốc đã sẵn sàng sau khi Ban quản lý hoàn tất xin Chính phủ phê chuẩn, tổng thầu có công văn phê chuẩn sẽ lập tức làm Visa và sang Việt Nam làm việc tại dự án. Cũng theo ông Đường Hồng, hiện việc vắng mặt các chuyên gia không ảnh hưởng nhiều đến dự án, vì công việc chủ yếu hiện tại đều liên quan đến chủ đầu tư ký xác nhận hồ sơ hoàn công, nghiệm thu công trình và thanh toán.

Được biết, Dự án đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông đã cơ bản hoàn thành các mục, cụ thể: Công tác xây dựng 5/5 công trình thành phần; đã vận hành thử kỹ thuật một số chuyên ngành thiết bị từ cuối tháng 9.2018 đến tháng 3.2019. Dự án đang ở giai đoạn hoàn thiện hồ sơ hoàn công và khắc phục các tồn tại khuyết điểm, tiến hành các thử nghiệm, đánh giá an toàn hệ thống.

Để giải quyết các vướng mắc, mới đây, UBND TP.Hà Nội và Bộ GTVT đã nhất trí nghiệm thu có điều kiện dự án.

Trên 600 lao động phải nghỉ chờ việc

Theo ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội), để giải quyết các vướng mắc, sớm đưa dự án vào vận hành, Thành uỷ Hà Nội và Ban cán sự Đảng Bộ Giao thông vận tải thống nhất thành lập Tổ công tác xây dựng kế hoạch thực hiện những nhiệm vụ cuối cùng của dự án. Cũng theo ông Trường, hiện chỉ có khoảng 50/681 lao động của dự án đang làm việc, số còn lại tạm nghỉ chờ việc không lương.

Theo đó, hai bên sẽ thống nhất việc đánh giá an toàn, chạy thử đoàn tàu, thực hiện nghiệm thu có điều kiện đối với các nội dung công việc còn tồn tại nhưng không ảnh hưởng tới chất lượng công trình, an toàn chạy tàu và biện pháp khắc phục trong thời gian bảo hành.

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận an toàn hệ thống và Giấy chứng nhận tạm thời của Cục Đăng kiểm Việt Nam, sẽ thực hiện bàn giao có điều kiện để đưa vào khai thác, vận hành trong trường hợp đảm bảo chất lượng, an toàn, đồng thời, các bên hoàn tất thủ tục, hồ sơ bàn giao chính thức dự án theo quy định pháp luật. Đồng thời, kiến nghị Kiểm toán Nhà nước trên cơ sở báo cáo cung cấp và giải trình của Bộ GTVT, rà soát lại kết luận kiểm toán để có thể xem xét, điều chỉnh đối với nội dung thuộc thẩm quyền. Đối với những nội dung vượt thẩm quyền thì phối hợp với Tổ công tác, có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, có ý kiến chỉ đạo về các nội dung giảm trừ thanh toán, tránh nguy cơ xảy ra tranh chấp hợp đồng, làm ảnh hưởng tới tiến độ dự án.

Để chuẩn bị cho việc vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Sở GTVT Hà Nội đã lên phương án điều chỉnh, giảm các tuyến xe buýt bị trùng lộ trình với tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông để gom khách cho tuyến đường sắt và giải tỏa tại các nhà ga. Các tuyến xe buýt không bị trùng nhau, giúp giải toả tối đa hành khách của tuyến đường sắt đô thị tại các nhà ga. Tất cả các nhà ga đường sắt đều có kết nối với hệ thống xe buýt thành phố. Điều này giúp việc đi lại của người dân trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn. Hiện dọc hành lang đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông trên trục quốc lộ 6 có 34 tuyến xe buýt đang hoạt động, chiếm 30% số lượng tuyến của toàn mạng lưới xe buýt Hà Nội.

du an duong sat cat linh ha dong van chua ro ngay van hanh Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã trả tổng thầu Trung Quốc 509 triệu USD
du an duong sat cat linh ha dong van chua ro ngay van hanh Hà Nội và Bộ GTVT thống nhất sớm đưa dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông vào hoạt động
du an duong sat cat linh ha dong van chua ro ngay van hanh Giám đốc dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông đã sang Việt Nam và đang bị cách ly

Ngày đăng: 10:03 | 06/05/2020

/ laodong.vn