Nếu tuyển chọn đầu vào, phải công khai, minh bạch, thi cạnh tranh thì mới tạo cơ hội cho nhiều người, chọn được người giỏi.
"Đố điều đi đâu được"
Tại Hội nghị lần thứ 14 ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội (khóa XVI), ông Tô Quang Phán, Tổng Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình (PTTH) Hà Nội chỉ ra thực tế buồn ở nhà đài, đó là trong tổng số hơn 700 người đang làm việc tại Đài phát thanh truyền hình Hà Nội, chỉ khoảng 60% là "đủ năng lực" làm việc tốt.
Còn lại 40% năng lực hạn chế cũng không bỏ được, không loại được vì nhiều người là "con ông này, cháu bà kia từ trung ương trở xuống thành phố".
Về thông tin trên, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội hoàn toàn không bất ngờ.
"Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 12-13 tôi đã từng phát biểu trước diễn đàn Quốc hội, chúng ta có khoảng 30% cán bộ công chức làm tốt công việc, 30% phải cầm tay chỉ việc, còn 30% có cầm tay chỉ việc nhưng cũng không biết việc mà làm, tức là sáng cắp ô đi, tối cắp ô về.
Không chỉ bản thân tôi mà nhiều cán bộ, nhiều Đại biểu Quốc hội khẳng định điều này, cho thấy, đội ngũ cán bộ công chức còn nhiều bất cập.
Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH
Điều đáng nói không chỉ có Đài PTTH Hà Nội, giờ kiểm tra, rà soát lại các cơ quan công quyền tôi tin chắc đều rơi vào tình trạng như vậy. Có nghĩa một bộ máy khổng lồ, ít nhất 30-40% là không làm việc gì hoặc không hoàn thành nhiệm vụ công việc được giao", ông Tiến chỉ rõ.
Nói thêm về nguyên nhân của hiện tượng trên, theo ông Tiến, nếu chúng ta còn có 5C (con cháu các cụ cả) rồi có tình trạng 5 "ệ" (tiền tệ - ngoại lệ - đồ đệ - quan hệ - trí tuệ), thì sẽ không bao giờ có cán bộ có tâm và có tầm.
Hơn nữa, nếu có cả 5C và 5 "ệ" như vậy thì sẽ dẫn đến hậu quả 5Đ (đố điều đi đâu được), vì sẽ đụng chạm, Đài PTTH Hà Nội đang rơi tình trạng này.
Gần đây, nhiều cơ quan Đảng, Nhà nước, một số Bộ ngành, như Bộ Tài chính, một số địa phương xung phong đi đầu trong việc tinh giản biên chế, thu gọn đầu mối, sắp xếp lại bộ máy, tất nhiên sẽ lại vướng bởi con ông cháu cha, nhưng ít nhất cần có các động thái như vậy.
Riêng với trường hợp Đài PTTH Hà Nội, với 40% công chức không làm được việc sẽ ảnh hưởng: "Một là, chất lượng công việc; Hai là, bộ máy 40% ăn không ngồi rồi thì rõ ràng lãng phí nguồn nhân lực; Ba là, trả lương cho 40% đó thì ngân sách nhà nước bị thâm hụt bởi người ghi danh nhưng không có việc làm, làm không được việc.
Từ đây, dẫn đến hệ lụy tốn kém nguồn nhân lực, lãng phí nhân lực đến 40%, gần một nửa, làm cho bộ máy trì trệ, dẫn tới người làm được việc tốt không có động lực phấn đấu.
Họ nhìn sang nhau, thấy cùng làm nhưng không cần làm gì vẫn hưởng lương, đến năm vẫn lên lương, thì cần gì phải cố gắng. Thêm nữa, tạo ra thêm 40% đội ngũ cán bộ công chức trì trệ, "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về".
Trách nhiệm người đứng đầu
Trước thực trạng trên, ông Lê Như Tiến chỉ rõ các giải pháp: "Tôi thấy, chúng ta có tầng lớp các cơ quan giám sát của các cơ quan dân cử, kiểm tra của các cơ quan Đảng, Hà Nội có giám sát của Hội đồng nhân dân, các tổ chức chính trị xã hội, cử tri; có kiểm tra của Ủy ban kiểm tra Thành ủy TP Hà Nội; thanh tra của Thanh tra TP Hà Nội...vậy tại sao để tình trạng này diễn ra.
Rõ ràng các cơ quan cấp trên của những cơ quan này phải vào cuộc, HĐND phải ra Nghị quyết về vấn đề này, Ủy ban kiểm tra của Thành ủy Hà Nội cũng phải ra Nghị quyết vấn đề này, Thanh tra của TP Hà Nội phải vào cuộc làm rõ nguyên nhân thế nào, giải pháp ra sao, hướng xử lý.
Cùng với đó, trách nhiệm người đứng đầu phải được làm rõ, tại sao tiếp nhận những người không đủ năng lực như vậy vào làm việc, hay vì nể nang, yếu tố nào can thiệp, chi phối.
Nếu họ công tâm hướng về chất lượng công việc thì hướng tuyển chọn không chỉ lấp đầy nhân viên, mà sẽ có chất lượng khác. Bản thân ông Tô Quang Phán cũng có trách nhiệm người đứng đầu, nhưng đến thời điểm này chỉ là sự dồn toa gánh nặng của các thế hệ lãnh đạo từ nhiều nhiệm kỳ trước.
Đồng thời, phải xử lý nghiêm, tức phải đưa 40% cán bộ này ra khỏi biên chế. Nhưng vì đây là con người nên phải ứng xử một cách nhân văn, chứ không để họ ra đường ngay được.
Với người cao tuổi thì động viên họ nghỉ trước thời hạn như một số tỉnh, thành phố vừa qua đã làm, như Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Đà Nẵng...ai nghỉ hưu sớm sẽ hỗ trợ 100-200 triệu đồng.
Còn với những người trẻ tuổi thì tạo cơ hội cho họ tìm công việc thích hợp hơn, hòa nhập với công việc mới. Những đối tượng muốn gắn bó với Đài, vẫn đào tạo được thì đào tạo lại về chuyên môn, chưa biết làm thì học đến khi làm được.
Còn nếu không đủ điều kiện thì nên công bố, công khai, minh bạch lên danh sách trước Hội nghị cán bộ công nhân viên chức cơ quan, trước Hội nghị Công đoàn, các tổ chức trong cơ quan".
Nhân đây, theo ông Tiến, rất nhiều con ông cháu cha làm rất tốt công việc, chứ không phải con ông cháu cha là không làm được việc, họ vẫn năng động, sáng tạo.
Cho nên, nếu tuyển chọn đầu vào, phải công khai, minh bạch, thi cạnh tranh thì mới tạo cơ hội cho nhiều người mới chọn được người giỏi.
"Về mặt vĩ mô tôi kiến nghị trong Luật công chức, viên chức, trong các quy định về công tác tiếp nhận, bổ nhiệm, đề bạt phải cụ thể, lượng hóa từng vị trí công việc các tiêu chí khác nhau, chứ không chung chung", ông Tiến nhận định
40% cán bộ đài Hà Nội kém năng lực: Làm thế nào?
Lãnh đạo Đài cần mạnh dạn phẫu thuật cắt bỏ u nhọt, còn cứ sợ đụng chạm thì sẽ rất khó, phải theo xu thế ... |
Nhân sự kém là do con ông nọ, bà kia: Thật như...bịa!
Hôm qua, Tổng giám đốc Đài PTTH Hà Nội đã phát biểu thẳng thắn: “40% nhân sự kém của Đài là do con ông nọ ... |
Ngày đăng: 11:15 | 06/07/2018
/ http://baodatviet.vn