Đó là một đêm mùa đông năm 2001. Phòng cấp cứu nơi tôi trực rất căng thẳng.

nhân phẩm

Tua trực chỉ có ba bác sĩ, cùng hai y tá cao tuổi và một số sinh viên trẻ măng. Tôi đảm nhiệm cột ba nên chịu đủ mọi áp lực. Tất cả bệnh nhân đều khẩn cấp và căng thẳng, vì thế mà tôi phải ưu tiên theo thứ tự, phải phân loại bệnh nặng nhẹ để xử trí và ra những y lệnh phù hợp.

Bệnh nhân vào viện rất đông. Đôi khi, có những người thất vọng vì phải chờ đợi lâu. Một vài người trở nên hung dữ và bạo lực. Để không bị tấn công, tôi phải bước những bước ngắn mà không được tỏ ra mất bình tĩnh.

Hơn 23 giờ đêm mà tôi vẫn chưa được ăn cơm. Một ông bố đưa con 10 tuổi nhập viện vì bị rách da đầu chảy nhiều máu. Tôi đã khám và giải thích, rằng vết thương rách da đầu sẽ gây chảy rất nhiều máu ra bên ngoài, nhưng nó không nguy hiểm như những bệnh nhân bị tổn thương nội tạng, vì thế mà y tá sẽ tiến hành băng sơ cứu và chờ đợi chúng tôi có thời gian giải quyết. Nhưng bố cháu bé không đồng ý.

Người bố sau một hồi chất vấn, dọa nạt, rồi chửi bới; anh dang tay đấm thẳng vào mặt tôi, nhổ hẳn một bãi nước bọt vào chính giữa mặt tôi, rồi dọa sẽ giết chết cả nhà tôi nữa.

Lúc ấy lòng tôi nặng trĩu. Tất cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, hai cô y tá già và các em sinh viên trẻ, mọi người quay lại nhìn tôi đầy kinh hãi và không ai dám nói một lời nào. Tôi chưa bao giờ bị làm nhục trong cuộc đời. Ở khoảnh khắc đó, tôi chỉ có hai lựa chọn, hoặc là ngồi đó để tiếp tục bị đánh cùng những bãi nước bọt, hoặc là chạy trốn ra ngoài để tránh sự đe dọa và xấu hổ. Tôi muốn mình biến mất!

Và tôi bỏ chạy ra ngoài với những cảm xúc đã chết. Người bố đuổi theo tôi, túm cổ, dúi tôi vào thùng rác và đe dọa. Tôi chưa bao giờ tưởng tượng ra sự nhục nhã và xấu hổ đến như vậy. Đó là khoảnh khắc mà tôi cảm thấy cô đơn nhất. Nó để lại vết sẹo tình cảm sẽ không bao giờ có thể mất trong tôi. Nhân phẩm của tôi đã bị tước bỏ và giá trị bản thân bị hủy hoại.

Mọi diễn biến tiếp theo mới thật là tồi tệ. Những ngày tháng sau đó, thỉnh thoảng tôi lại nhận được một tin nhắn đe dọa. Tôi cảm thấy bị bào mòn cả về thể chất, tâm lí và tình cảm. Nỗi ám ảnh không thể gọi được tên, mà ở đâu tôi cũng nhìn thấy những lời lăng mạ, những cáo buộc vô căn cứ, sự sỉ nhục và cô lập.

Tôi chọn cách sống trong im lặng. Những công việc chuyên môn hàng ngày tôi cố gắng hoàn thiện nó một cách máy móc, nhưng đó là địa ngục trở nên quen thuộc. Cảm giác xấu hổ và tội lỗi chìm ngập trong bóng đêm bí mật.

Vết thương trong tôi luôn dễ dàng sưng tấy trở lại, nhất là khi một đồng nghiệp bị va chạm, nó sẽ làm tôi đau khổ thêm và cảm giác như chính mình đang bị làm nhục trước mọi người. Và tôi cứ hình dung, đến một ngày nào đó câu chuyện sẽ bị lặp lại với tôi, cứ thế rùng mình.

Tôi bị mắc kẹt trong cái bẫy tâm lý mà không ai có thể giúp đỡ. Tôi đã cố gắng để thoát khỏi cái bẫy đó, thậm chí là nghĩ đến chuyện bỏ việc, hoặc tồi tệ hơn. Nhưng càng nghĩ tôi càng rơi vào trạng thái hoảng loạn, mặc dù tôi đã xin nghỉ phép dài ngày để đi đâu đó cố gắng quên đi tất cả.

Tôi không thể nào chia sẻ những khó khăn với bất cứ ai. Không ai biết tôi đã phải hứng chịu cú đấm mạnh đến thế nào. Chẳng ai tưởng tượng nổi tôi đã phải nghe những câu chửi bới và đe dọa, cùng những bãi nước bọt nhổ thẳng vào mặt.

Không ai biết mỗi ngày đi trên đường tôi phải nhìn trước ngó sau xem có ai đi theo tôi, rồi tôi phải thay số điện thoại liên tục vì có những tin nhắn lạ đe dọa giết cả nhà.

Cuối cùng, sau gần một năm trời sống trong sợ hãi, tôi quyết định phải làm gì đó để thay đổi. Tôi đã quá mệt mỏi. Tôi không còn muốn tiếp tục những tháng ngày như vậy nữa.

Và tôi đã viết đơn xin chuyển công tác. Tôi biết nếu tôi tiếp tục làm một bác sĩ ngoại khoa cầm dao mổ, điều mà tôi ao ước suốt sáu năm học đại học, thì sẽ còn phải đối diện với rất nhiều những cú đấm và những lời đe dọa như thế. Tôi biết nếu tôi tiếp tục đi trên con đường mà tôi lựa chọn ban đầu, thì để đi được đến vinh quang tôi sẽ phải vượt qua rất nhiều những chặng đường đen tối.

Vết thương trong tôi quá lớn, mà tôi chỉ có thể sửa chữa bằng cách chuyển ra khỏi công việc mà trước đó tôi yêu thích, để sang một lĩnh vực khác an toàn hơn, nơi tôi sẽ có được cả sự nghiệp và cuộc sống mà ít phải đối diện với những nguy hiểm.

Tôi đã đi rất xa và bắt đầu nhìn lại. Phải mất nhiều năm để tôi sửa chữa những thiệt hại về tâm hồn. Tôi không cay đắng và oán hận, tôi tha thứ cho ông bố nóng giận đã đánh và đe dọa tôi, nhưng tôi không muốn bản thân và đồng nghiệp của tôi lại bị rơi vào những tình cảnh như vậy, không muốn ai bị tước bỏ giá trị của bản thân và danh dự.

Bạo hành về thể chất là nguy hiểm nhưng hệ lụy về tâm lý mới lâu dài. Hàng ngày, tôi vẫn nhận được những cuộc điện thoại từ đồng nghiệp, kể rằng họ sốc khi người nhà dọa nạt đòi mạng của bác sĩ. Trong những khoảnh khắc đó, tôi hiểu rất rõ đồng nghiệp đang tuyệt vọng và cần sự chia sẻ. Nhưng ai có thể giúp đỡ họ, hay tất cả lại rơi vào im lặng để mặc bác sĩ tự tìm cách chữa lành vết thương trong nhiều năm giống như tôi.

Y học là một công việc khó khăn. Nhưng bạo lực xảy ra sẽ làm cho công việc của chúng tôi trở nên khó khăn hơn nhiều. Nếu pháp luật vẫn còn tiếp tục coi bạo lực y tế như những cuộc va chạm xô xát ngoài đường, thì đó chính là sự im lặng để tiếp tay cho bạo lực phát triển.

Hôm qua, một đồng nghiệp của tôi bị đấm vào giữa mặt, ngay tại bệnh viện của tôi. Và như rất nhiều lần khác, tôi lại đọc được những bàn luận, những ý kiến, và có thể là sẽ có cả những đề xuất chính sách nào đó. Nhưng có lẽ cũng giống như tôi 17 năm về trước, mọi thứ sẽ chỉ dừng lại ở những bình luận - và người bác sĩ sẽ tự chịu đựng những vết thương mà cú đấm ấy gây ra.

cu dam va nhan pham Người nhà bệnh nhân “sốt ruột” là hành hung bác sĩ - cách hành xử luật rừng!

Vụ bác sĩ V.H.C (Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội) bị người nhà bệnh nhân hành hung dù chưa tới mức gây ra hậu quả ...

cu dam va nhan pham Phóng viên bị đánh khi tác nghiệp và những cú đấm thành cái “bạt tai”

Liên quan đến vụ phóng viên Vĩnh Nhân của Báo Giao Thông bị hành hung khi tác nghệp ở Đà Nẵng. Mặc dù camera an ...

Ngày đăng: 20:00 | 17/04/2018

/ Trần Văn Phúc/VnExpress