Lãnh đạo Cục CSGT yêu cầu các đơn vị không để việc xử lý vi phạm nồng độ cồn chùng xuống trong những ngày tới.
Ngày 23/1, lãnh đạo Cục CSGT yêu cầu các đơn vị ở địa phương huy động tối đa phương tiện, lực lượng phối hợp với cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự... liên tục kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
"Không được để việc này bị chùng xuống và không được bỏ qua vi phạm trong dịp Tết", lãnh đạo Cục CSGT nêu rõ.
CSGT kiểm tra nồng độ cồn các tài xế xe khách, xe tải và xe con trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Minh Hải |
Ngoài ra, lãnh đạo Cục CSGT cũng chỉ đạo, quá trình xử lý tất cả các vụ tai nạn giao thông, lực lượng chức năng phải kiểm tra nồng độ cồn đối với tài xế
Theo số liệu của Cục CSGT, từ ngày 1 đến ngày 20/1, hơn 11.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý trên toàn quốc, phạt tiền 40,5 tỷ đồng. Một số địa phương có kết quả xử lý cao như: Tây Ninh 769 trường hợp, TP HCM 583 trường hợp, Thanh Hóa 538.
9 địa phương (Bến Tre, Bình Đinh, Hà Nội, Nam Định, Phú Thọ, Thanh Hóa, Vĩnh Long và Vĩnh Phúc) đã xử phạt người điều khiển xe đạp, xe máy điện vi phạm nồng độ cồn.
Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế nghị định 46 năm 2016), có hiệu lực từ 1/1/2020.
Theo đó, chỉ cần có nồng độ cồn vượt mức 0, lái xe sẽ bị phạt. Mức phạt cao nhất với người đi xe đạp là 400.000 đến 600.000 đồng; xe máy 6 đến 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22 - 24 tháng; ôtô 30 đến 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22 - 24 tháng.
Ngày đăng: 16:29 | 23/01/2020
/ vnexpress.net