Nói chuyện trồng thuốc phiện và hút thuốc phiện ở vùng Tây Bắc và cả phía Bắc như Hà Giang, Cao Bằng, thì đó là những trang sử bi hài hết chỗ nói.

con ho leng ky 9 Con hổ Leng (Kỳ 8)
con ho leng ky 9 Con hổ Leng (Kỳ 7)
con ho leng ky 9 Con hổ Leng (Kỳ 6)

Hát hò đến gần nửa đêm thì chia thành cặp tán tỉnh, rồi mỗi cặp một bụi cây… Xong chuyện lại đường ai nấy đi, người con gái lại tìm chàng trai khác… Cứ thế, cứ thế… cho đến khi phương Ðông ửng hồng màu mang cá, ngôi sao Hôm đang từ màu xanh ngả sang màu đỏ đục như mắt người mất ngủ là tàn cuộc… Hôm sau, không ai nhớ được, hay nhắc lại chuyện ban đêm.

Mỗi cô gái Hà Nhì được mẹ truyền cho bài thuốc tránh thai bằng lá cây. Lấy loại lá đó buộc vào chỗ kín… thế là xong. Buộc ban ngày, ban đêm tha hồ ngủ với trai, không bao giờ có thể chửa được. Còn nếu không kịp buộc ban ngày, thì ngủ với trai xong, hôm sau vào rừng lấy lá mang về, giã ra, vắt lấy nước uống, còn bã thì gói vào vải, buộc vào chỗ kín… thế là xong. Không thể nào có chửa được. Chả thế mà khi cán bộ y tế dưới xuôi lên giảng dạy về các biện pháp phòng tránh thai, con gái Hà Nhì nghe xong cười khúc khích: “Mình thì không cần cái bóng cao su ấy nhé… Mẹ mình cho mình cái lá cây rồi”. Có điều lạ là không có cô gái Hà Nhì nào tiết lộ tên loại lá cây đó.

Con gái Hà Nhì đến tuổi mười lăm, mười sáu là có thể lấy chồng và lấy ai tùy thích, cha mẹ không bao giờ gả bán, ép buộc. Mỗi cô gái Hà Nhì có một góc buồng riêng… Cán bộ dưới xuôi lên công tác hoặc công an, bộ đội đi qua, vào ngủ nhờ, nếu buổi chiều, thấy cô gái mang chăn, đệm ra phơi, đập bụi thì có nghĩa là cô ta muốn ngủ với cán bộ. Và đêm đó, anh chàng đó cứ việc chui vào ngủ… bố mẹ không bao giờ ngăn cản, thậm chí còn khuyến khích. Nếu đêm hôm đó, cô ả vui vẻ, thì tờ mờ sáng, cô ta dạy nấu cơm, nướng cá, nướng thịt trâu phơi gác bếp, rang muối, trộn ớt… để cho cán bộ mang đi ăn đường. Còn nếu vì lý do gì đó hoặc là anh không vào ngủ với cô ta hoặc không làm cho cô ta “vui”, thì hôm sau, cầm chắc chỉ có gói cơm với chút muối trắng.

* * *

Mãi đến năm 1979, sau cuộc chiến tranh biên giới phía bắc với quân Trung Quốc, thì Chính phủ mới quyết định đầu tư cho tỉnh mở con đường từ tỉnh vào đến huyện lị Mường Báng.

Mất ròng ra gần 2 năm trời, ngót 2 nghìn công nhân, bộ đội, dân công các xã mới mở xong con đường có bề ngang hơn 4m chạy cheo leo men bờ sông Ðà từ tỉnh vào. Ðường mới mở làm thay đổi môi trường sinh thái. Con đường như chẻ đôi rừng cấm Mường Báng, thành hai bên tả ngạn và hữu ngạn sông Ðà. Trước đây, lũ voi di chuyển trong rừng bằng những con đường do chính chúng mở ra… Những con đường ấy băng qua những rừng tre, rừng chuối, những cánh rừng thưa, những đồng cỏ quanh năm xanh mướt. Bây giờ, khi chúng muốn đi, phải vượt qua con đường, mặc dù chỉ rộng hơn 4m, nhưng cũng đủ làm cho cuộc sống của thú rừng bị đảo lộn.

Lũ voi nổi giận đầu tiên. Chúng bơi vượt sông Ðà, xông vào lán trại của công nhân làm đường phá phách. Chúng quật đổ cột dây thông tin và hầm hè ủi cả những chiếc xe lu… Không mấy đêm không có tiếng súng nổ đùng đoàng đuổi voi. Và dĩ nhiên, cũng không ngày nào không có thú bị bắn chết. Ðường mở tới đâu là thấy chợ bán thịt thú rừng mọc lên tới đó. Phá rừng, bắn thú ghê gớm nhất chính là đám công nhân người Thái Bình, Nghệ An… Ðường mở đến đâu là kéo theo nghiện hút, đĩ điếm, buôn bán ma túy và dĩ nhiên là cả buôn bán các sản vật của rừng. Công nhân làm đường, ngày thì làm quần quật, tối rúc vào những căn nhà tạm bợ và cờ bạc, hút xách. Bọn gái điếm từ ngoài thị xã cũng mò vào thường là chúng đóng vai “phục vụ” cơm nước cho công nhân. Cũng đã có những vụ đánh chết nhau vì giành gái; cũng đã có những kẻ buôn ma túy bị bắt… Nhưng ngày ấy, chuyện hút thuốc phiện ở vùng này chưa bị cấm quyết liệt. Nói chuyện trồng thuốc phiện và hút thuốc phiện ở vùng Tây Bắc và cả phía Bắc như Hà Giang, Cao Bằng, thì đó là những trang sử bi hài hết chỗ nói.

con ho leng ky 9
Ảnh minh họa (nguồn:Internet)

Trước những năm thập niên 60 của thế kỷ trước, hút thuốc phiện ở Tây Bắc cũng phổ biến như người dưới xuôi hút thuốc lá. Nhưng phải mất gần chục năm, những người lính công an vũ trang mới xóa được gần như cơ bản nạn nghiện hút và trồng cây thuốc phiện. Ðến những năm đầu thập niên 70, thì người ta không còn biết hút thuốc phiện là thế nào. Thật ra thì cũng còn, nhưng chủ yếu là ở những bản người Mông ở quá heo hút và cũng chỉ người già mới hút. Nhưng tới đầu năm 1980, do kinh tế cả nước quá khó khăn và thế là Chính phủ cho một số cho tỉnh phía Bắc, Tây Bắc được phép trồng lại cây thuốc phiện, dưới cái tên rất “lương thiện” - Cây đặc sản A. Thế là khắp nơi trông thuốc phiện. Người ta trồng trong vườn rau, trong huyện lỵ và trồng ngay trong thị trấn, … Ði đâu cũng thấy những nương, những vườn thuốc phiện tươi tốt. Vào khoảng tháng 3, tháng 4, khắp nơi rực rỡ hoa thuốc phiện. Cánh đồng hoa thuốc phiện đẹp mê hồn, nhất là đối với người dưới xuôi. Trong màn sương mù, những cánh đồng thuốc phiện nở hoa đủ 4 màu đỏ, trắng, vàng, tím… nom như những bức tranh mà con người không thể vẽ được. Cây thuốc phiện được trồng lại và ngay lập tức, nạn hút thuốc phiện bùng phát nhanh như lửa đốt nương và dĩ nhiên là kèm theo buôn bán. Những ai từng sống, làm việc ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Bắc vào những năm tháng ấy thì không thể nào quên được cảnh người dân bán thuốc phiện ngoài chợ như bán muối, người dân đi nương cạo nhựa từ quả thuốc phiện vui như đi hội. Bộ đội, công an, giáo viên thì coi hạt thuốc phiện là thứ ăn thay vừng, hoặc làm kẹo ăn ngon tuyệt. Ði vào bản, hỏi xin cũng được cục thuốc phiện to như ngón chân cái.

Khi con đường mở xong thì cũng là lúc những cánh rừng phía bên tả ngạn sông Ðà hết sạch những cây gỗ quý, và thú rừng cũng gần như hết. Hổ, báo, hươu, nai hết vì bị bắn, bị bẫy… phải chạy trốn vào cánh rừng bên hữu ngạn sông Ðà. Người Hà Nhì ở Mường Tùng, Mường Mun đã khóc khi thấy những đàn nai, đàn trâu… và cả voi nữa, lũ lượt băng rừng qua những cánh rừng phía Tây Mường Báng rồi vượt núi sang Lào. Bên ấy, người thưa hơn, đất rộng hơn; con người cũng hiền lành, ít độc ác hơn. Và từ sau khi có đường, thì rừng cấm Mường Mun cũng chẳng cấm được ai nữa…

Cuối năm 1981, đường vào huyện đã thông. Ðoàn xe đầu tiên gồm 6 chiếc Jin-130, 3 chiếc Com-măng-ca đít vuông, 2 chiếc Gat-63 chở dầu, gạo, vải và đủ loại hàng hóa, cùng dụng cụ làm ruộng như cuốc, xẻng, lưỡi cày, bừa… Ðoàn xe đi tới đâu, dân các bản ùa ra đón chào.

Ðoàn xe về tới huyện hôm trước, thì hôm sau bà con người Mông ở các xã Tà Tùng, Hua Phăn, Bum Chắc… cơm đùm, cơm nắm kéo nhau về huyện xem ôtô. Mọi người đi quanh chiếc xe téc chở dầu hỏa, rồi tò mò nhìn chiếc Gat-63 và rất thích thú khi anh lái xe cho trèo lên chiếc Com-măng-ca đít vuông… Họ bảo chiếc xe chở dầu là… “xe cái”, vì có cái bụng chửa to, tròn như bụng voi. Chiếc xe Gat-63 là “xe đực”… Và con “xe đực” ngủ với con “xe cái”, đẻ ra thằng “xe con”. Họ ngắm nghía, sờ mó, chui cả vào gầm xe quan sát… Và họ kết luận: Chiếc xe này, người Mông tao cũng làm được. Cứ có sắt là rèn được hết. Nòng súng kíp dài cả hơn mét mà vẫn khoan tay được kia mà. Nhưng mấy cái bánh bằng cao su thì không làm được v́ trên rừng và trong đất không có cái thứ ấy.

Trải theo năm tháng, con đường cứ được mở rộng dần. Từ đường đi một chiều - xe từ tỉnh vào huyện đi buổi sáng. Xe ở huyện ra tỉnh đi buổi chiều. Thì sau ba năm thông tuyến, đường đã đi được hai chiều. Nhưng chất lượng đường thì xấu vô cùng và thuộc loại nguy hiểm nhất Tây Bắc. Từ trên đỉnh núi trông xuống, con đường như con trăn bò theo dòng sông Ðà, với tầng tầng lớp lớp ghềnh, thác… Vào mùa cạn, đá dưới sông dựng lên như chông, như những thanh gươm khổng lồ. Dòng nước nhìn thì trong veo đấy, nhưng hiếm có đoạn hiền lành mà chỗ nào cũng sôi sùng sục. Còn mùa mưa, dòng nước đục ngầu, chảy cuồn cuộn, kéo theo những cây gỗ to hàng vài người ôm… Ðường mới mở bám theo mép sông Ðà sát đến mức mà có đoạn tưởng như một bánh sau của ôtô rơi hẳn xuống vực. Có những chiếc cầu treo bắc qua sông Ðà, có độ cao từ mặt cầu xuống mặt nước hàng trăm mét. Ðứng từ trên cầu nhìn xuống, người yếu bóng vía chỉ còn dám ngồi bệt xuống mà lết, chứ không dám đi nữa.

Ðã có những vụ xe rơi xuống vực thẳm, xác xe nát vụn và cũng không thể nào leo xuống mà lấy xác người lái xe lên. Rồi có vụ xe rơi xuống sông Ðà và mất hút trong dòng nước đỏ, không hiểu chiếc xe ấy bị cuốn đi tới đâu, và bị vùi lấp ở chỗ nào. Cánh lái xe của Công ty Vận tải hàng hóa số 3, mỗi khi chở hàng từ thị xã Yên Hưng vào Mường Báng thì nói: Lái vào Mường Báng, khi nào về, nằm trên giường mới biết mình còn sống. Chặng đường chỉ có hơn trăm cây số, nhưng thường phải đi mất 2 ngày, mà đấy là vào mùa khô. Còn mùa mưa, tất nhiên là chả xe nào dám đi. Ðể qua được hơn trăm cây số ấy, lái xe phải chia đôi chặng đường. Ngày thứ nhất, đêm phải ngủ lại chặng giữa là bản Giằng, của xã Mường Mát.

Nhưng cũng là chỉ có đường vào đến huyện. Còn từ huyện xuống xã thì vẫn cuốc bộ và mọi việc vận chuyển vẫn phải nhờ đôi vai người hoặc lưng ngựa.

***

Ở bản Pó của xã Mường Tùng có lão Lò Văn Puôn, một người thợ săn già nhất vùng, năm bây giờ đã ngoài 70. Lão Puôn đã có một thời lẫy lừng tên tuổi với việc giết chết hàng chục con gấu, năm con hổ, hai con voi và không biết bao nhiêu nai, hoẵng, trâu rừng, bò rừng… Thời xưa, rừng Mường Mun, Mường Tùng thú nhiều vô kể, có cấm săn bắn đâu, cho nên ai giết được nhiều thú rừng và càng nhiều thú dữ thì càng được mọi người nể trọng.

Lão Puôn là người có máu lạnh như nước suối mùa đông, coi chuyện bắn thú, giết thú, ăn thịt thú là một thứ khoái cảm và thể hiện tính ngang tàng, bất cần đời. Lão là thợ săn duy nhất ở vùng này dám ăn gan hổ, gan gấu khi vừa bắn xong còn đầm đìa máu. Lão mổ bụng con khỉ mẹ đang mang thai, lấy khỉ con còn giãy đem ngâm rượu; lão dám chặt đuôi con rắn hổ chúa nặng đến 7kg mà mút, uống máu cho đến lúc con rắn chết… Lão nấu đủ các loại cao, từ cao hổ tới cao gấu, cao ngựa, cao khỉ, cao sơn dương tới cao rùa, cao mèo và cả cao chó sói… Nấu cao, bán được tiền nhưng nhà lão vẫn nghèo rớt mùng tơi, bởi lẽ có đồng nào là lão đi uống rượu và lũ con bất hảo tìm đủ mọi cách vét tiền của lão.

Nhưng có một chuyện mà người dân quanh vùng không bao giờ quên được về lão Puôn, đó vụ lão bắn chết một con hổ cái đang chuẩn bị đẻ con.

con ho leng ky 9 Cuộc chiến đấu với tướng cướp Bạch Hải Đường (Kỳ 9)
con ho leng ky 9 Cuộc chiến đấu với tướng cướp Bạch Hải Đường (Kỳ 8)
con ho leng ky 9 Cuộc chiến đấu với tướng cướp Bạch Hải Đường (Kỳ 7)

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong

Ngày đăng: 06:00 | 23/09/2017

/ Năng Lượng Mới