Con Leng lại gầm lên một tiếng nữa như thể muốn báo với muôn loài rằng: “Ta là hổ đây. Tên ta là Leng. Ta đang có mặt ở đây và từ nay vùng rừng này là của ta”.

con ho leng ky 37 Con hổ Leng (Kỳ 36)
con ho leng ky 37 Con hổ Leng (Kỳ 35)
con ho leng ky 37 Con hổ Leng (Kỳ 34)

Hiểu ý ông Tài, con Lếch lại lôi con Leng đi ra suối. Nhánh suối này nằm ở nơi rất heo hút cho nên cá nhiều vô kể. Mọi lần đi nương, ông Tài muốn kiếm cá ăn thì ông chỉ cần ông có một tay lưới bén dài khoảng ba chục mét, ông mang chặn ngang suối rồi lấy đá ném, đàn cá hoảng sợ chạy là mắc vào lưới bén, khoảng mươi phút cá mắc lưới nhiều vô kể, chỉ việc gỡ mang về.

Mùa này nước lũ đã hết, dòng suối đã cạn nhiều nhưng ở chỗ vũng sâu cá vẫn rất nhiều. Ðứng ở trên nhìn xuống, những đàn cá bơi như thể người ta nuôi ở trong ao, trong hồ, trong bể. Từ xưa người dân Mường Mun đã biết giữ rừng, giữ suối. Mà cách giữ tốt nhất là ko quá tham lam, cá suối rất nhiều nhưng không bao giờ họ đánh bắt theo kiểu tận diệt, cần ăn bao nhiêu đánh bắt bấy nhiều. Nhà nào muốn có cá nướng thì cũng chỉ kiếm chục cân cá về treo gác bếp. Sở dĩ những con suối ở đầu nguồn này nhiều suối vì người dân cũng chẳng đánh cá mang đi đâu được. Và người dân cũng biết ăn bữa nay thì còn bữa mai, cho nên vào mùa cá đẻ tháng 4, 5 là người dân không đi bắt cá.

Con Lếch dẫn con Leng ra bờ suối. Con Lếch thì ngồi chồm chỗm ở trên một tảng đá nhìn xuống và hễ thấy một con cá nào lảng vảng đến vào đúng tầm vồ là nó lao bổ xuống. Vài ba lần mới được một con. Con Leng thì bắt cá kiểu khác, nằm dầm mình dưới nước, mồm nó há ngoác ra. Khi có con cá nào đến gần là nó đớp luôn. Chỉ khoảng nửa giờ cả con Leng và con Lếch đã bắt được cả chục con cá, mà chủ yếu là cá hốc, một loại cá mình tròn giống cá trắm. Áng chừng số cá đã nhiều, con Leng con Lếch chọn hai con to nhất rồi càm chạy về. Nhìn hai con vật mang cá về, ông Tài bảo Minh:

- Con thấy không, chúng nó kiếm cái ăn giỏi đấy chứ.

Minh bật cười bảo:

- Ðúng là hai con này khôn như người.

Con Lếch cắn ống quần kéo Minh đi. Ông Tài bảo:

- Chúng nó bắt được nhiều đấy, con ra mang về đi.

Minh đi theo chúng ra bờ suối và trố mắt ra khi thấy đống cá chúng bắt được trong hốc đá. Minh cắt một đoạn dây rừng rồi xâu đống cá về. Ông Tài làm sạch cá rồi cho vào một đoạn ống bương, xóc thêm ít muối rồi đặt lên bếp lửa. Ông cũng làm thêm hai ống cơm lam. Rồi ông lại lấy một ống bương nữa, bỏ vào đấy mấy con cá, lấy hai quả sổ và mấy quả vả kèm thêm ít muối, thế là có một nồi canh chua.

Chừng một tiếng sau, bữa cơm đã nấu xong. Ông Tài lại chặt một đoạn bương vạt đi, rồi ông đổ cá ra đấy cùng với cơm lam. Ông cũng vạt một miếng tre làm thìa và vót tạm hai đôi đũa. Hai bố con ngồi ăn cơm ở dưới gốc cây sổ. Con Lếch và con Leng thì nằm bên cạnh. Thỉnh thoảng, Minh lại nắm một nắm xôi dí vào mồm cong Leng, nó ăn với vẻ miễn cưỡng, chẳng thích thú gì. Anh bẻ một đầu cá nấu chín đưa nó thì nó dứt khoát không ăn. Ðang ăn cơm, chợt ông Tài bảo:

- Mùa xuân sang năm bố sẽ đưa nó lên mỏ muối, cho nó quen. Mà có khi vài ba hôm nữa con đi với bố lên đấy, con dựng sẵn cho bố một cái chòi.

Minh hỏi:

- Ngày xưa bố với các nhân viên kiểm lâm hay ra mỏ muối đếm thú thì bây giờ có còn đếm nữa không?

Ông Tài lắc đầu:

- Mấy năm nay có ai đi đếm thú nữa đâu. Chúng nó giờ báo cáo láo, là rừng vẫn còn thú, mỏ muối hươu nai vẫn về, nhưng có đứa nào ra đâu. Năm ngoái bố có ra một lần, nhưng ít lắm. Hổ thì không thấy con nào. Nai, hoẵng trâu rừng bò rừng mỗi thứ không quá năm chục con. Voi thì càng không thấy nữa. Cứ cái đà này, vài năm nữa rừng Mường Báng sẽ là rừng chết. Còn rừng Mường Mun thì đã hết thú từ lâu rồi, nếu có cũng chỉ còn vài con hoẵng, rồi lũ chồn, lũ cáo, ngay cả chó sói lửa trước đây rất nhiều, vào mùa này chúng nó mò vào tận bản để bắt gà thịt, thậm chí chúng nó giết cả bò. Nhưng bây giờ cũng đi đâu hết cả.

Minh nói thêm:

- Con học ở dưới Hà Nội. Ðọc báo mà thấy bảo con đỉa ở ao hồ cũng còn hết. Ðỉa mà không sống được thì còn loài gì sống được đây.

Ông Tài như chợt nhớ ra:

- Mà lạ thật, hồi tháng trước bố thấy người ở ngoài thị trấn Mường Báng đua nhau vào khu đầm lầy đi bắt đỉa bán cho Trung Quốc. Không biết cái bọn Tàu mua đỉa về làm gì nhỉ? Ngày xưa chúng nó mua sừng trâu, sừng bò thì bảo rằng chúng nó âm mưu phá hoại kinh tế, để bà con giết trâu bò lấy sừng không có sức kéo, rồi nó mua cả phong lan thì cũng lại bảo rằng để cho bà con đi phá rừng, lấy phong lan. Bây giờ nó mua cả đỉa, cả giun. Nghe nói ở ngoài thị trấn có một thằng kỹ sư nông nghiệp nó chỉ có nuôi giun bán cho Trung Quốc mà kiếm được đủ tiền xây nhà. Lạ thật.

Minh nói luôn:

- Hôm nọ ở ngoài tỉnh. Lãnh đạo Bộ Công an về cùng với tỉnh bàn về việc phải cho mở lại chợ đường biên. Trước đây, chúng ta cứ duy ý chí ngăn sông cấm chợ nhưng nào có hiệu quả gì đâu. Hàng hóa thì vốn là những thứ nó như có chân, tự khắc biết chạy biết bò đến nơi người cần. Trong lúc mình thì thiếu thốn đủ mọi thứ. Hàng bên Trung Quốc thì lại sẵn, không cho mở chợ lại đi buôn lậu. Rồi công an lại đi bắt bớ, mà bắt lại toàn những người nghèo. Ðến khổ. Hôm nọ con ra chợ tìm mua máy phát điện Ðông Phong mà phải nhờ anh em cảnh sát ở huyện đi lùng mới được. Hóa ra họ rất nhiều phích nước, chăn con công rất sẵn, nhưng vì mình không quen nên chẳng ai bán cho cả.

Ông Tài gật gù:

- Bố cũng thấy chủ trương ngày xưa sau chiến tranh đưa dân về tuyến 2 là không ổn. Mình đưa về tuyến 2 thế là hóa ra mình sợ thằng Tàu. Không có dân bảo vệ ở tuyến 1, bộ đội thì không đủ lực lượng thế là chúng nó đào cột mốc, mang cắm sâu vào trong đất mình. Nhưng thôi, bây giờ đã có lại chủ trương đưa lại dân lên tuyến 1. Bố nghĩ rằng thế là tốt. Cho mở chợ đường biên nữa, cũng tốt. Nhiều thứ bên này mình ăn không hết bán không được, cho không ai lấy thì bên kia họ lại cần. Trong khi mình ở đây thiếu từ cái quần cái áo thiếu từ cái chăn cái màn, rồi đến bộ ấm chén, phích nước...

Chiều hôm đấy, con Lếch lại dẫn con Leng đi thám thính quanh khu nương. Con Leng lại vồ được một con dúi và nó cũng nhai ngoéo ngay. Cả hai con vui chân cứ thế ngược dòng suối đi lên phía trên. Bỗng đang đi, con Leng dừng phắt lại. Mũi nó ngửi thấy ở đâu đó có một cái mùi giống mùi đồng loại. Thấy nó dừng lại chăm chú và hai cánh mũi nở phồng lên hít lấy hít để, con Lếch cũng làm theo và nó nhận ra ngay đó là mùi nước đái hổ. Nhưng mùi nước đái hổ còn rất nhạt, có nghĩa là con hổ này đã có mặt ở đây từ vài ngày trước. Mùi nước đái của đồng loại khiến toàn thân con Leng như căng ra, nó lấc láo nhìn quanh và không hiểu rằng đồng loại của nó đang lẩn khuất quanh đây là như thế nào. Bất giác nó gầm lên một tiếng và thật kỳ lạ tiếng gầm của nó bây giờ đầy uy lực, dũng mãnh và không còn một chút gì là của một con hổ đang lớn.

Ông Tài đang buộc ngô treo lên sàn trong kho, nghe tiếng hổ gầm, ông sững sờ và gọi Minh:

- Minh ơi con nghe thấy gì không?

- Có có, có tiếng hổ gầm. Có phải tiếng con Leng không bố?

Ông Tài thắc mắc:

- Con Leng làm sao gầm được như vậy. Chả lẽ ở đây có một con hổ nữa à. Ông Tài vội giật mình và lấy chiếc tù và rúc lên ba hồi.

Ông bảo Minh:

- Phải gọi nó về ngay. Nếu như ở đây có một con hổ khác thì có khi nó giết chết con Leng đấy.

con ho leng ky 37
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Con Leng lại gầm lên một tiếng nữa như thể muốn báo với muôn loài rằng: “Ta là hổ đây. Tên ta là Leng. Ta đang có mặt ở đây và từ nay vùng rừng này là của ta”.

Tiếng gầm của con Leng cộng với ánh mắt như sáng bừng lên của nó đã khiến ông tài ngộ ra một điều rằng, nó đích thị là của rừng, khí thiêng của rừng núi, tâm linh của giống hổ đã ngấm vào nó, đang đánh thức sức mạnh bản ngã, làm nó trở nên sinh động, mạnh mẽ và tưởng như từng sợi lông trên mình nó cũng đang bừng lên một sức sống mới.

Minh cũng nhận ra được sự thay đổi trên cái mặt của con Leng. Buổi tối ngồi ăn cơm, Minh nói với bố:

- Bố ạ, con Leng mới được đi nương có một buổi mà con thấy nó lạ quá, thần thái nó khác hẳn.

Ông Tài trầm ngâm:

- Bố cũng thấy thế, bố rất mừng. Nếu nó như vậy, sau này thả nó về rừng sẽ dễ. Nhưng muốn biết nó thế nào, ngày mai sẽ thử…

Ðêm hôm đó, ông Tài không cho con Leng vào nhà ngủ dưới gầm giường như mọi khi nữa, mà ông cho nó ra chuồng.

Con Leng chui vào cái hang Minh mới làm cho và nằm gặm nhấm niềm vui mới có được từ khi đi ra nương. Bỗng dưng, nó thấy cái khu chuồng này chật chội quá, tù túng quá… Ðêm hôm đó, nó nằm ngủ mà không yên giấc. Nó mơ thấy được chạy trên những cánh rừng rộng mênh mông. Nó mơ thấy được đuổi theo những con thú ăn cỏ. Giấc ngủ đến với nó chập chờn, chập chờn và nó chỉ mong trời chóng sáng để lại được theo ông Tài ra nương.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong

Ngày đăng: 06:00 | 21/10/2017

/ Năng Lượng Mới