"Tôi định nuôi con Leng cho nó lớn, rồi thả nó về rừng. Rừng của mình hết hổ rồi"

con ho leng ky 22 Con hổ Leng (Kỳ 21)
con ho leng ky 22 Con hổ Leng (Kỳ 20)
con ho leng ky 22 Con hổ Leng (Kỳ 19)

Ngày thứ nhất, ngày thứ hai, ngày thứ ba trôi qua, con Leng dần kiệt sức. Nó không còn bò nổi nữa. Không biết làm thế nào, ông Tài định mang con Leng ra huyện, nhưng bây giờ đang mùa mưa, đi bộ mang nó ra huyện thì có khi nó chết dọc đường mất.

Trưởng bản Pờ Văn Minh ngày nào cũng vài lần đến thăm con Leng. Rồi anh chạy đến Ðồn biên phòng Mường Mun mời anh y sĩ của đồn đến khám bệnh cho con Leng. Anh y sĩ lấy ống nghe khám tim phổi cho nó nhưng rồi anh cũng đành lắc đầu và bảo ông Tài: “Cháu chịu bác ạ. Ở trường có dạy khám bệnh cho hổ bao giờ đâu? Người nó lạnh thế này, chắc chắn không phải vì sốt. Có lẽ nó kiệt sức vì thiếu sữa. Hoặc là sữa bò không hợp với nó”.

Cứ mỗi giờ qua đi, nỗi tuyệt vọng trong lòng ông Tài lại lớn dần lên. Một cảm giác đau đớn, bất lực bao trùm khắp người, khiến ông nhai cơm mà tưởng như nhai rơm. Ông cứ ôm con Leng trong lòng, ngồi gần bếp lửa và thầm thì nói với nó những câu không đầu, không cuối. Cũng có lúc con Leng bừng tỉnh. Nó hé mắt nhìn ông. Từ trong đôi mắt đã tối lại vì kiệt sức ấy, ông Tài vẫn nhìn thấy những tia sáng như cầu khẩn, như van xin và như cả biết ơn...

Còn con Lếch, từ lúc con Leng ốm nó cũng như muốn gục xuống. Nó nằm cạnh con Leng, có lúc lại lấy chân gạt nó vào bụng mình và cố ưỡn cái bụng có hàng vú căng sữa vào mồm con hổ. Loài chó không biết khóc, nên mọi sự đau khổ nó dồn nén vào hết đôi mắt.

Ánh mắt bất lực, tuyệt vọng của con Lếch lúc nào cũng lóng lánh nước và nó cầu cứu bất cứ ai đến thăm con Leng.

Buổi trưa, có hai con gà gô ở đâu bay về trước cửa nhà. Ðang thiếu cái ăn, ông Tài lấy nỏ ra bắn được một con. Ông xách con gà gô vào nhà, máu rỏ đầy bàn tay ông. Lúc ấy, thấy con Leng kêu lên khe khẽ, ông lại bên xoa đầu nó. Bàn tay dính máu gà của ông dính vào mũi con Leng. Bỗng nhiên, nó thè lưỡi, liếm sạch sẽ máu của con gà gô ở bàn tay ông.

Ông Tài ngạc nhiên tự nhủ:

- Chẳng lẽ nó lại thèm máu?

Nghĩ vậy, ông mang con gà gô mới bắn vào cho con Leng. Nó nhanh chóng và kiên nhẫn liếm hết máu con gà.

Như nghĩ ra điều gì, ông Tài chạy đi gọi Trưởng bản Pờ Văn Minh để kể chuyện con Leng liếm máu con gà gô và hình như nó đã khỏe hơn một chút.

Trưởng bản Pờ Văn Minh gật gù:

- Có lẽ nó là giống thú rừng hoang dã, mẹ nó nuôi nó bằng sữa, nhưng mẹ nó cũng vồ nai, hoẵng, trâu bò mà ăn nên trong sữa mẹ nó có chất gì đó mà sữa bò không có. Con Leng đang thiếu chất đó nên nó yếu dần đi.

Ông Tài bắt một con gà, đem cắt tiết rồi mang cho con Leng uống. Quả nhiên, chỉ uống hết nửa bát tiết gà, ánh mắt con Leng đã có thần hơn. Ông Tài lại xé thịt gà sống thành từng miếng cho con Leng ăn và nó ăn rất ngon lành.

Bữa thịt gà sống hôm ấy đã làm con Leng tỉnh lại. Ngày hôm sau, ông Tài lại thịt một con gà nữa cho nó ăn. Sau 3 ngày ăn thịt gà, uống tiết gà, con Leng đã hồi phục.

Ông Tài lúc này như hiểu ra:

- Nó là của rừng, sau này phải trả nó về rừng.

con ho leng ky 22
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Từ hôm ấy, ngoài uống sữa, con Leng được ăn thêm thịt sống. Một hôm, Trưởng bản Pờ Văn Minh bảo ông Tài: “Bác ạ, em thấy nuôi thế này thì con hổ sống rồi. Nhưng có lẽ phải rèn cho nó cách ăn như mình nuôi chó ấy”. Ông Tài ngạc nhiên hỏi lại: “Sao lại là như nuôi chó?”. Minh bảo: “Hổ là giống động vật hoang dã bậc nhất, em chưa biết thế giới người ta thuần dưỡng hổ thế nào, nhưng nếu như cứ cho ăn thịt sống thì cái tính hoang dã của nó không mất đi đâu. Bây giờ nó còn nhỏ nên chưa có chuyện gì, nhưng khi nó lớn lên. Nó đi vồ gà của dân thì sao. Rồi ngộ nhỡ nó lại tát chết người thì gay lắm. Theo em, bác cứ cho nó ăn dần thịt chín xem sao. Những loài nào mà ăn được thịt chín thì nó sẽ hiền lành. Ông Tài trầm ngâm một lát rồi bảo: “Chú à, tôi nói điều này nhưng chú chớ có nói cho ai biết. Tôi định nuôi con Leng cho nó lớn, rồi thả nó về rừng. Rừng của mình hết hổ rồi”. Pờ Văn Minh ngẩn người ra rồi bảo: “Cứ nuôi nó thế này, nó quen ăn sẵn thì sau này sẽ ra sao. Nó có biết tự kiếm ăn không?”. Ông Tài lúng túng: “Tôi cũng chưa biết thế nào, nhưng thôi cứ phải thử cái đã”.

Chuyện ông Tài nuôi con Leng lan về tới huyện, rồi ra đến tận tỉnh.

Trong một buổi họp Thường vụ Tỉnh ủy, ông Hoán, Bí thư Tỉnh ủy hỏi ông Quý, Phó chủ tịch tỉnh phụ trách nông nghiệp:

- Ðồng chí có biết chuyện trong xã Mường Mun, huyện Mường Báng có một ông kiểm lâm đang nuôi một con hổ không?

Ông Quý:

- Báo cáo anh, có ạ. Tôi có nghe anh em nói và đã hỏi bên kiểm lâm thì anh em báo cáo là bắn chết một con hổ vì nó xông vào lán anh em canh rừng. Bộ xương hổ đã được mang ra tỉnh, giao cho Sở Y tế nấu cao. Nhưng nghe Giám đốc Sở Y tế nói là vẫn còn đang phơi xương và cũng còn phải chuẩn bị xương sơn dương và xương khỉ.

Ông Hoán tươi nét mặt:

- Ừ, cậu nói với bên Sở Y tế nấu cho cẩn thận, để dành cho tôi nửa cân mang về Hà Nội biếu mấy anh. Bây giờ lãnh đạo, công việc chồng chất, ăn uống thì thiếu thốn, nên có miếng cao để bồi dưỡng thì cũng tốt. Thế còn chuyện nuôi hổ thì như thế nào?

Ông Quý nói ngập ngừng:

- Báo cáo anh, ông ấy vẫn đang nuôi con hổ. Nghe nói là ông này quý động vật lắm, trong nhà có đủ thứ trăn, gấu, khỉ. Tôi nghĩ cứ để ông ấy nuôi cho lớn rồi mang về tỉnh trưng bày. Nếu quy hoạch tới đây, tỉnh ta có được làm công viên thì mở một khu vực nuôi thú, thả hươu, nai, trâu, bò rừng. Nếu có được vài con hổ, con gấu thì càng tốt.

Ông Hoán nói như ra lệnh:

- Các anh phải cử người về giám sát ông ấy nuôi con hổ như thế nào, không khéo nuôi lớn một chút lại mang nấu cao ngay đấy. Còn một chuyện nữa, tại sao người dân lại được phép nuôi hổ trong nhà? Luật pháp nào cho phép như vậy? Tôi nghĩ rằng, phải làm cho nghiêm vụ việc này. Bây giờ nó mới là con hổ con, nhưng sau này nó lớn lên, nó vồ trâu, vồ bò, vồ người, nếu xảy ra chết người thì ai chịu trách nhiệm đây?

Mọi người ngẩn mặt ra không ai biết nói thế nào.

Ðược thể, ông Hoán lại nói tiếp:

- Tôi đề nghị giao việc này cho bên Kiểm lâm và Giám đốc Sở Nông nghiệp. Các anh phải vào đó kiểm tra thật kỹ và tốt nhất là mang con hổ ra đây mà nuôi.

Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Huy Trực đứng lên:

- Báo cáo đồng chí Bí thư, tôi thấy không nên. Riêng chuyện các anh kiểm lâm bắn chết con hổ mẹ là sai rồi. Con hổ mẹ và con hổ con đi chạy lụt, bị nước suối cuốn mà các anh bắn chết con mẹ đang nuôi con. Thế là ác quá. Bây giờ có người nuôi con hổ con, tôi thấy thế là may. Mà người nuôi nó lại là nhân viên kiểm lâm. Tôi rất biết ông Tài, vì ngày xưa tôi là ở cùng đơn vị với ông ấy. Mà tôi nghe công an xã nói ông ấy chăm con hổ còn hơn chăm con. Chuyện ông ấy chăm con ngày xưa như thế nào tôi không biết, nhưng bây giờ ông ấy chăm con hổ và giữ cho nó sống được thì chúng ta phải để cho ông ấy nuôi, chứ không thể bắt con hổ đi được. Nếu sợ mất an toàn, sợ con hổ lớn lên vồ trâu, bò, vồ người thì phải hướng dẫn cho ông ấy làm chuồng. Bây giờ mà mang con hổ ấy về đây thì ai nuôi? Tỉnh sẽ lấy ngân sách ở đâu để nuôi con hổ? Các đồng chí có biết mỗi ngày con hổ ấy ăn bao nhiêu thịt không?

Ông Hoán cười khẩy:

- Ðồng chí Giám đốc Công an nói hay nhỉ? Hổ là động vật hoang dã đang trên bờ vực tuyệt chủng, cấm săn bắn, cấm nuôi nhốt. Bây giờ tỉnh ta có người nuôi hổ, mà lại khuyến khích cho người ta nuôi thì là như thế nào? Tôi thấy không ổn. Theo tôi, không có kinh phí thì phải tạo kinh phí, phải mang con hổ ấy ra ngoài này để còn đảm bảo an toàn. Ðể nó ở trong ấy, khi nó lớn lên, nặng dăm chục cân rồi thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra đâu.

Ông Trực vẫn kiên quyết phản đối:

- Báo cáo các đồng chí, tôi thấy ở trong miền Nam có người nuôi cả chục con hổ. Và họ nuôi được hổ cho đẻ như chó. Vừa rồi, báo chí có nói rằng nuôi hổ như vậy là vi phạm quy định. Ông chủ nuôi hổ ấy tuyên bố, nếu Nhà nước nuôi được thì mang hết số hổ ấy về mà nuôi. Ấy thế mà có ai dám nhận đâu. Ông ấy là một đại gia, nghe nói là chủ một hãng bia ở Bình Phước. Ông ấy có tiền thì mới mua được thịt bò, thịt gà, đầu gà, xương gà cho hổ ăn. Mỗi ngày một con hổ ngốn 3-4kg thịt. Bây giờ giao số hổ ấy cho Nhà nước thì ai nuôi? Còn nếu thả chúng về rừng thì chúng còn biết vồ thú để ăn không? Mà hơn thế nữa, làm gì còn rừng mà thả hổ. Thưa các anh, mỗi con hổ cần một khoảng rừng rộng khoảng 120-160 km2 để sinh sống. Như vậy là với diện tích rừng cấm Mường Báng thì chỉ đủ để nuôi khoảng 10 con hổ. Mà nói thật với các đồng chí, rừng Mường Báng bây giờ đâu còn là rừng cấm quốc gia nữa. Chúng ta phá sạch từ lâu rồi, nhất là từ khi mở đường vào huyện. Theo tôi, con hổ ấy cứ để cho ông ấy nuôi. Bên Kiểm lâm có trách nhiệm giúp đỡ ông ấy, nếu như con hổ có bệnh tật gì thì hướng dẫn cách chữa chạy, rồi bày cho ông ấy cách làm chuồng sao cho sau này lớn lên, nó không gây chuyện. Bây giờ nó còn nhỏ thì chỉ như con chó, không có vấn đề gì đáng lo.

Ông Quý góp thêm lời:

- Báo cáo Bí thư, tôi thấy ý kiến của Giám đốc Công an tỉnh là đúng đó ạ. Bây giờ có mang con hổ về tỉnh cũng chẳng ai nuôi được. Cứ để cho ông ấy nuôi. Sau này nó lớn lên rồi hẵng hay.

Thấy mọi người phản đối, ông Hoán cũng đành gật đầu:

- Tùy các đồng chí thôi. Nhưng tôi nói trước, nếu sau này con hổ ấy vồ người thì các đồng chí chịu trách nhiệm nhé.

Ông Trực bực bội:

- Ðồng chí không phải lo, nếu xảy ra việc đó thì tôi sẽ chịu trách nhiệm.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong

Ngày đăng: 06:00 | 06/10/2017

/ Năng Lượng Mới