Tặng ngựa quý và tỏ thái độ ủng hộ với Trung Quốc, Tổng thống Pháp dường như đang muốn tung đòn quyến rũ Bắc Kinh ngả về phía mình.

chieu dung ngua quy quyen ru ong tap cua tong thong phap

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau cuộc họp báo chung ở Bắc Kinh hôm 9/1. Ảnh: AFP.

Trong chuyến thăm Trung Quốc kéo dài ba ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tranh thủ mọi cơ hội để lấy lòng các lãnh đạo Trung Quốc với hy vọng tạo ra luồng sinh khí mới cho mối quan hệ song phương giữa lúc cả hai nước đang phải xoay xở đối phó những chính sách mang tính chủ nghĩa dân tộc của Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo New York Times.

Ông Macron mang đến cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình món quà đặc biệt là một con tuấn mã màu nâu tên Vesuvius từ đội kỵ binh phủ tổng thống Pháp. Ông cũng thử nói tiếng Quan thoại. Ông đã đến thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, để viếng lăng mộ Tần Thủy Hoàng, hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc.

Quyết định tặng ông Tập con tuấn mã 8 tuổi Vesuvius gây chú ý lớn ở Trung Quốc. Một số người dùng mạng tự hỏi liệu có phải Macron đang dùng món quá này với ẩn ý chỉ tên ông trong tiếng Hoa (Ma Ke Long - Mã Khắc Long), tức "ngựa áp chế rồng".

Giới chức Pháp nói họ tặng ông Tập con ngựa vì Chủ tịch Trung Quốc từng bày tỏ niềm thích thú đối với đoàn kỵ binh hộ tống ông khi ông đến thăm Paris năm 2014.

chieu dung ngua quy quyen ru ong tap cua tong thong phap

Con tuấn mã Vesuvius từ đội kỵ binh phủ tổng thống Pháp được ông Macron đưa sang Trung Quốc tặng ông Tập. Ảnh: Telegraph.

Tầm nhìn đối lập với Trump

Tại các cuộc gặp trong tuần qua ở Trung Quốc, cả Tổng thống Macron lẫn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều nêu ra tầm nhìn đối lập sâu sắc với tầm nhìn thế giới của Tổng thống Mỹ Trump.

Họ bàn về sự cần thiết của thương mại tự do và đồng lòng chống chủ nghĩa bảo hộ. Họ ủng hộ chủ nghĩa đa phương và khen ngợi các tổ chức đa phương như Liên Hợp Quốc. Họ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác nhằm chống biến đổi khí hậu trong khi Mỹ đã rút khỏi các nỗ lực toàn cầu nhằm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Hôm 8/1, ông Macron đã lặp lại cụm từ: "Hãy làm cho hành tinh chúng ta vĩ đại trở lại" bằng tiếng Quan thoại. Đây là cụm từ nhại khẩu hiệu "Hãy biến nước Mỹ vĩ đại trở lại" mà Tổng thống Trump nêu ra trong chiến dịch tranh cử. Ông Macron thường sử dụng nó để công kích lập trường của ông Trump về biến đổi khí hậu.

Phát biểu trong cuộc gặp với ông Macron tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh hôm 9/1, ông Tập nhấn mạnh mong muốn "bảo vệ chủ nghĩa đa phương" và kêu gọi ủng hộ "một nền kinh tế thế giới mở" - khẩu hiệu ông lặp lại nhiều lần kể từ thời điểm ông Trump đắc cử tổng thống dù thị trường Trung Quốc cũng đặt ra những rào cản nhất định về kinh doanh.

Ding Chun, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Âu thuộc Đại học Phục Đán, Thượng Hải, cho rằng mối liên minh mạnh mẽ giữa Pháp và Trung Quốc là điều tự nhiên vì cả hai nhà lãnh đạo đều có những tầm nhìn giống nhau.

"Cả Chủ tịch Tập lẫn Tổng thống Macron đều nghĩ khác so với triết lý \'Biến nước Mỹ vĩ đại trở lại\' của Tổng thống Trump. Cả hai đều có niềm tin đối với việc mở cửa kinh tế và chủ nghĩa đa phương", Ding nhận xét.

Giới phân tích nhận định Tổng thống Macron đã định vị bản thân như một đồng minh đáng tin cậy của Trung Quốc giữa lúc phần lớn các nước phương Tây đang trải qua những xáo trộn. Nước Mỹ dưới thời Trump có xu hướng rút khỏi sân khấu thế giới. Anh và Đức lại đang phải chật vật tìm cách xử lý các vấn đề chính trị trong nước.

"Macron đang nỗ lực đại diện phương Tây để giao thiệp với Trung Quốc. Đó là nỗ lực nhằm nâng tầm Trung Quốc lên thành một đối tác trên trường quốc tế", Jean-Philippe Beja, học giả cấp cao thuộc Viện nghiên cứu Chính trị Paris, nhận định.

Tuy nhiên, Beja bày tỏ lo ngại ông Macron đang dang tay ủng hộ Trung Quốc quá nhanh và ít chú ý đến những vấn đề như việc Trung Quốc xây dựng phi pháp các đảo nhân tạo ở Biển Đông bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế.

"Ông ấy nhận thức được các mối nguy hiểm có thể xảy ra nhưng tôi không chắc liệu ông ấy có hiểu hết về Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình không", Beja nói.

chieu dung ngua quy quyen ru ong tap cua tong thong phap Macron kêu gọi EU đoàn kết trước một Trung Quốc đang trỗi dậy

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thừa nhận EU chia rẽ trong cách phản ứng trước sáng kiến Vành đai, Con đường và họ cần đoàn ...

chieu dung ngua quy quyen ru ong tap cua tong thong phap Món quà đặc biệt Tổng thống Pháp tặng Chủ tịch Tập Cận Bình

Việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tặng ngựa cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được đánh giá là "chưa từng có tiền lệ".

chieu dung ngua quy quyen ru ong tap cua tong thong phap Thông điệp Tổng thống Vladimir Putin gửi tới các lãnh đạo thế giới năm 2018

Tổng thống Nga gửi lời chúc mừng năm mới một số nhà lãnh đạo và những nhân vật nổi bật trên thế giới, đặt ra ...

Tổng thống Pháp thăm đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng.

Cảnh báo bá quyền trên con đường tơ lụa

Khi Macron kêu gọi xây dựng "một mối quan hệ mới" với Trung Quốc, ông đã khen ngợi sáng kiến "Vành đai, Con đường" do ông Tập khởi xướng, một kế hoạch trị giá 1.000 tỷ USD nhằm tái lập trật tự kinh tế toàn cầu. Kế hoạch trên hứa hẹn sẽ khôi phục các tuyến đường tơ lụa kết nối Trung Quốc đến Trung Á, Đông Nam Á, Trung Đông, châu Phi và châu Âu thông qua các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ.

Nhiều quan chức phương Tây đón nhận sáng kiến này một cách thận trọng vì họ lo ngại Trung Quốc đang tìm cách viết lại các quy tắc thế giới để phục vụ những lợi ích kinh tế và chính trị của riêng mình.

Tuy nhiên, Macron dường như ủng hộ rõ ràng sáng kiến "Vành đai, Con đường". Ông đã bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc hôm 8/1 với điểm dừng chân đầu tiên là thành phố Tây An, điểm khởi đầu con đường tơ lụa thời cổ đại.

Trong cuộc trò chuyện với các học giả, sinh viên và doanh nhân tại Cung điện Đại Minh ở Tây An, ông Macron nói Pháp sẵn sàng đóng vài trò dẫn đầu trong nỗ lực hợp tác của châu Âu đối với sáng kiến.

Tuy nhiên, ông cảnh báo con đường tơ lụa mà Trung Quốc đang khôi phục không nên là đường một chiều."Các con đường này không thể là con đường của một sự bá quyền mới nhằm biến những quốc gia nằm ở nơi chúng đi qua trở thành các nước chư hầu", Reuters dẫn lời ông Macron tuyên bố.

Tổng thống Pháp đang tìm cách thắt chặt những mối quan hệ hợp tác kinh tế nhằm giúp giảm mức thâm hụt thương mại 36 tỷ USD với Trung Quốc. Hôm 9/1, Ông Macron và ông Tập đã chủ trì lễ ký kết hàng loạt thỏa thuận thương mại trị giá hàng tỷ USD giữa các công ty Pháp và Trung Quốc trong các lĩnh vực hàng không, nông nghiệp và năng lượng hạt nhân. Trung Quốc cũng đồng ý dỡ bỏ lệnh cấm nhập thịt bò Pháp.

Ủng hộ tăng cường hợp tác thương mại với Trung Quốc nhưng trước đây, ông Macron từng kêu gọi giám sát gắt gao hơn nữa đối với các thương vụ đầu tư của Trung Quốc trong những ngành công nghiệp mang tính cạnh tranh cao ở châu Âu.

"Sự cảnh giác và đề phòng ngày càng lớn dần lên trước các loại hình đầu tư và loại hình công ty mà Trung Quốc đang thâu tóm ở châu Âu và Pháp. Câu hỏi lớn đối với Pháp là làm thế nào để duy trì lợi thế đối với Trung Quốc", Jean-Pierre Cabestan, giáo sư chính trị ở Đại học Baptist, Hong Kong, bình luận.

Hồng Vân

-->

Ngày đăng: 17:40 | 12/01/2018

/ https://vnexpress.net