Moskva đang tích cực mở rộng tầm ảnh hưởng tại châu Á - Thái Bình Dương thông qua hình thức ngoại giao quốc phòng và bán vũ khí.
Việc Nga mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận Vostok-2018 khiến giới phân tích tỏ ra ngạc nhiên, khi sự kiện này thường chỉ có sự góp mặt của các đồng minh thân cận với Moskva và thậm chí có cả kịch bản xung đột với Trung Quốc. Các chuyên gia cho rằng động thái mới này cho thấy một phần tham vọng tăng cường ảnh hưởng ở châu Á - Thái Bình Dương của Nga thông qua hợp tác quân sự, theo SCMP.
Trong bối cảnh Nga bị phương Tây cô lập và sự cạnh tranh Mỹ - Trung trở nên gay gắt, hợp tác quân sự được Moskva sử dụng như một đòn bẩy để tăng cường quan hệ ngoại giao, tìm kiếm cơ hội làm ăn kinh tế trong khu vực.
Trong ngắn hạn, chiến lược này có thể giúp Nga có thêm nhiều thị trường mới để xuất khẩu vũ khí, cũng như tiếp cận được các cảng biển và sân bay chiến lược trong khu vực, các công ty nước này sẽ được ưu đãi trong một số lĩnh vực. Về dài hạn, nỗ lực này có thể giúp Nga thúc đẩy tham vọng trở thành cường quốc hàng đầu thế giới.
"Quân đội Nga đang tìm cách chứng minh mình là một thế lực có khả năng răn đe Mỹ và đồng minh. Họ tích cực tìm kiếm đồng minh mới, củng cố quan hệ với các đối tác cũ và đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể", Alexey Muraviev, chuyên gia quân sự Nga tại Đại học Curtin, Australia, nhận định.
Chính sách xoay trục sang châu Á của Nga
Chiến lược thúc đẩy chính sách đối ngoại thông qua hợp tác quốc phòng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện nay là một bước ngoặt của Nga, nước trước đây vốn chỉ quan tâm tới châu Âu và Trung Đông.
Động lực tạo nên bước ngoặt này là việc thị trường vũ khí châu Á đang phát triển mạnh, trong khi nhu cầu từ các thị trường khác giảm sút. Chính sách ngoại giao Nga xoay trục sang châu Á còn do các biện pháp trừng phạt của phương Tây sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea và can thiệp quân sự vào Syria.
Tổ hợp tên lửa đạn đạo Iskander biên chế tại Quân khu miền Đông Nga. Ảnh: TASS. |
Lợi thế của Nga là họ sở hữu quân đội mạnh thứ hai thế giới với nhiều công nghệ quân sự hàng đầu. Chỉ riêng tại Quân khu miền Đông, Nga đã bố trí nhiều khí tài đầy uy lực, vượt trội so với lực lượng quân sự của cả một quốc gia.
Việc bố trí hỏa lực mạnh như vậy dường như nhằm răn đe chiến lược Mỹ và đồng minh, cũng là công cụ tăng cường uy tín của Nga với tư cách là cường quốc khu vực. "Việc duy trì quân đội mạnh là cần thiết để thực thi chính sách đối ngoại độc lập gắn liền với các lợi ích kinh tế và chính trị quan trọng", Vasily Kashin, học giả tại Đại học Nghiên cứu Quốc gia ở Moskva, đánh giá.
Giáo sư Natasha Kuhrt từ Đại học King ở London tin rằng Nga sẽ cạnh tranh trực tiếp với Mỹ và Trung Quốc ở nhiều lĩnh vực như kinh tế và chính trị. Khác với chính sách ở châu Âu, Moskva xem mình là giải pháp thay thế với các nước không ngả theo Bắc Kinh hay Washington trong khu vực.
Bán vũ khí
Chính sách này đang phát huy hiệu quả với Philippines dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, người luôn theo đuổi chính sách ngoại giao độc lập và giảm sự phụ thuộc vào Mỹ.
"Duterte muốn phát triển quan hệ với các đối tác phi truyền thống để phục vụ lợi ích tức thì và rõ ràng. Nga là lựa chọn tự nhiên trong lĩnh vực quân sự", Fe Apon, chuyên gia Nga tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quan hệ Quốc tế ở Manila, nhận xét.
Tàu tuần dương Nga thăm thủ đô Manila của Philippines hồi giữa năm 2017. Ảnh: Rappler. |
Tháng 8/2018, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana công bố kế hoạch đưa chiến hạm nước này ghé thăm cảng Vlapostok, nơi đóng quân của Hạm đội Thái Bình Dương Nga. Philippines cũng tỏ ý muốn mua hai tàu ngầm lớp Kilo của Nga, thay vì chọn vũ khí từ đối tác truyền thống như Mỹ và các nước Đông Á.
"Khác với Mỹ, Nga không đưa ra điều kiện kèm theo khi xuất khẩu vũ khí. Đây là điểm mấu chốt khiến Indonesia quyết định mua vũ khí của Nga", Evan Laksmana, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Jarkata, đánh giá.
Indonesia từng là khách hàng của Liên Xô, khiến Nga mong muốn tiếp tục trở thành đối tác của nước này. Moskva từng đưa ra các điều khoản linh hoạt khi bán vũ khí, như một số "khoản cho vay mềm" với lãi suất dưới mức trần của thị trường hay thỏa thuận "hàng đổi hàng". Điển hình là việc Indonesia đặt mua tiêm kích đa năng Su-35S và thanh toán cho Nga bằng hàng hóa như dầu cọ.
Tiếp cận các cảng biển và sân bay chiến lược
Tháng 12/2017, hai oanh tạc cơ chiến lược Tu-95MS Nga đáp xuống sân bay tại một hòn đảo nhỏ của Indonesia, trước khi xuất phát để thực hiện cuộc tuần tra đầu tiên trong khu vực này.
Oanh tạc cơ Tu-95MS Nga tại sân bay của Indonesia. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga. |
Những chuyến tuần tra từ căn cứ trên đất liền của Nga luôn bị Mỹ và Nhật Bản phản đối. Tuy nhiên, hoạt động phô diễn sức mạnh này ít gặp sự phản ứng từ các nước khác trong khu vực. Đây là lý do khiến Muraviev cho rằng Nga thu được lợi ích đáng kể từ hoạt động ở châu Á - Thái Bình Dương trong thời gian gần đây, bởi chúng không bị coi là hành động chèn ép nước nhỏ như ở khu vực khác.
"Nga đang ở vị trí rất thoải mái, nơi họ vừa có thể răn đe Mỹ và đồng minh, vừa có thể trở thành đối tác thay thế Washington và Bắc Kinh", Muraviev đánh giá. Nga vẫn có thể tập trận chung và cử tàu chiến ghé thăm cảng biển Nhật Bản, quốc gia có tranh chấp chủ quyền với Moskva tại các đảo nhỏ ở phía bắc.
Thúc đẩy trật tự đa cực trong khu vực
Đối thủ cạnh tranh khiến Nga lo ngại nhất hiện nay là Trung Quốc. Các cuộc tập trận song phương dường như sẽ giúp tăng cường niềm tin giữa hai nước. Dù vậy, chuyên gia Bobo Lo, cựu giám đốc chương trình Nga và Trung Quốc ở Viện Chatham của Anh, cho rằng nhiều khả năng Moskva sẽ không tỏ ra quá gần gũi với nước láng giềng.
"Nga không muốn Trung Quốc hoặc Mỹ thống trị khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thay vào đó, họ muốn một môi trường an ninh đa cực, đề phòng khả năng Trung Quốc đẩy họ khỏi khu vực khi trở nên quá mạnh ", Lo nhận định.
Lợi ích của Nga có vẻ phù hợp với mục tiêu của nhiều nước trong khu vực, cũng như với đối tác lâu đời là Ấn Độ. "Nga không ảo tưởng trở thành cường quốc quân sự lớn ở Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nếu muốn được coi là cường quốc toàn cầu thực sự, họ cần tăng cường hiện diện ở châu Á trước tiên", chuyên gia Lo nhấn mạnh.
Duy Sơn
Nga cảnh báo tấn công khu vực gần căn cứ quân sự Mỹ ở Syria
Moskva hai lần thông báo cho Washington về việc chuẩn bị tấn công vào phiến quân ở khu vực Al-Tanf, nơi có nhiều lính Mỹ ... |
Tàu tên lửa Nga có thể lắp động cơ Trung Quốc
Một nhà thầu trong dự án tàu tên lửa Karakurt của Nga đề xuất trang bị động cơ diesel Trung Quốc, dù sản phẩm này ... |
Ngày đăng: 09:34 | 08/09/2018
/ VnExpress