Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện giải thưởng khoa học-công nghệ toàn cầu VinFuture, nhiều Giáo sư hàng đầu thế giới về các lĩnh vực y khoa, trí tuệ nhân tạo và năng lượng đã có mặt tại Việt Nam và họp bàn, thảo luận về “khoa học vì cuộc sống”. Cụ thể là các vấn đề: tương lai của năng lượng, tương lai của trí tuệ nhân tạo và tương lai của sức khỏe toàn cầu.

Ứng phó với dịch bệnh trong tương lai thế nào?

Trong phiên tọa đàm "Tương lai của sức khỏe" vừa được tổ chức tại Hà Nội, GS Drew Weissman, Giám đốc nghiên cứu vaccine, bộ phận bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Perelman, ĐH Pennsylvania, cho biết con người sẽ phải chống chọi với các đại dịch trong tương lai. Giống như cách mà COVID-19 xuất hiện, trước đó có dịch cúm mùa, Ebola... trở thành một phần trong cuộc sống.

bau gs.jpg -0

Các Giáo sư hàng đầu thế giới họp bàn về tương lai của sức khoẻ toàn cầu tại Việt Nam.

Là nhà tiên phong trong lĩnh vực miễn dịch học, GS Weissman cho rằng đặt vấn đề về dự phòng ra sao để ứng phó với đại dịch. Ông nói, năm đầu COVID-19 xuất hiện cả thế giới "bị sốc" nhưng sau đó nhanh thích ứng, phát triển được các vaccine. Theo đó, phải "tạo ra loại vaccine phổ quát chống lại virus phổ biến trên toàn thế giới, sẵn sàng sử dụng dù dịch bùng phát ở đâu đều có thể ứng phó được", GS Weissman nói. Còn theo GS Pieter Rutter Cullis, ĐH British Columbia, vaccine chỉ là một khía cạnh. Ông cho biết ở thời điểm hiện tại có nhiều công nghệ như mRNA nhưng sẽ không dừng ở đó.

"Công nghệ màu nhiệm nhưng vẫn có khoảng trống", ông nói và thêm rằng kết cấu protein ở các loại vi khuẩn luôn xuất hiện, chúng ta cần phòng thủ trước các loại virus mới. Nói về phát triển vaccine, tác giả của công nghệ mRNA - GS Katalin Kariko, kể về trải nghiệm của bà và cuộc chiến của cả nhân loại với đại dịch COVID-19. Thời điểm ban đầu có những ngần ngại trong phê duyệt vaccine COVID-19 khi đặt câu hỏi: Liệu chúng có thực sự an toàn? Tuy nhiên, kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy có thể tin tưởng được. "Công nghệ mRNA có thể sử dụng phát triển nhiều sản phẩm và ứng dụng nhiều loại vaccine khác nhau", theo GS Kariko. Bà nói rằng các RNA thông tin được nghiên cứu trong thời gian gần đây và tiếp tục nhân rộng để chế tạo vaccine giải quyết biến chủng khác nhau.

Nhìn thẳng vấn đề, GS Quarraisha Abdool Karim, Phó Giám đốc Khoa học của Trung tâm Nghiên cứu AIDS Nam Phi (CAPRISA), Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học châu Phi đưa ra nhận định: Không ai có thể an toàn cho đến khi mọi người đều an toàn. COVID-19 chính là bằng chứng, đòi hỏi tiến bộ loài người, phác thảo phác đồ điều trị và vaccine ra đời. Y học chính xác trong y tế công cộng là vô cùng quan trọng. Sự tham gia của các quốc gia vào công nghệ, gồm chẩn đoán, phát triển vaccine phòng ngừa để phát triển sản phẩm đầy đủ là cần thiết.

Công nghệ khoa học càng phát triển, người nghèo càng được hưởng lợi

Cũng trong khuôn khổ buổi toạ đàm, các giáo sư, nhà khoa học cũng đã thảo luận về công nghệ phát hiện nhanh bệnh ung thư. Đến với tọa đàm qua một clip phát trực tuyến, GS Sangeeta N. Bhatia, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu điều trị ung thư bằng y học nano, ĐH Massachusetts, cho rằng những tiến bộ của y khoa toàn cầu không chỉ dừng lại như hiện nay mà còn tiếp tục đạt được những thành tựu đáng ngạc nhiên nhờ khoa học công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực điều trị ung thư.

Hiện nay, việc chữa trị cho bệnh nhân ung thư là một gánh nặng có tính toàn cầu, chiếm 2/3 số ca tử vong trên toàn thế giới và sẽ tiếp tục tăng trong thế kỷ tới. Đáng tiếc là các ca tử vong tập trung ở các nước nghèo. Ví dụ, cũng là trẻ em bị bạch cầu, nhưng ở các nước có nền khoa học công nghệ phát triển thì nhiều em được chữa khỏi, còn ở nước nghèo thì tỷ lệ tử vong cao.“Cần phát hiện công nghệ mới cho ngành ung bướu toàn cầu. Hiện có thể ngăn chặn khoảng 50% số ca tử vong do ung thư nhờ có thể tiêm ngừa, cai thuốc lá, xét nghiệm sàng lọc, nhưng việc này đang được thực hiện tại các nước phát triển. Cần quan tâm hơn đến công nghệ phát hiện ung thư sớm cho 50% còn lại, chẳng hạn giá như có thể có kit xét nghiệm nhanh phát hiện ung thư như phát hiện COVID-19!”, GS Bahatia chia sẻ.

Cũng theo GS Bhatia, Trung tâm Nghiên cứu điều trị ung thư bằng y học nano, ĐH Massachusetts đã phát triển công nghệ nano, hạt nano bơm vào mạch máu, thẩm thấu vào tế bào khối u; cảm biến nano nhận biết emzim trong tế bào ung thư… Tiến tới sẽ tiêm cho bệnh nhân, sau đó đợi 1 tiếng để biết kết quả trên điện thoại, gửi đến trung tâm chẩn đoán từ xa… Phát minh cho thấy hiệu quả tốt trên động vật. Trung tâm đã thiết lập công ty khởi nghiệp để phát triển giai đoạn 2.“Cần có bộ óc đa dạng hơn để triển khai khoa học hiện hành, đồng thời tạo ra công nghệ mới tại các nền kinh tế chưa phát triển”, GS Bhatia nhấn mạnh.

Còn trước câu hỏi liệu có thể dùng trí tuệ nhân tạo để chẩn đoán mô hình virus tiếp theo, để giới y khoa chuẩn bị trước, thì nhà toán học Vũ Hà Văn (ĐH Yale, Mỹ) trả lời: “AI (trí tuệ nhân tạo) có thể được ứng dụng để mô hình hoá virus mới, tôi hy vọng từ đó tạo kết quả thiết thực”. Cũng theo GS Vũ Hà Văn, một ứng dụng lớn lao của AI vào ngành y khoa là chính xác hoá trong chẩn đoán và điều trị. Hiện tại, AI và dữ liệu lớn đã được dùng nhiều trong y học.

“Máy tính có thể chứa hàng tỉ hồ sơ của bệnh nhân mà bác sĩ thì không tài nào nhớ hết. Với sức mạnh của điện toán, thuật toán thông minh có thể khai thác nguồn dữ liệu đó, chỉ cần tra cứu là có thông tin. Đó là trợ lý mơ ước trong tương lai”, GS Vũ Hà Văn nhận xét. GS Vũ Hà Văn cũng cho rằng, AI còn giúp giảm khoảng cách giàu nghèo trong việc tiếp cận dịch vụ y tế. Thông thường, bác sĩ giỏi thường làm việc ở bệnh viện “giàu”, nhưng nhờ AI mà bác sĩ trẻ, ít kinh nghiệm, làm việc ở các vùng sâu vùng xa có thể khám chữa bệnh giỏi hơn, vì thế mà khoảng cách chất lượng dịch vụ giữa các bệnh viện lớn với bệnh viện bé ở vùng hẻo lánh được thu hẹp.

Cũng liên quan đến vấn đề này, GS Robert Green, chuyên gia về y khoa và di truyền học tại ĐH Harvard, cũng cho rằng y học ở Mỹ hay Việt Nam, hay bất kỳ đâu trên thế giới, cũng đều không được phân bổ đồng đều, đều có sự phân biệt lớn trong chăm sóc sức khỏe. Sẽ có một nhóm người được, nhóm kia thì không, trong cách đầu tư vào y tế hoặc một loại hình chăm sóc sức khỏe nào đó. Nhưng y học chính xác (nhờ vào dữ liệu lớn và AI) đưa ra viễn cảnh hướng tới ngăn ngừa, tiên đoán, giữ gìn sức khỏe thay vì ốm rồi mới điều trị. Do đó, các chính phủ sẽ phải đầu tư ít hơn, thực hiện ít ca phẫu thuật hơn, dân số khỏe mạnh hơn, trị liệu ít hơn. Khi người ta không phải chi nhiều tiền chăm sóc sức khỏe thì người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế, bất kể địa vị xã hội, dân tộc, kinh tế như thế nào.

Giải đặc biệt VinFuture xướng tên nữ giáo sư người Mỹ với ‘Da điện tử" Giải đặc biệt VinFuture xướng tên nữ giáo sư người Mỹ với ‘Da điện tử"

Nghiên cứu da điện tử của nữ giáo sư Zhenan Bao người Mỹ gốc Trung Quốc đạt giải đặc biệt tại lễ trao giải thưởng ...

Thủ tướng: Sứ mệnh của VinFuture là cổ vũ, tôn vinh các nhà khoa học xuất sắc Thủ tướng: Sứ mệnh của VinFuture là cổ vũ, tôn vinh các nhà khoa học xuất sắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, sứ mệnh của VinFuture là cổ vũ và tôn vinh những nhà khoa học có công trình nghiên ...

Những nhà khoa học nổi tiếng thế giới nào sẽ có mặt ở lễ trao giải VinFuture? Những nhà khoa học nổi tiếng thế giới nào sẽ có mặt ở lễ trao giải VinFuture?

Lễ trao giải thưởng VinFuture được tổ chức tối nay (20/1) tại Nhà hát lớn Hà Nội, với sự tham gia của nhiều nhà khoa ...

Ngày đăng: 08:26 | 21/01/2022

/ cand.com.vn