Nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 (Haiyang Dizhi 8) của Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam trên vùng biển phía Nam Biển Đông, cụ thể là gần bãi Tư Chính thuộc chủ quyền của Việt Nam, rõ ràng là vi phạm luật

bien dong cong dong quoc te luon ung ho su chinh nghia dung dan va thien chi cua viet nam

Nhà giàn DK1/20 trên thềm lục địa của Việt Nam

Căn cứ pháp lý của Việt Nam là rõ ràng

- PV: Sự việc nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 (Haiyang Dizhi 8) của Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam trên vùng biển phía Nam Biển Đông, cụ thể là gần bãi Tư Chính thuộc chủ quyền của Việt Nam, rõ ràng là vi phạm luật quốc tế, gây căng thẳng. Xin ông phân tích căn cứ pháp lý của vùng biển này đối với Việt Nam?

- Tiến sỹ Trần Công Trục: Qua nghiên cứu, đối chiếu với những quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, Luật Biển Việt Nam năm 2012, cũng như các tiền lệ pháp lý, đặc biệt là phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế The Haye năm 2016, tôi cho rằng lời khẳng định của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam là khá thuyết phục, vì nó có căn cứ pháp lý rõ ràng. Bởi vì, khu vực phía Nam Biển Đông được đề cập là khu vực bãi cạn Tư Chính, Vũng Mây, Quế Đường, Huyền Trân… ở cách đường cơ sở thẳng dùng để tính chiều rộng lãnh hải ven bờ lục địa Việt Nam công bố năm 1982 dưới 200 hải lý.

Thậm chí có khu vực ở cách đường bờ biển ven bờ lục địa đối diện cũng xấp xỉ khoảng trên dưới 200 hải lý. Tôi chỉ nhấn mạnh đến khái niệm Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý ở khu vực này bởi vì còn có ranh giới ngoài của thềm lục địa có thể mở rộng ra đến 350 hải lý, nếu có hồ sơ chứng minh bờ ngoài của thềm lục địa kéo dài ra ngoài giới hạn 200 hải lý và được Tiểu ban ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc chấp nhận.

Vì vậy, tại khu vực này, Việt Nam đã và đang tiến hành thăm dò khai thác dầu khí, đã xây dựng các cụm dịch vụ mang tên DK, phù hợp với các quy định về quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển theo Điều 60, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, quy định về các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trong vùng đặc quyền kinh tế và Điều 80 quy định về các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình ở thềm lục địa. Việt Nam có đặc quyền tiến hành xây dựng, cho phép và quy định việc xây dựng, khai thác và sử dụng đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình dùng vào mục đích được trù định ở Điều 56 của UNCLOS 1982 hoặc các mục đích kinh tế khác trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

- Mặc dù chúng ta có đầy đủ căn cứ pháp lý như vậy nhưng phía Trung Quốc vẫn tiếp tục đưa ra những lập luận phi lý, thưa ông?

- Trung Quốc mới đây ngang nhiên xem bãi Tư Chính là một phần của cái gọi là quần đảo Nam Sa của họ. Nhưng lập luận phi lý và ngụy biện này hoàn toàn trái ngược với những quy định của UNCLOS 1982, và đặc biệt là đã bị phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế The Haye năm 2016 bác bỏ. Cụ thể là, liên quan đến quy chế pháp lý của các cấu trúc địa lý của quần đảo Trường Sa, Tòa trọng tài đã tuyên:

Các cấu trúc nổi khi thủy triều lên cao sẽ tạo ra quyền ít nhất đối với lãnh hải 12 hải lý, trong khi các cấu trúc chìm khi thủy triều lên cao sẽ không tạo ra quyền như vậy.

Công ước phân loại các cấu trúc dựa trên điều kiện tự nhiên của chúng và dựa vào các tài liệu lịch sử để đánh giá các cấu trúc. Các đảo tạo ra vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa, nhưng các “đảo đá không thích hợp cho con người đến ở và không có đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”.

Không một cấu trúc nào tại Trường Sa có khả năng tạo ra các vùng biển mở rộng. Tòa cũng quyết định rằng, các đảo Trường Sa không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất.

Mặc dù phán quyết của Tòa không giải quyết vấn đề chủ quyền/phân định biển, nhưng đã cung cấp và giải thích cho chúng ta những khái niệm pháp lý rất chính xác và rõ ràng; có thể được xem như là một Phụ lục của Công ước của Liên hợp quốc về UNCLOS 1982; giúp cho chúng ta có căn cứ pháp lý để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong Biển Đông trước những tính toán giải thích và áp dụng sai các quy định của UNCLOS 1982 của Trung Quốc hòng độc chiếm Biển Đông, không chỉ những nội dung mà phán quyết Tòa trọng tài đã tuyên, mà còn các nội dung khác nữa.

bien dong cong dong quoc te luon ung ho su chinh nghia dung dan va thien chi cua viet nam

Quốc tế sẽ ủng hộ vì Việt Nam có chính nghĩa và thiện chí

- Đến giờ, tàu của Trung Quốc đã rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các lực lượng chức năng của Việt Nam đã triển khai các biện pháp phù hợp, đúng pháp luật. Ông có nhận xét gì về chủ trương, cách thức giải quyết căng thẳng của chúng ta hiện nay?

- Lập trường pháp lý và chủ trương chính trị của Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn, rõ ràng, thể hiện thiện chí của một quốc gia thành viên có trách nhiệm của Công ước UNCLOS 1982. Chúng tôi đánh giá cao và xin nhấn mạnh đến biện pháp kiên quyết, kiên trì,đấu tranh ngoại giao và phương thức ứng xử trên thực tế của các lực lượng chấp pháp của Việt Nam khi phát hiện những hoạt động phi pháp của nhóm tàu Hải Dương 08.

Về mặt đấu tranh ngoại giao, cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam đã cân nhắc một cách thận trọng trước khi áp dụng những hình thức đấu tranh chính trị, pháp lý, truyền thông thích hợp, khá mạnh mẽ và đúng thủ tục pháp lý hiện hành. Nội dung các văn kiện ngoại giao theo tôi cũng đã phản ánh đầy đủ lập trường của Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng cho biết: “Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam”.

Trên thực địa, các lực lượng chấp pháp của chúng ta cần cảnh giác, kiềm chế, hành xử theo đúng thủ tục pháp lý hiện hành; không mắc bẫy khiêu khích để phía bên kia kiếm cớ gây đụng độ gây bất ổn, làm ảnh hưởng đến các hoạt động của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý. Khi áp dụng các biện pháp để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình trên biển, các lực lượng chấp pháp của Việt Nam cũng phải hết sức thận trọng và phải cân nhắc kỹ trước khi áp dụng một biện pháp nào đó chứ không thể chủ quan, tạo cớ để Trung Quốc nhanh chóng thực hiện hành vi vi phạm của họ.

- Việt Nam cần làm gì để bảo vệ đầy đủ và toàn vẹn chủ quyền quốc gia trên biển, thưa Tiến sỹ?

- Trước phản ứng quyết liệt của Việt Nam và một số nước, nhóm tàu Hải Dương 8 Trung Quốc đã rời đi khỏi vùng biển mà họ vi phạm, có thể họ đưa ra lý do là đã hoàn thành một đợt nghiên cứu hoặc vì một nguyên cớ nào đó. Nhưng chúng ta không thể chủ quan vì có thể đây chỉ là bước thăm dò, trước khi họ có những hành động khác nhằm hiện thực hóa tham vọng khống chế Biển Đông, biến vùng không tranh chấp thành có tranh chấp.

Bài học lịch sử được rút ra từ sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào các năm 1974 và 1988, điều cốt tử là không tạo cơ hội cho Trung Quốc tiếp tục áp dụng kế sách tạo ra tình huống buộc chúng ta phải chấp nhận “chuyện đã rồi”.

Vì vậy, sau khi chúng ta đã công khai yêu cầu Trung Quốc rút các tàu vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tại vùng biển phía Nam Biển Đông, nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục thì Việt Nam nên sử dụng hình thức đấu tranh cao hơn về mặt ngoại giao. Trước hết, Việt Nam nên xúc tiến việc thu thập hồ sơ, bằng chứng có liên quan đến các vi phạm của Trung Quốc, như tọa độ nơi xảy ra vi phạm, các bằng chứng về việc thăm dò, nghiên cứu, các hoạt động gây hấn của các tàu vũ trang của Trung Quốc… để lập hồ sơ pháp lý cho những bước đấu tranh ngoại giao pháp lý tiếp theo. Việt Nam có thể gửi lên các tổ chức liên quan của Liên hợp quốc, đưa vụ việc ra các Cơ quan Tài phán quốc tế.

Sự việc lần này còn là bài học, lời cảnh tỉnh đối với chúng ta, với tư cách là những công dân bình thường, nên cảnh giác và tránh bị kích động khi tiếp cận với những thông tin không được kiểm chứng, gây bất ổn về an ninh trật tự, làm xáo trộn, ảnh hưởng đến môi trường sống yên lành. Chúng ta cũng cần công khai các thông tin đúng sự thật, nói rõ đúng sai, thượng tôn pháp luật, thể hiện thiện chí và trách nhiệm của Việt Nam đối với khu vực và thế giới, góp phần tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhiều người Việt ở nước ngoài, cũng như cộng đồng quốc tế.

Tôi tin rằng các nước, cộng đồng quốc tế cũng sẽ ủng hộ Việt Nam, vì chúng ta có chính nghĩa và thiện chí. Tôi mong chúng ta có những biện pháp để ASEAN cũng có tiếng nói mạnh mẽ. Đó là sức mạnh giúp ngăn cản các hành động vi phạm của Trung Quốc. Khi dư luận quốc tế ủng hộ Việt Nam, đó là nguồn sức mạnh chính nghĩa giúp chúng ta bảo vệ và quản lý được các quyền và lợi ích hợp pháp trên Biển Đông trong tình hình hiện nay.

bien dong cong dong quoc te luon ung ho su chinh nghia dung dan va thien chi cua viet nam

Trung Quốc toan tính gặm nhấm Biển Đông bằng tàu khảo cứu, hải cảnh

Việc điều tàu mang danh nghĩa nghiên cứu khoa học xâm phạm vùng biển các quốc gia khác dường như là chiến lược mới của ...

bien dong cong dong quoc te luon ung ho su chinh nghia dung dan va thien chi cua viet nam

Tàu chiến Mỹ sẽ tiếp tục duy trì hiện diện tại Biển Đông

Chuẩn đô đốc Karl Thomas hôm qua tuyên bố hải quân Mỹ sẽ tiếp tục hiện diện tại Biển Đông để đảm bảo an ninh ...

bien dong cong dong quoc te luon ung ho su chinh nghia dung dan va thien chi cua viet nam

Philippines phản đối sự xuất hiện của tàu khảo sát Trung Quốc ở vùng đặc quyền kinh tế

Philippines sẽ gửi công hàm phản đối Trung Quốc về sự hiện diện không thông báo của 2 tàu khảo sát nước này trong vùng ...

bien dong cong dong quoc te luon ung ho su chinh nghia dung dan va thien chi cua viet nam

Duterte nói sẽ gây sức ép với Trung Quốc về bộ quy tắc ứng xử Biển Đông

Tổng thống Philippines hôm nay cảnh báo việc Trung Quốc trì hoãn quá lâu bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc pháp lý ...

Ngày đăng: 11:00 | 18/11/2019

/ anninhthudo.vn