Trong khi hệ thống nhà ga, tàu, đường ray xuống cấp không được đầu tư thì ngành đường sắt lại bất lực trong việc xóa bỏ đường ngang dân sinh tự phát dày đặc ở các tỉnh, thành
Chỉ hơn một tuần, ngành đường sắt liên tiếp xảy ra 5 vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng. Trong rất nhiều nguyên nhân dẫn tới hiểm họa cho loại phương tiện vốn được đánh giá là an toàn nhất này, có những nguyên nhân liên quan đến nhà ga, gác chắn, thiết bị, kỹ thuật điều hành… mà theo giới chuyên môn là đã quá lạc hậu, lỗi thời.
"Sát thủ" đường dân sinh
Từ hàng chục năm nay, ngành đường sắt loay hoay với câu chuyện giải quyết đường ngang dân sinh bắc qua đường sắt. Số vụ tai nạn đường sắt chủ yếu ở những điểm đen này.
Một điểm giao nhau giữa đường sắt với đường ngang dân sinh không có rào chắn, không có người gác tại xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, thường xuyên xảy ra tai nạn Ảnh: TỬ TRỰC
Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi, tuyến đường sắt đi qua tỉnh có chiều dài gần 100 km, trong đó có 41 điểm giao nhau với đường ngang dân sinh. Thế nhưng, chỉ có 16 đường ngang có người gác, 10 đường ngang có thiết bị cảnh báo tự động, 15 đường ngang chỉ được gắn biển báo trên đường.
Đầu tháng 6-2018, chúng tôi có mặt tại một điểm đường sắt giao với đường ngang dân sinh thuộc xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Tại vị trí này, người qua lại khá đông nhưng không có gác chắn, không có người canh nên tai nạn liên tục xảy ra. Điển hình là vụ tai nạn xảy ra cuối năm 2017, một người đàn ông điều khiển xe ba gác tự chế chở 2 con bò phía sau cố vượt qua đường sắt, không may chiếc xe "chết máy" ngay điểm giao nhau nên bị tàu hỏa tông khiến nạn nhân tử vong. "Tại chỗ này, từ xưa giờ đã có trên 10 vụ tai nạn tàu hỏa. Tôi ở đây chứng kiến rất nhiều trường hợp dù tín hiệu cảnh báo tàu reo liên tục nhưng xe tải chở đất, đá vẫn cố trườn qua" - ông Nguyễn Bảy, một người dân ngụ xã Tịnh Thọ, phản ánh.
Tại điểm giao giữa đường sắt và đường ngang dân sinh thuộc xóm 8, thôn Phước Bình, xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe cộ qua lại nhưng cũng không có người gác chắn, biển báo sơ sài. Bà Nguyễn Thị Thái, ngụ xã Bình Nguyên, cho biết đã xảy ra trường hợp người đi xe máy băng qua điểm giao cắt này bị tàu tông. "Ở đây đã có 3 người chết vì bị tàu tông" - bà Thái kể.
Ngoài những tuyến đường ngang dân sinh đã được thống kê, trên tuyến đường sắt qua Quảng Ngãi còn có hàng chục đường ngang do người dân tự lập. Riêng tại huyện Bình Sơn có 13 "điểm đen" như thế, rất dễ xảy ra tai nạn.
Ông Cao Minh Hỷ, Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Nghĩa Bình (đơn vị quản lý các ga từ Đà Nẵng - Bình Định), nói việc tồn tại quá nhiều đường ngang đã ảnh hưởng rất lớn đến an toàn đường sắt. Nhưng vì đường dân sinh nên rất khó có thể xóa bỏ được, xóa chỗ này, mọc chỗ kia. Còn lập trạm canh, rào chắn cũng không xuể, vì kinh phí hạn hẹp…
Quá nhiều mối nguy
Tuyến đường sắt Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Quảng Nam dài gần 92 km, đi qua 31 xã, phường, thị trấn của 7 huyện, thị xã, TP. Theo thống kê, mỗi ngày có hàng chục chuyến tàu giao nhận hàng hóa qua lại. Lưu lượng vận chuyển lớn nhưng hệ thống hạ tầng, tàu, đường ray và hầu hết các nhà ga như Núi Thành, Tam Kỳ, An Mỹ, Phú Cang, Trà Kiệu... xây dựng trước năm 1975 nên đã xuống cấp trầm trọng.
Riêng ga An Mỹ (xã Tam Phước, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) đã nhiều lần đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam di dời đến địa điểm phù hợp hơn nhưng vẫn bị treo lại. Ga này nằm ngay bên tuyến đường ĐT615, tuyến huyết mạch dẫn từ Quốc lộ 1 lên huyện Phú Ninh và một số xã của huyện Tiên Phước. Hiện tại, mỗi lần tàu dừng để bốc dỡ hàng tại ga là chắn ngang đường ĐT615 khiến người dân không thể lưu thông, thường xuyên gây ách tắc kéo dài.
Đã không được đầu tư, nâng cấp hệ thống nhà ga, tuyến đường sắt qua tỉnh Quảng Nam cũng được cảnh báo nguy cơ mất an toàn giao thông cao. Đặc biệt, thời gian qua, nổi lên tình trạng vi phạm quy định về an toàn giao thông đường sắt như lấn chiếm hành lang an toàn, người dân tự do mở lối đi trái phép.
Theo thống kê của Công an tỉnh Quảng Nam, năm 2016 trên địa bàn tỉnh này xảy ra 22 vụ tai nạn đường sắt làm 11 người chết, 4 người bị thương; năm 2017 số vụ tai nạn vẫn ở mức cao với 17 vụ, làm 4 người chết, 1 người bị thương. Những tháng đầu năm 2018, tại tỉnh Quảng Nam cũng đã xảy ra một số vụ tai nạn đường sắt. Mới đây nhất, chiều 26-5, tại khu vực ga Núi Thành xảy ra vụ 2 tàu hàng đâm nhau làm tuyến đường sắt tê liệt hơn 24 giờ, gây thiệt hại nặng. Sự việc buộc Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phải lên tiếng nhận trách nhiệm vì chính sự bệ rạc của ngành đường sắt.
Kỳ tới: Chậm đổi mới là... chết!
Không thể kiểm soát Theo các chuyên gia, tai nạn đường sắt liên tục xảy ra do sự tắc trách của lực lượng chức năng, ý thức tham gia giao thông của người dân còn kém nhưng chủ yếu do chưa kiểm soát được hệ thống đường ngang băng cắt qua đường sắt. Tại tỉnh Quảng Nam, kết quả khảo sát của đoàn kiểm tra liên ngành vào tháng 4 vừa qua cho thấy có tất cả 61 đường ngang hợp pháp, 76 đường dân sinh bất hợp pháp băng qua đường sắt. Nguy cơ gây mất an toàn giao thông tại 76 vị trí đường dân sinh tự phát này luôn thường trực trong khi 61 đường ngang hợp pháp cũng có những điều đáng lo ngại, như nhiều điểm không có người gác chắn, không kẻ vạch dừng, gờ giảm tốc, biển báo và phòng vệ bằng tín hiệu cảnh báo tự động cũ kỹ, sai quy chuẩn... Trên phạm vi cả nước, Bộ GTVT báo cáo có 5.719 đường giao cắt với đường sắt. Trong đó 1.519 đường giao cắt do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức ở những đường cắt ngang lớn có nhiều phương tiện qua lại; 4.200 đường giao cắt dân sinh; còn lại là đường nhỏ kết nối các khu cụm dân cư, luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. |
Nhân viên gác chắn đường sắt uống rượu, ngủ gật trong ca trực
Cục Đường sắt kiểm tra đột xuất phát hiện nhân viên gác ghi ngủ ngật, uống rượu trong ca trực. Thậm chí học sinh thực ... |
Bộ trưởng GTVT mong thông cảm!
Ngày 4.6, Quốc hội dành 2/3 thời gian chất vấn để các đại biểu cùng Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể “hỏi nhanh đáp ... |
"Hỏi nhanh đáp gọn" Bộ trưởng GTVT: Mong hết sức thông cảm
Sáng 4/6, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội, trong đó cách xử lý tồn tại ... |
TỬ TRỰC - TRẦN THƯỜNG
Ngày đăng: 08:20 | 06/06/2018
/ https://nld.com.vn