Món ăn dân dã gồm những sợi bánh đúc chan ngập nước dùng màu trắng sữa, ăn kèm với rau sống, giá.
Ở Hà Nội bây giờ tìm những hàng bánh đúc đã khó, những cửa hàng bánh đúc nộm còn khó hơn vì món quà vặt này giờ ít người bán. Không phải bởi món ăn không ngon mà vì món bánh đúc đang dần ít người thưởng thức hơn trước nên những người bán cũng ít. Bánh đúc được làm từ gạo và lạc với món chủ đạo là bánh đúc chấm tương đơn giản. Món bánh đúc nóng kèm thịt băm mộc nhĩ bán nhiều vào thời tiết đông se lạnh. Cháy bánh đúc hay được mọi người mua ăn lai rai vì ngậy và giòn. Biến thể bánh đúc nộm được dành riêng cho mùa hè với cách ăn khác biệt.
Bánh đúc nộm ăn thanh mát, giải nhiệt cho những ngày nóng. Ảnh: Minh Ngọc |
Vẫn là bánh đúc truyền thống với bánh đúc được thái mỏng vừa gắp được đặt vào bát tô. Bánh đúc ngon thơm mùi gạo, sợi đanh chứ không bở, rắc lên một chút giá đã chần qua. Nước dùng được chan xâm xấp bát. Và cuối cùng là chút rau sống ăn kèm với thân chuối non, rau ngổ, kinh giới, tía tô.
Tinh túy của bánh đúc nộm chính là nước dùng. Để làm được món canh chan bùi béo ngậy màu trắng sữa, người bán hàng phải lựa chọn rất cẩn thận từng hạt lạc, hạt vừng tươi. Sau đó, vừng lạc được xay nhuyễn và nấu với nước giá chần cùng lạc chưa giã tạo thành thứ nước dùng thanh mát và thơm ngậy. Nước dùng được để nguội, thậm chí có một vài nơi bán còn để lạnh.
Một tô bánh đúc nộm thường được múc vừa lưng bát. Cầm bát trên tay đã ngửi thấy ngay mùi mát ngậy của vừng lạc. Khi ăn, bạn dùng đũa trộn các loại bánh đúc, rau với nước dùng. Một miếng bánh đúc mang đậm vị thơm của gạo, mát ngậy của vừng lạc, giòn giòn của giá, ngậy bùi của lạc, ngai ngái của rau sống... Tất cả hòa quyện trong miệng. Chỉ một loáng, bát bánh đúc nộm đã hết sạch. Hết cả cái và hết cả nước dùng. Bát đũa sạch trơn. Ăn xong rồi vẫn cảm thấy thòm thèm, vẫn muốn ăn thêm chút nữa.
Bánh đúc nộm và bánh đúc nóng là những món quà vặt chỉ có ở Hà Nội. Ảnh: Lam Linh |
Bánh đúc nộm là một món chay với chỉ gạo, rau và lạc nhưng lại ngậy thơm. Món quà vặt được bán vào buổi chiều và chỉ ở những điểm cố định với những vị khách quen đã nhiều năm. Người tìm đến bánh đúc thường là những vị khách có tuổi, ăn hàng dễ có đến cả chục năm. Khẩu vị của người ăn cũng đã thành quen với người bán. Khách đến, chưa kéo xong ghế đã có bát bánh đúc nguội đặt vào tay với đúng yêu cầu. Người thêm chút ớt cay, kẻ thích ăn lạc, người thích nước dùng nên bát cũng ngập trong nước dùng. Cứ thế, người bán thoăn thoắt đôi tay nhặt bánh, thêm rau, cắt ớt, một loáng đã thấy nồi gần cạn. Bánh đúc nộm không phải để ăn cho no mà ăn cho đỡ cơn đói, giải nhiệt mùa hè. Thế nên, hàng bánh đúc nộm chỉ đến tầm 5h chiều là hết, nhường chỗ cho những món hàng khác chuẩn bị bán vào buổi tối.
Tùy vào sở thích và cách làm, mỗi cửa hàng lại có cách gia giảm khác nhau cho bánh đúc nộm nhưng cách chung vẫn là bánh đúc với nước dùng sánh. Để ăn bát bánh đúc nộm, bạn có thể tìm đến những địa chỉ sau tại Hà Nội với mức giá khoảng 15.000 - 20.000 đồng/bát.
- Số 66 Hàng Bạc
- Số 28 Hàng Bè
- Số 45 Châu Long
- Số 19 dốc Hòe Nhai
- Số 20 ngõ Gốc Đề
- Số 107 Bạch Mai
- Ngõ Xã Đàn 2
- Góc Chợ Bưởi
Hà Nội thuộc top điểm đến có tour ẩm thực hấp dẫn nhất Bánh đa cá rô, bánh cuốn chấm với nước mắm pha vừa đủ mặn ngọt chua cay hay uống cà phê, thưởng thức một cốc ... |
Huế sẽ có khu ẩm thực đường phố về đêm Chính quyền TP Huế dự định cho phép người bán hàng rong vào kinh doanh ở công viên Thương Bạc để giảm tình trạng kinh ... |
5 món ngon nên thử khi du lịch đến Anh Ngoài bánh Yorkshire Pudding, du khách đến Anh cũng nên thử cá chiên, thịt nướng được chế biến theo công thức riêng. |
Những quán ăn định danh thương hiệu ẩm thực Hà Nội Phở Bát Đàn, phở Thìn, bún chả Hàng Quạt... là những món ăn ngon nổi tiếng mà nhắc đến ẩm thực Hà Nội, người ta ... |
Ngày đăng: 10:00 | 05/10/2019
/ ngoisao.net