Tình hình ở Syria khiến Trump nhận ra thực tế: Những vấn đề phức tạp liên quan đến an ninh quốc gia hiếm khi có giải pháp đơn giản.
Ngay từ khi tranh cử năm 2016, Donald Trump đã đưa ra một "giải pháp đơn giản" cho những cuộc can thiệp mà ông cho là rất tốn kém của Mỹ ở Trung Đông, đó là đưa các binh sĩ về nước. Ông tuyên bố khu vực này chỉ toàn "máu và cát", không đem lại nhiều lợi ích cho an ninh quốc gia Mỹ với "những cuộc chiến không hồi kết".
Tổng thống Trump đầu tháng 10 thực hiện "giải pháp giản đơn" này khi đột ngột quyết định rút gần như toàn bộ lính Mỹ đồn trú ở Syria, bỏ đồng minh người Kurd lại đối mặt với chiến dịch quân sự Mùa xuân Hòa bình của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng hôm 21/10. Ảnh: AP. |
Sau khi tuyên bố sẽ "đưa các quân nhân Mỹ về nước" hồi tuần trước của ông vấp phải chỉ trích dữ dội từ dư luận và cả các thành viên đảng Cộng hòa, Trump đã tính toán lại, và chính quyền Mỹ tuyên bố sẽ tái bố trí hơn 700 binh sĩ từ Syria đến tây Iraq để chiến đấu chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Thế nhưng, kế hoạch mới nhất của ông lại đứng trước một trở ngại khác: Chính phủ Iraq tuyên bố không cho phép số lính Mỹ rút khỏi Syria được đóng quân lâu dài ở nước này. Thủ tướng Iraq Adil Abdul-Mahdi hôm 23/10 còn đe dọa có "hành động pháp lý" nếu lính Mỹ cố tình ở lại và kêu gọi cộng đồng quốc tế cũng như Liên Hợp Quốc "thực hiện vai trò của mình trong vấn đề này".
Thổ Nhĩ Kỳ và Nga hôm 22/10 thông báo đã đạt được thỏa thuận cho phép quân đội hai nước cùng tuần tra phần lớn vùng biên giới đông bắc Syria. Với thỏa thuận này, Nga gần như đã loại bỏ ảnh hưởng của Mỹ ở Syria và "lấp chỗ trống" mà nước này để lại tại khu vực.
"Quá trình rút quân khỏi Syria của Mỹ là hành động tự gây tổn thương và không diễn ra suôn sẻ", Michael Knights, nhà nghiên cứu tại Viện Washington về Chính sách Cận Đông, nhận định. "Việc kết nối giữa tình hình thực tế với chiến lược đã trở nên ngày càng khó khăn với chính quyền Trump, bởi các quan điểm từ cấp cao nhất không có bất cứ sợi dây liên kết nào với các cấp trên thực địa".
Đây được coi là trường hợp mới nhất cho thấy cách tiếp cận "đơn giản hóa mọi thứ" của Trump đối với chính sách an ninh quốc gia thường không dễ dàng như ông vẫn nghĩ.
Kế hoạch "tấn công quyến rũ" của Trump với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đến nay vẫn chưa thể thuyết phục nước này từ bỏ chương trình hạt nhân. Việc ông rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran có từ thời chính quyền Obama cũng đã khiến Iran vượt hạn mức dự trữ và làm giàu uranium. Mới đây nhất, quyết định đàm phán với phiến quân Taliban nhằm đặt nền móng cho kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan cũng thất bại trong việc kiềm chế bạo lực ở quốc gia này.
Đối với tình hình Syria, Trump thông báo về kế hoạch rút quân sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định trong một cuộc điện đàm rằng lực lượng quân đội nước này sẽ tiến vào lãnh thổ Syria để đẩy lùi các tay súng người Kurd, lực lượng mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là phần tử khủng bố.
Quyết định này của Trump được cho là hành động bỏ rơi đồng minh người Kurd, lực lượng đã chiến đấu chống lại IS cùng quân đội Mỹ trong nhiều năm qua. Đáp lại, Trump tuyên bố Mỹ "chưa bao giờ đồng ý sẽ bảo vệ người Kurd mãi mãi", khẳng định vẫn duy trì một lực lượng nhỏ ở Syria để "bảo vệ dầu mỏ", ngoài ra không còn lý do nào để ở lại nữa.
"Có thể chúng ta sẽ cho một trong những công ty dầu khí lớn nhất của Mỹ đến Syria", ông nói. Sau quyết định rút quân của Trump, Mỹ chỉ còn 200-300 binh sĩ đang đóng quân ở tiền đồn Al-Tanf phía nam Syria.
Brett McGurk, đặc phái viên tổng thống về liên minh chống IS, kịch liệt lên án Trump vì ra quyết định rút quân mà không có một tầm nhìn xa về tình hình thực tế ở Syria.
"Đây là vấn đề về việc không có một quy trình an ninh quốc gia mà đáng lẽ Tổng thống phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi phát biểu điều gì đó quan trọng", McGurk nói hôm 21/10 tại một sự kiện do Quỹ Bảo vệ Các nền dân chủ (FDD), một cơ quan nghiên cứu chiến lược ở Washington, tổ chức.
"Sức ảnh hưởng của Mỹ đã 'bốc hơi' từ lúc Trump tuyên bố rút một nửa số binh sĩ ở Syria về nước vào tháng 12/2018 và giờ đây là rút gần hết. Đó không phải là một chính sách được cân nhắc kỹ lưỡng, đó là những quyết định bộc phát", McGurk nói.
Theo nhà phân tích Knights của Viện Washington, việc Iraq không chấp nhận cho lính Mỹ đóng quân lâu dài ở nước này cũng không quá bất ngờ khi xét tới mối quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Baghdad với chính quyền Trump.
Hồi đầu năm, Trump đã khiến các chính trị gia Iraq tức giận khi tuyên bố sẽ duy trì lực lượng Mỹ ở nước này và biến đây thành một căn cứ tấn công các mục tiêu IS bên trong lãnh thổ Syria nếu cần thiết.
Ông cũng làm dấy lên làn sóng phẫn nộ ở Baghdad khi nói rằng quân đội Mỹ nên được duy trì ở Iraq để giám sát nước láng giềng Iran. Ngày càng nhiều quan chức Iraq đòi Mỹ rút khoảng 5.000 binh sĩ đang đồn trú lâu dài tại nước này.
Kế hoạch điều quân từ Syria tới Iraq của chính quyền Tổng thống Trump được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Iraq đang đứng trước hàng loạt cuộc biểu tình ở Baghdad và nhiều nơi khác vì tham nhũng, tỷ lệ thất nghiệp cao và chất lượng dịch vụ công thấp. "Điều chính phủ Iraq cần hiện nay là hướng sự chú ý của dư luận vào sự hiện diện của lính Mỹ tại nước này", Knights nói.
Quốc Hưng (Theo AP)
Ngày đăng: 08:46 | 25/10/2019
/ vnexpress.net