Abdul Mabud Chowdhury, một bác sĩ tiết niệu cấp cao, tử vong vì nhiễm nCoV, sau nhiều tuần khẩn cầu Thủ tướng Anh đảm bảo thiết bị bảo hộ.
Ông Chowdhury qua đời vào sáng 9/4 tại phòng điều trị tích cực, bệnh viện Queen\'s, Romford, London, sau 15 ngày chiến đấu với nCoV, để lại hai con và người vợ vừa kỷ niệm 25 năm ngày cưới. Gia đình Chowdhury cho rằng bác sĩ đã cống hiến cả đời mình để cứu chữa cho những người khác, nhưng cuối cùng lại "bị bỏ rơi bởi hệ thống y tế" Anh.
Bác sĩ Abdul Mabud Chowdhury và vợ. Ảnh: Telegraph |
Ông Chowdhury là người gốc Bangladesh, làm cố vấn về tiết niệu tại bệnh viện Homerton Teaching, phía đông London. Hôm 18/3, ông đăng lên Facebook thông điệp gửi tới Thủ tướng Boris Johnson, đề nghị ông "khẩn trương" cung cấp thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) cho mọi nhân viên y tế ở Anh.
"Xin hãy nhớ rằng chúng tôi có thể là những bác sĩ, y tá, nhân viên chăm sóc sức khoẻ trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân, nhưng chúng tôi cũng là những con người có nhân quyền như bao người khác, để được sống trong thế giới này cùng gia đình và con cái mà không bị bệnh", ông viết. "Chúng tôi phải bảo vệ bản thân và gia đình, con cái trong cuộc khủng hoảng toàn cầu này bằng việc sử dụng các thiết bị bảo hộ và phương pháp điều trị phù hợp".
Ba ngày sau, Chowdhury bắt đầu sốt và nhập viện một tuần sau đó vì khó thở. Tuy nhiên, sau khi chờ tới hai giờ mà xe cấp cứu không tới, vợ ông đành lái xe đưa chồng đến bệnh viện. Ông được các bác sĩ đặt ống thở nhưng bệnh tình diễn tiến ngày càng xấu rồi qua đời.
Mir-Rashed Ahmed, em rể ông, cho rằng lời khẩn cầu của Chowdhury đã bị chính phủ Anh làm ngơ.
"Trước khi chết, Chowdhury từng nói với tôi rằng chính phủ đang ứng phó rất chậm chạp và hệ thống y tế quốc gia đang thực sự gặp khó khăn. Chúng ta có bài học từ Trung Quốc và Italy nhưng đã không nỗ lực hết sức".
Ít nhất 20 nhân viên y tế Anh đã tử vong trong khi chiến đấu với đại dịch. Các nhân viên cảnh sát, điều dưỡng và nhân viên bưu điện cũng chỉ trích chính phủ không đảm bảo an toàn cho những người làm các công việc thiết yếu khi dịch bệnh tiếp tục lây lan.
Một phát ngôn viên của văn phòng Thủ tướng Anh tuyên bố chính phủ "tự tin" rằng đang cung cấp đủ PPE cho tuyến đầu. Khoảng 33 triệu thiết bị bảo hộ đã được chuyển tới 269 tổ chức và cơ quan y tế ở Anh hôm 8/4, nâng tổng số PPE trong tháng qua lên hơn 600 triệu.
"Chúng tôi tự tin rằng nguồn cung ứng đầy đủ đang được chuyển tới tuyến đầu, nhưng nếu có vấn đề về phân phối do nhu cầu tăng cao, chúng ta cần phải giải quyết ngay lập tức", người phát ngôn nói.
Anh hiện ghi nhận hơn 65.000 ca nhiễm, gần 8.000 ca tử vong. Thủ tướng Johnson, 55 tuổi, cũng bị nhiễm nCoV và được rời phòng chăm sóc tích cực hôm 9/4 nhưng vẫn tiếp tục ở lại bệnh viện để theo dõi.
Ngoại trưởng Dominic Raab, người đang thay ông Johnson lãnh đạo chính phủ, cảnh báo số người chết vẫn tăng và dịch chưa đạt đỉnh, do đó lệnh phong tỏa sẽ không thể được dỡ bỏ như dự kiến vào ngày 13/4.
Anh Ngọc (Theo Telegraph)
Hoa hậu Anh về quê làm bác sĩ chống Covid-19
Bhasha Mukherjee - Miss England 2019 - xin hoãn các hoạt động của hoa hậu, về bệnh viện Pilgrim tại Boston chống Covid-19. |
Thủ tướng Ireland trở lại làm bác sĩ để chống dịch COVID-19
Thủ tướng Ireland Leo Varadkar được đào tạo và có trình độ bác sĩ đa khoa trước khi trở thành chính trị gia. |
Xét nghiệm của bác sĩ Mỹ gây xôn xao về khởi nguồn COVID-19
Bác sĩ Mỹ tiết lộ có kháng thể với SARS-CoV-2 đã khuấy động các cuộc thảo luận về khởi nguồn COVID-19 vài ngày qua. |
Ngày đăng: 09:36 | 10/04/2020
/ vnexpress.net