Sau 2 năm lao đao vì dịch COVID-19, bước sang năm 2022, khi các thị trường lớn như Nhật Bản, Đài Loan mở cửa trở lại, cánh cửa cho lao động muốn ra nước ngoài làm việc lại được mở rộng.

Bên cạnh việc cố gắng đưa lao động đã bị kẹt suốt thời gian bị ảnh hưởng của dịch bệnh, các doanh nghiệp hiện cũng đang đẩy mạnh tuyển dụng, đào tạo. Xuất khẩu lao động đang có nhiều tín hiệu khởi sắc, nhộn nhịp trở lại.

Lao động xuất cảnh đang tăng

Theo con số của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), tính đến ngày 15/3 đã có 2.026 lao động xuất cảnh, chủ yếu là các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Như vậy, khi các thị trường này mở cửa trở lại, số lao động Việt Nam xuất cảnh đang tăng lên từng ngày, dự kiến trong thời gian ngắn, sẽ tăng mạnh hơn nữa.

xkla.jpg -0

Các doanh nghiệp cung ứng lao động ra nước ngoài làm việc đang đẩy mạnh tuyển dụng, đào tạo để đáp ứng nhu cầu sau dịch.

Ông Nguyễn Đình Quang, Giám đốc Công ty cung ứng nhân lực Quang Minh cho biết, chỉ sau hơn nửa tháng phía Nhật Bản nới lỏng giãn cách, cho phép lao động và thực tập sinh nước ngoài nhập cảnh, hơn 500 hồ sơ xin visa của người lao động của công ty này đã được duyệt. “Hiện công ty chúng tôi đang tập trung hết nguồn lực để làm sao hoàn thiện hồ sơ cho hơn 1.500 lao động bị kẹt trong thời gian sớm nhất. Các đối tác phía Nhật Bản nhu cầu cũng đang tăng dần nên sắp tới công ty sẽ đẩy mạnh tuyển dụng đào tạo cho thị trường này. Hiện việc chiêu sinh, tuyển dụng ứng viên quan tâm chương trình đi làm việc tại Nhật Bản dần khởi sắc trở lại. Người lao động cũng an tâm hơn khi tìm kiếm cơ hội việc làm, tăng thu nhập sau thời gian ảnh hưởng đại dịch COVID-19 vừa qua”, ông Quang cho biết.

Cũng phấn khởi khi các thị trường xuất khẩu lao động lớn được khơi thông, bà Lê Thị Mỹ Phương, Phó Giám đốc Công ty CP dịch vụ và cung ứng nhân lực Việt Nhật cho hay, đơn vị này cũng đang có 600 thực tập sinh và kỹ sư sắp sang Nhật Bản làm việc trong các lĩnh vực thực phẩm, cơ khí, xây dựng, ôtô, điều dưỡng… Đây là những ngành nghề mà Nhật đang thiếu hụt nhân sự trầm trọng. "Tôi cho rằng, người lao động Việt Nam, đặc biệt là lao động trẻ, nếu công việc chưa ổn định thì ra nước ngoài làm việc tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc là rất tốt. Trước hết vì hiện nay nhu cầu ở các nước này đang rất lớn, người lao động có thể dễ dàng lựa chọn ngành nghề phù hợp với bản thân. Bên cạnh đó, làm việc ở những môi trường này, người lao động cũng sẽ có cơ hội học hỏi kỹ thuật tiên tiến, trải nghiệm môi trường làm việc chuyên nghiệp của các quốc gia phát triển và có mức thu nhập tương xứng”, bà Phương chia sẻ.

Tuyển dụng cũng tăng mạnh

Sau khi tham khảo nhiều nguồn thông tin tuyển dụng thực tập sinh, du học ở nước ngoài từ các công ty, Lê Xuân Ninh (sinh viên năm 2 Trường Cao đẳng Công nghệ) cho biết: “Em thấy có một số ngành nghề ở Nhật rất phù hợp với chuyên ngành mà em đang học. Do đó em cũng muốn có cơ hội để sang đây làm việc, đặc biệt là về ngành điện. Em đang hy vọng, sau khi tốt nghiệp sẽ sớm được xuất cảnh”.

Trong phiên giao dịch việc làm thanh niên vừa diễn ra tại Hà Nội, các doanh nghiệp thông báo tuyển hơn 2.500 chỉ tiêu tuyển dụng xuất khẩu lao động và hơn 800 chỉ tiêu tuyển sinh. Đơn cử như trường hợp Công ty cổ phần thương mại và nhân lực quốc tế MKH có nhu cầu tuyển chọn nhiều thực tập sinh cho thị trường Nhật Bản với 10 ngành nghề, mức lương dự kiến từ 35 - 40 triệu đồng/tháng. Doanh nghiệp này cũng tuyển sinh chương trình lao động, bảo lãnh trực tiếp Canada, thời gian làm việc 8 tiếng, mức lương cơ bản 50 triệu đồng/tháng (đã được trả tiền ăn, nộp tất cả các khoản thuế, bảo hiểm). Theo ông Lê Ngọc Hữu, phụ trách nhân lực công ty, do các nước đang có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn nên nhiều doanh nghiệp trong nước đang tuyển dụng mạnh mẽ lao động ra nước ngoài làm việc. “Chúng tôi đang đặt mục tiêu có thể tuyển dụng, đào tạo và xuất cảnh cho khoảng 1.500 – 1.800 người trong năm nay. Chúng tôi đã trao đổi với các chủ sử dụng lao động bên phía Nhật Bản, và họ đang thực sự cần một lượng lớn lao động”, ông Hữu cho biết.

Để đẩy mạnh công tác đưa lao động ra nước ngoài làm việc, ngay từ đầu năm, ngành LĐ-TB&XH Hà Nội đã thực hiện kế hoạch với mục tiêu trong năm nay sẽ đưa 3.500 lao động xuất cảnh. Bên cạnh đó, tiếp tục có những khảo sát về nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài của người lao động, đồng thời tổ chức các khóa đào tạo cho người lao động có kỹ năng nghề nghiệp và trình độ để cung ứng ngay khi có đơn hàng của Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. “Cho đến thời điểm hiện nay, tín hiệu rất khả quan. Các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đã dần dần mở cửa đón lao động, thực tập sinh. Trước dịch, lực lượng lao động này cũng đã được đào tạo rất bài bản nhưng do dịch chưa đi được, nay tiếp tục tổ chức các khóa đào tạo để cung ứng khi có đơn hàng”, ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết.

Phan Hoạt

Lừa mối xuất khẩu lao động, chiếm đoạt 1,2 tỷ đồng của 4 nạn nhân Lừa mối xuất khẩu lao động, chiếm đoạt 1,2 tỷ đồng của 4 nạn nhân
Xuất khẩu lao động: Một số thị trường đã mở cửa với lao động Việt Nam Xuất khẩu lao động: Một số thị trường đã mở cửa với lao động Việt Nam

Ngày đăng: 08:19 | 27/03/2022

/ cand.com.vn