Mỗi ngày, hàng nghìn chiếc xe hợp đồng “trá hình” chạy tuyến cố định vẫn ngang nhiên “oanh tạc” khắp các tuyến đường trên địa bàn cả nước. Trong khi đó, cơ quan chức năng “bất lực” trong việc kiểm soát. Đâu là nguyên nhân dẫn đến các nhà xe này “lộng hành”, trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước?

xe hop dong tra hinh chay tuyen co dinh nuot tron ca nghin ti dong tien thue

Thành Bưởi đón khách tại công viên Hòa Bình. Ảnh: PV

Kỳ 1: Xe hợp đồng “lách luật”, lộng hành

Trong loạt bài “Luật ngầm xe dù, bến cóc và lợi ích nhóm giữa Thủ đô”, Báo Lao Động đã “chỉ mặt, đặt tên” hàng trăm doanh nghiệp mở bến cóc, chạy xe hợp đồng “trá hình” tuyến cố định. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ ở Hà Nội, mà rất nhiều tỉnh, thành khác, mỗi ngày có hàng nghìn chuyến xe hợp đồng “trá hình” chạy tuyến cố định đang công khai hoạt động, thách thức cơ quan chức năng, nhiều nhất phải kể đến là thành phố Hồ Chí Minh.

“Lách luật” bằng “phiếu thông tin”?

Nhiều ngày rong ruổi trên đất Sài Gòn, nhóm phóng viên chúng tôi nhanh chóng tìm hiểu được những mánh khóe “lách luật” của các “ông lớn” trong ngành vận tải hành khách đường bộ nơi đây.

Chúng tôi vào vai những người có nhu cầu đi lại từ TP. Hồ Chí Minh đến Đà Lạt. Khoảng 19h ngày 10.4.2018, chúng tôi tiếp cận văn phòng Công ty (Cty) TNHH Thành Bưởi (số 266 - 272 Lê Hồng Phong, phường 4, quận 5, TP HCM). Thành Bưởi được cho là một trong những Cty kinh doanh vận chuyển hành khách tuyến Sài Gòn - Đà Lạt lớn nhất TP.Hồ Chí Minh, hầu hết các xe chạy tuyến Sài Gòn - Đà Lạt của Cty này đều là xe giường nằm cao cấp, xuất phát liên tục 24/24h trong ngày.

Tại văn phòng Cty TNHH Thành Bưởi, hoạt động vận chuyển hành khách diễn ra khá quy mô, không khác gì 1 bến xe bình thường. Khách đến, khách đi tấp nập, Cty bố trí điểm chờ đón khách tại văn phòng số 266-272 Lê Hồng Phong tương đối khang trang. Quầy thu thập thông tin khách hàng cũng được bố trí ngay phía ngoài văn phòng để cho khách tiện liên hệ, lực lượng nhân viên tại đây lên đến cả chục người, xe đến xe đi liên tục.

Chúng tôi hỏi mua vé lên Đà Lạt (Lâm Đồng) chuyến sớm nhất, 1 nhân viên nhanh nhẹn hỏi thông tin tên tuổi, năm sinh, sau đó, cấp cho chúng tôi 1 “phiếu thông tin” với các thông số về biển số xe, ngày giờ xe chạy. Khi được hỏi, sao không cấp vé xe luôn thì người này giải thích “Cty không thể cấp vé xe được, đây chỉ là phiếu thông tin, nếu cấp vé xe thì các cơ quan chức năng sẽ xử lý, anh thông cảm…”

Giải đáp thắc mắc về việc chúng tôi là công chức nhà nước, đi lại phải lấy vé xe về thanh toán với cơ quan, nhân viên này hướng dẫn, “anh có mã số thuế cá nhân thì để lại, chúng tôi sẽ làm hóa đơn cho”. Nói khó về việc không nhớ mã số thuế cá nhân, người này tiếp tục: “Anh cầm phiếu thông tin này vào phía trong để lấy hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT)”.

Chúng tôi vào quầy bên trong cách đó chừng mười mét. Đưa phiếu thông tin cho 1 nhân viên khác ở đây, người này hỏi: “Anh cho xin địa chỉ cơ quan”’. Nói khó về việc không muốn dây dưa đến cơ quan, chúng tôi mong lấy hóa đơn với địa chỉ của gia đình, nhân viên này cũng đồng ý, viết hóa đơn GTGT cho người mua hàng là N.T.D (Họ tên được PV thay đổi), địa chỉ tại Ngô Quyền (Hải Phòng), với tiền hàng 190,909 đồng, tiền thuế là 19,091 đồng, tổng cộng là 210 nghìn đồng chẵn.Tiếp tục thắc mắc, tại sao xuất hóa đơn GTGT cho chúng tôi mà không thu tiền, nhỡ chúng tôi không đi thì sao, nhân viên này chỉ cười và không trả lời...

Như chúng tôi thấy, tại văn phòng Cty TNHH Thành Bưởi, rất đông hành khách có nhu cầu đi tuyến Đà Lạt, Cần Thơ nhưng hầu hết đều không lấy hóa đơn GTGT. Khi vào văn phòng Thành Bưởi, họ đều được cấp duy nhất 1 “phiếu thông tin, sau đó lên các xe chung chuyển của nhà xe này rồi di chuyển ra “bến cóc” ở công viên Hòa Bình và đường Trần Phú, Hùng Vương để xếp khách.

xe hop dong tra hinh chay tuyen co dinh nuot tron ca nghin ti dong tien thue
Thành bưởi đón khách ngay trước cửa văn phòng.

Thu tiền ngay trên xe

Với 1 phiếu thông tin trên tay, nhóm PV Báo Lao Động được nhân viên Cty TNHH Thành Bưởi dẫn lên xe chung chuyển BKS: 51B - 238.77. Chiếc xe bắt đầu lăn bánh từ đường Lê Hồng Phong, rồi rẽ vào đường Hùng Vương, qua đường Trần Nhân Tông, sau đó dừng lại tại 1 “bến cóc” nằm ngay trên đường Trần Phú. Nhân viên nhà xe nhanh chóng khuân vác, xắp xếp hàng hóa từ xe chung chuyển về xe khách giường nằm BKS: 51B - 194.27. Các hành khách cũng lần lượt lên xe, phía trên, 1 nam nhân viên nhiệt tình chỉ dẫn khách vào các giường được ghi sẵn trên phiếu.

Khi đã đủ khách, chiếc xe bắt đầu xuất phát. Xuôi theo đường Trần Hưng Đạo, qua quận 1 rồi đến Trần Đình Xu, ra đường Võ Văn Kiệt, sau đó sang đường Điện Biên Phủ. Tại đây, chiếc xe tiếp tục dừng lại tại văn phòng ở số 630 Điện Biên Phủ (phường 22, quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh), để xếp khách rồi di chuyển ra đường cao tốc đi Đà Lạt.

Vừa vào đường cao tốc, phụ xe bắt đầu thu tiền của khách. Giá vé chuyến đi được thông báo rõ ràng, nếu hành khách đi Đà Lạt thì giá vé là 210 nghìn đồng/ người. Đưa tấm hóa đơn GTGT đã mua hàng ra “chúng tôi đã nộp tiền rồi, có cả hóa đơn GTGT”, phụ xe trả lời: “Anh thông cảm, chúng em bắt buộc phải làm vậy để tránh lực lượng chức năng kiểm tra, anh thanh toán tiền xe với em”. Chúng tôi tiếp tục thắc mắc, tại sao phải thu “phiếu thông tin” của khách lại, phụ xe ấp úng “Phiếu thông tin chúng em còn phải nộp về Cty, anh cho em xin… “

Không làm khó phụ xe, chúng tôi tiếp tục hành trình lên Đà Lạt.

Mặc dù xe 51B - 194.27 được cấp phù hiệu xe hợp đồng. Tuy nhiên, chiếc xe này vận chuyển hành khách Sài Gòn - Đà Lạt theo hình thức xe chạy tuyến cố định. Xe vừa chạy, vừa dừng nghỉ dọc đường, đến khu vực Ninh Hòa (Ninh Gia, Đức Trọng, Lâm Đồng) thì bất ngờ dừng lại trả khách, được khoảng vài trăm mét thì tiếp tục bắt khách dọc đường, 1 phụ nữ khoảng 60 tuổi lên xe, phụ xe nhanh chóng xuống thu tiền với giá 90 nghìn đồng.

Đến Đà Lạt, chiếc xe liên tục trả khách dọc đường, ai có nhu cầu xuống khu vực nào đều được lái xe đáp ứng. Những hành khách không có nhu cầu thì được vận chuyển về thẳng văn phòng Cty THNN Thành Bưởi tại Đà Lạt (số 6 Lữ Gia, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), sau đó, nhà xe sẽ bố trí xe chung chuyển về các điểm trong thành phố. Khi đến văn phòng Cty TNHH Thành Bưởi tại Đà Lạt, chiếc xe BKS: 51B - 194.27 chạy hợp đồng chở theo nhóm khách PV Báo Lao Động chỉ còn vài người. Trong khi đó, từ Sài Gòn lên, chiếc xe này gần như kín ghế…

xe hop dong tra hinh chay tuyen co dinh nuot tron ca nghin ti dong tien thue
Nhân viên Thành Bưởi giải thích việc “phiếu thông tin” cho khách. Ảnh: PV

Khách lẻ ký hợp đồng thuê cả chuyến

Để hiểu rõ hơn về cách “lách luật” xe hợp đồng “trá hình” chạy tuyến cố định, PV Báo Lao Động tiếp tục đi sâu tìm hiểu phương thức hoạt động của nhà xe Thành Bưởi. Chỉ vài giờ sau khi đến Đà Lạt, chúng tôi quyết định bắt 1 chuyến xe của Cty TNHH Thành Bưởi theo chiều ngược lại. Sau khi gọi điện thoại đến số 19001095 của Cty Thành Bưởi, 1 người phụ nữ ở đầu dây nhấc máy hỏi khách muốn đi chuyến mấy giờ. Khách thắc mắc khung giờ thì người này trả lời: “Cứ 30 phút 1 chuyến, anh đi chuyến nào cũng được”. Nhận lời đi chuyến sớm nhất, người này cho biết, anh đứng chờ chỗ bưu điện TP.Đà Lạt, khoảng 10 phút nữa sẽ có xe chung chuyển đến đón.

Chỉ sau ít phút, chúng tôi đã được xe chung chuyển Thành Bưởi đến đón về văn phòng tại số 6 Lữ Gia (Phường 9, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng). Tại đây, chúng tôi tiếp tục mua vé tại quầy, việc lấy hóa đơn và các thông số hóa đơn cũng tương tự. Duy chỉ có, trên hóa đơn không có địa chỉ người mua hàng mà duy nhất là tên đơn vị Cty T.H.P chi nhánh Hải Phòng. Sau khi lấy xong “phiếu thông tin” và hóa đơn, chúng tôi trở ra ghế ngồi chờ xe xuất phát, bỗng dưng 1 nữ nhân viên ở đây nhanh nhảu cầm trên tay cây bút và 1 hợp đồng vận chuyển hành khách trong đó nội dung đã được ghi sẵn toàn bộ, nhờ tôi ký giùm hợp đồng. Thắc mắc, “nhà xe mình ngày nào cũng chạy tuyến này, cần gì phải ký hợp đồng”, nhân viên này cho biết: “ Anh cứ ký giúp em, xe em là xe hợp đồng, nếu không kỹ hợp đồng khi bị bắt không có gì trình công an”. Nghe chúng tôi nói “chúng tôi đi có hóa đơn GTGT đàng hoàng, đóng tiền đàng hoàng, sợ gì công an”, 1 nam nhân viên in hóa đơn GTGT giải thích, “chúng tôi là xe hợp đồng, chạy cố định tuyến này (Sài Gòn đi Đà Lạt - PV), nếu không “lách luật” kiểu đó thì sẽ bị xử lý ngay (!?).

Lấy lý do ký hợp đồng thuê xe, nếu xảy ra tai nạn sẽ phải chịu trách nhiệm, chúng tôi từ chối khéo nhân viên này. Ngay sau đó, người này cầm bản hợp đồng thuê xe lên xe BKS: 51B - 206.98 nhờ 1 người phụ nữ ở ghế nằm đầu tiên ký hộ. Sau giây phút nghi ngại không muốn ký, nhưng được nữ nhân viên này vận động nói đó chỉ là thủ tục thì người phụ nữ này cũng “nhắm mắt làm ngơ” ký đại hợp đồng. Chuyến xe di chuyển lúc 9h ngày 10.4 với gần 20 hành khách. Tuy nhiên suốt dọc đường, xe này liên tục dừng đỗ đón trả khách, khi về văn phòng số 630 Điện Biên Phủ (phường 22, quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh), trên xe có trên 30 hành khách.

Hơn 1 tháng rong ruổi liên tục như vậy, chúng tôi nhận thấy, vào ban ngày, cứ 30 phút lại 1 chuyến xe Thành Bưởi xuất phát từ TP.Hồ Chí Minh đi Đà Lạt. Còn vào buổi tối, hiệu xuất xe tăng đột biến, cứ đầy khách là nhà xe xuất phát ngay. Riêng khoảng 10h đêm trở ra, Thành Bưởi không cần xếp khách tại các bến cóc trên đường Hùng Vương, Trần Phú, Công viên Hòa Bình… mà trực tiếp xếp khách ngay trước cửa văn phòng công ty.

Vì sao Thành Bưởi ngang nhiên lộng hành? Ngoài Thành Bưởi còn doanh nghiệp nào cũng ngang nhiên như vậy, mời đọc giả đọc tiếp kỳ sau…

(Còn tiếp)

xe hop dong tra hinh chay tuyen co dinh nuot tron ca nghin ti dong tien thue Bộ Tư pháp lên tiếng về quy định cấm dịch vụ đi chung xe

Bộ Tư pháp cho rằng, việc quy định cấm dịch vụ đi chung xe đối với xe hợp đồng là bất hợp lý.

xe hop dong tra hinh chay tuyen co dinh nuot tron ca nghin ti dong tien thue Hàng loạt biển báo dùng nylon bịt kín đã bị gỡ bỏ

Hai ngày qua, biển báo trên nhiều tuyến phố Hà Nội bất ngờ bị che kín bằng giấy, bạt kẻ, nilon. Hầu hết những biến ...

Ngày đăng: 08:16 | 11/05/2018

/ https://laodong.vn