Các chuyên gia của WHO nhận thấy không có sự khác biệt về mức độ gây bệnh nghiêm trọng giữa biến thể BA.1 và BA.2 (hay còn gọi là "Omicron tàng hình").

Thông tin này được WHO đưa ra trên website chính thức ngày 22/2, sau khi nhóm Cố vấn kỹ thuật của tổ chức này thảo luận về các bằng chứng mới nhất liên quan biến chủng Omicron và hai dòng phụ BA.1, BA.2.

Dựa trên dữ liệu có sẵn về lây truyền, mức độ nghiêm trọng, tái nhiễm, chẩn đoán, điều trị và tác động của vaccine, nhóm chuyên gia khẳng định BA.2 nên tiếp tục được xem là biến chủng cần quan tâm và là chủng phụ của Omicron, không phải biến chủng mới. Họ cũng nhấn mạnh BA.2 cần tiếp tục được các cơ quan y tế công giám sát như dòng phụ của Omicron.

Trưởng nhóm khoa học WHO, bà Maria Van Kerkhove, ngày 22/2, cho biết: "Chúng tôi không thấy mức độ nghiêm trọng của BA.2 khác biệt so với BA.1 (phiên bản gốc của Omicron). Chúng gây triệu chứng và nguy cơ nhập viện tương đương nhau. Thông tin này thực sự quan trọng, bởi ở một số quốc gia, cả BA.1 và BA.2 đều lây nhiễm mạnh".

Bà Van Kerkhove nhấn mạnh đánh giá này thực sự quan trọng vì tại nhiều quốc gia, số ca nhiễm BA.1 và BA.2 đều đã tăng lên đáng kể. Đây là kết quả đánh giá của một ủy ban chuyên gia phụ trách giám sát sự tiến hóa của virus SARS-CoV-2.

Kết luận trên của các chuyên gia WHO được cho là có tác dụng trấn an đối với các nước như Đan Mạch, nơi phiên bản BA.2 của biến thể Omicron đang lây lan nhanh chóng.

Biến chủng Omicron hiện là chủng lây lan mạnh trên toàn cầu, chiếm đa số trong các giải trình tự gene được báo cáo cho GISAID. Omicron có một số dòng phụ và WHO đều đang giám sát chúng.

Trong đó, phổ biến nhất là BA.1, BA.1.1 (Nextstrain clade 21K) và BA.2 (Nextstrain clade 21L). Ở cấp độ toàn cầu, giải trình tự gene cho thấy tỷ lệ nhiễm của BA.2 tăng so với BA.1 trong những tuần gần đây.

BA.2 khác với BA.1 ở một số trình tự di truyền như axit amin trong protein Spike S. BA.2 còn được gọi là "Omicron tàng hình". Bởi nó thiếu một thay đổi di truyền cụ thể vốn cho phép các xét nghiệm rRT-PCR có những chỉ dấu ban đầu.

Trước đó, WHO cho biết BA.2 dễ lây truyền hơn BA.1. Tổ chức kêu gọi thực hiện thêm nhiều nghiên cứu sâu rộng để tìm hiểu về biến chủng phụ này. Dựa trên dữ liệu sẵn có về khả năng lây lan, mức độ nghiêm trọng, tỷ lệ tái nhiễm, tác động lên vaccine và điều trị, WHO cho rằng BA.2 nên tiếp tục được phân loại vào nhóm biến chủng gây lo ngại như Omicron.

Ngày 16/2, các nhà khoa học Nhật Bản công bố nghiên cứu trong phòng thí nghiệm trên chuột cho thấy BA.2 có thể gây ra triệu chứng nặng hơn so với Delta. Theo nhóm nghiên cứu, giống với Omicron, BA.2 có khả năng trốn tránh miễn dịch do vaccine tạo ra. Tuy nhiên, tiêm liều tăng cường có thể phục hồi lượng kháng thể, làm giảm 74% nguy cơ chuyển nặng sau nhiễm BA.2. Ngoài ra, BA.2 cũng kháng một số phương pháp điều trị, bao gồm thuốc sotrovimab, kháng thể đơn dòng.

PV (th)

Cả nước ghi nhận 47.192 ca Covid-19 trong ngày 20-2, thêm 5 trường hợp nhiễm Omicron Cả nước ghi nhận 47.192 ca Covid-19 trong ngày 20-2, thêm 5 trường hợp nhiễm Omicron
Chuyên gia khuyến cáo giám sát chặt biến thể “Omicron tàng hình" Chuyên gia khuyến cáo giám sát chặt biến thể “Omicron tàng hình"
Giám sát các trường hợp nghi nhiễm biến chủng Omicron Giám sát các trường hợp nghi nhiễm biến chủng Omicron

Ngày đăng: 16:21 | 23/02/2022

/ Nghề nghiệp và cuộc sống