Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Nga khẳng định COVID-19 không thể biến mất hoàn toàn mà nó sẽ trở thành một căn bệnh đặc hữu.
"COVID-19 đang trên đà trở thành một bệnh đặc hữu. Điều đó có nghĩa là nó sẽ không biến mất, nhưng chúng ta đã học được cách điều trị và bảo vệ bản thân", TASS ngày 16/1 dẫn lời Đại diện WHO tại Nga, bà Melita Vujnovic phát biểu trong một cuộc phỏng vấn.
Theo quan chức WHO, các quốc gia lúc này cần thực hiện các giải pháp "ngăn chặn đà lây nhiễm, giảm lượng người bị ảnh hưởng", nếu không, "các biến chủng mới sẽ xuất hiện và gây ra những tác động theo hướng không thể đoán định".
Bình luận về Omicron, bà Vujnovic nói rằng biến chủng này ít gây tác động nghiêm trọng hơn với người nhiễm so với các chủng trước đây, nhưng mọi người không nên xem nhẹ dịch bệnh, bởi Omicron vẫn có thể khiến người nhiễm tử vong.
"Ngoài tiêm phòng, mọi người cần tuân thủ các biện pháp bảo vệ khác: đeo khẩu trang và đổi khẩu trang theo khoảng thời gian khuyến cáo, thông gió trong các phòng và tránh tập trung đông người trong không gian hẹp. Điều này rất quan trọng", bà Vujnovic nói thêm.
Omicron được phát hiện lần đầu ở miền Nam châu Phi tháng 11/2021. Kết quả giải trình tự gen cho thấy nó chứa tới hơn 50 đột biến, trong đó hơn 30 đột biến gắn trên protein gai - cấu trúc có thể tác động đến khả năng lây lan, né miễn dịch của virus. WHO xếp Omicron vào nhóm biến chủng "đáng lo ngại".
Sự xuất hiện của Omicron đã khiến số ca nhiễm mới COVID-19 gia tăng chóng mặt trên toàn cầu. Ông Konstantin Chumakov, Giám đốc một cơ quan theo dõi virus gây bệnh của Nga, nói rằng tỷ lệ tử vong của người nhiễm Omicron là khoảng 0,1%.
Thái Hà
WHO tiếp tục cảnh báo về biến chủng Omicron |
WHO: Tiêm liều vaccine nhắc lại liên tục không phải chiến lược khả thi |
Ngày đăng: 10:18 | 17/01/2022
/ cand.com.vn