Khi hoàng tử Faisal của Arab Saudi cùng vợ đi nghỉ dưỡng ba tháng, Kriangkrai Techamong, người dọn dẹp tới từ Thái Lan, biết rằng thời cơ đã đến. 

Bất chấp tội ăn trộm tại Arab Saudi có thể bị phạt chặt tay, Kriangkrai vẫn liều lĩnh lên kế hoạch đánh cắp hàng chục viên đá quý và trang sức thuộc sở hữu của hoàng tử Faisal, con trai cả của cố vương Fahd vào năm 1989.

Nhờ công việc dọn dẹp, Kriangkrai nắm rõ mọi ngóc ngách trong cung điện của Faisal, đồng thời phát hiện ba trong số 4 két chứa đồ trang sức của hoàng tử thường xuyên không khóa. Tại thời điểm đó, người đàn ông Thái Lan đang khốn đốn với khoản nợ do đánh bạc với các nhân viên khác trong cung điện. Sự sơ suất của hoàng tử Faisal giống như "cơ hội vàng" giúp Kriangkrai trốn khỏi Arab Saudi.

Kriangkrai Techamong tại căn nhà ông đang sống ở phía tây bắc Thái Lan. Ảnh: BBC.

Một buổi tối, Kriangkrai kiếm cớ vào cung điện, đợi cho đến khi các nhân viên khác rời đi rồi lẻn vào phòng ngủ của chủ nhân mình. Ông lấy trộm một số trang sức, dùng băng dính gắn chúng lên người, đồng thời giấu các viên đá quý bên trong dụng cụ dọn dẹp. Số chiến lợi phẩm nặng gần 30 kg và trị giá khoảng 20 triệu USD, trong đó có nhiều đồng hồ vàng và một số viên hồng ngọc cỡ lớn.

Đêm hôm đó, Kriangkrai mang trang sức và đá quý giấu khắp cung điện, ở những nơi ông biết chúng sẽ không bị phát hiện. Hơn một tháng sau, Kriangkrai chuyển số tài sản này lên một chuyến hàng lớn để đưa tới Thái Lan. Khi vụ trộm bị phát hiện, Kriangkrai đang trên đường trở về quê nhà. Ông khởi hành sau chuyến hàng vài ngày.

Kriangkrai vẫn phải đối mặt với thách thức trong việc đưa số tài sản đánh cắp qua cửa hải quan, bởi tất cả mặt hàng nhập từ nước ngoài đều được kiểm tra. Tuy nhiên, Kriangkrai cho rằng các quan chức Thái Lan khó có thể từ chối hối lộ, nên đã đặt một phong bì tiền cùng mẩu giấy ghi chú trong lô hàng của mình. Tờ giấy viết rằng bên trong thùng hàng là văn hóa phẩm đồi trụy nên ông không muốn nó bị lục soát.

Kriangkrai giữ lại một ít đá quý và trang sức, phần còn lại mang bán. Tất cả chúng cuối cùng đều bị cảnh sát Thái Lan thu hồi và đưa về Riyadh. Tuy nhiên, giới chức Arab Saudi cho biết 80% số trang sức và đá quý đã biến mất, trong khi nhiều món được gửi về là đồ giả. Những bức ảnh lan truyền sau đó cho thấy vợ của một quan chức cấp cao Thái Lan đeo chiếc vòng cổ rất giống với một trong những món đồ mất tích.

Đáng chú ý nhất trong số các báu vật bị mất là viên kim cương xanh da trời quý hiếm, nặng 50 carat và có kích thước bằng một quả trứng. Cứ khoảng 10.000 viên kim cương sẽ có một viên mang màu đặc trưng và chỉ vài viên có sắc xanh da trời. Vì vậy, nó thuộc loại quý hiếm và đắt đỏ nhất thế giới. Nhiều kim cương xanh hiện nay tới từ mỏ Cullinan gần thành phố Pretoria của Nam Phi, nhưng chưa rõ nguồn gốc của viên kim cương mất tích và không có hình ảnh nào của nó.

Kriangkrai bị tuyên án 5 năm tù, sau đó giảm xuống còn hai năm 7 tháng do ông đã nhận tội. Trong khi đó, Arab Saudi tiếp tục truy tìm tung tích số trang sức biến mất, đặc biệt là viên kim cương xanh. Tuy nhiên, những sự cố đẫm máu đã xảy ra trong quá trình điều tra.

Cảnh sát Thái Lan trưng bày một số trang sức thu hồi được từ vụ trộm ở Arab Saudi năm 1989. Ảnh: Khaosod.

Hồi tháng 2/1990, hai quan chức phụ trách visa tại đại sứ quán Arab Saudi ở Bangkok thiệt mạng sau khi bị các tay súng tấn công trong lúc di chuyển tới cơ quan. Gần như cùng lúc, một tay súng khác xông vào căn hộ của đồng nghiệp hai nạn nhân và bắn chết người này.

Vài tuần sau, doanh nhân Mohammad al-Ruwaili, một người thân cận với Hoàng gia Arab Saudi và chịu trách nhiệm môi giới cho người Thái sang làm việc tại nước này, được phái tới Bangkok để điều tra về số tài sản mất tích. Tuy nhiên, ông đã bị bắt cóc. Hầu hết ý kiến cho rằng ông bị ám sát, nhưng tới nay vẫn chưa tìm thấy thi thể. 

Riyadh đã hạ cấp quan hệ với Bangkok sau các vụ trộm và giết người. Hồi tháng 6/1990, Arab Saudi quyết định ngừng gia hạn visa cho hơn 250.000 người lao động Thái Lan tại đây và không cấp thêm visa loại này, đồng thời cấm công dân sang Thái Lan du lịch. Động thái này khiến số người lao động Thái Lan tại Arab Saudi giảm xuống còn 15.000, làm mất hàng tỷ USD từ nguồn kiều hối đưa về Thái Lan mỗi năm. Quan hệ giữa hai nước tới nay vẫn chưa có tiến triển đáng kể.

Mohammed Said Khoja, nhà ngoại giao Arab Saudi với 35 năm kinh nghiệm, được cử tới Bangkok ngay sau khi vụ trộm xảy ra để giám sát quá trình điều tra. Quan chức nổi tiếng cứng rắn này công khai cáo buộc cảnh sát Thái Lan đánh cắp số trang sức và đá quý bị thu hồi, sau đó giết các doanh nhân và nhà ngoại giao Arab Saudi để che giấu hành vi tham ô của mình. Ông cho rằng các nạn nhân bị ám sát do phát hiện ra thông tin nhạy cảm về vụ trộm.

"Lực lượng cảnh sát Thái Lan lấn át cả chính phủ. Tôi quyết định ở lại đây lâu hơn bởi cảm thấy như mình đang chiến đấu chống lại quỷ dữ", Khoja trả lời New York Times hồi tháng 9/1994. Ông còn thực hiện nhiều bài phỏng vấn tương tự trong khoảng thời gian này.

Dưới áp lực ngày càng tăng từ phía Arab Saudi, Thái Lan đã cố tìm cách giải quyết tình hình. Họ xác định một người buôn ngọc được cho là chịu trách nhiệm cất giấu số tài sản Kriangkrai mang về, nhưng đã bán chúng đi và thay thế bằng đồ giả. Người đàn ông này trở thành nhân chứng quan trọng trong vụ án.

Tuy nhiên vào tháng 7/1994, vợ và con trai của ông biến mất. Thi thể của họ được tìm thấy trong một ôtô ở ngoại ô Bangkok với những vết chấn thương do bị tấn công. Trong khi đó, báo cáo pháp y cho biết họ thiệt mạng bởi chiếc ôtô bị xe tải cỡ lớn đâm vào. "Cơ quan pháp y nghĩ rằng chúng tôi ngu ngốc. Đây không phải tai nạn. Họ muốn che đậy sự việc", Khoja phát biểu trong một cuộc họp báo.

Quan chức Arab Saudi đã chính xác. Kết quả điều tra sau đó cho thấy cảnh sát chịu trách nhiệm tìm kiếm số trang sức và đá quý mất tích đã biển thủ một số món, đe dọa người buôn ngọc và sát hại vợ con ông. Chalor Kerdthes, người dẫn đầu cuộc tìm kiếm tài sản của hoàng tử Faisal, phải ngồi tù 20 năm.

Kriangkrai hiện sống trong căn nhà nhỏ ở phía tây bắc Thái Lan. 28 năm sau khi ra tù và 30 năm kể từ vụ trộm, ông vẫn không khỏi lo lắng. "Những gì xảy ra giống như cơn ác mộng đối với tôi", Kriangkrai trả lời BBC. Trước đó, người đàn ông này liên tục hỏi phóng viên rằng họ có phải cảnh sát hay không.

"Sau khi bị bắt, tôi cảm thấy mình như mất trí, lúc nào cũng hoảng loạn và hoang tưởng bởi mọi thứ xung quanh. Tôi nghĩ rằng mình sẽ không sống nổi và có nhiều người muốn tôi biến mất, hoặc giết tôi. Tôi không thể ngủ được chút nào suốt một tuần", Kriangkrai kể lại. Thậm chí sau khoảng thời gian dài, ông vẫn sợ bị giết vì chuyện từng gây ra.

Kriangkrai không ngờ tội lỗi của mình lại trở nên nghiêm trọng đến vậy. Ông biết số tài sản rất đắt đỏ, nhưng không ý thức được đầy đủ giá trị các báu vật cho tới khi ra tù. "Khi bị cảnh sát phát hiện, tôi chọn cách không phản kháng và đầu hàng. Tôi cũng trả lại các viên ngọc và giúp lấy lại những món đồ tôi đã bán", Kriangkrai nói.

Ngay sau khi ra tù, Kriangkrai đã đổi họ để tránh làm xấu hổ con trai mình, nhưng vẫn không thoát khỏi cảm giác tội lỗi. Ông cho biết cuộc sống sau khi mãn hạn tù "đầy rẫy những việc đen đủi và đáng thất vọng". Vì vậy, ông quyết định đi tu vào tháng 3/2016.

"Tôi muốn đi tu cả đời để xóa bỏ lời nguyền của viên kim cương Arab Saudi, đồng thời đóng góp công đức cho những người chịu ảnh hưởng bởi nghiệp chướng của tôi, cũng như những người ra đi trong quá khứ. Tôi muốn mọi người tha thứ cho những điều tôi đã làm", Kriangkrai phát biểu trong buổi lễ tấn phong của mình.

Chalor Kerdthes cũng có mặt tại buổi lễ này. Trong thời gian ở tù, cựu cảnh sát vẫn nhiều lần khẳng định mình vô tội, truyền thông Thái Lan đưa tin. Sau khi được thả, ông cũng xuất gia nhưng chỉ đi tu trong thời gian ngắn.

Cựu cảnh sát Chalor Kerdthes (giữa) trong khoảng thời gian đi tu. Ảnh: Matichon.

Chỉ có Kerdthes và Kriangkrai bị bỏ tù do liên quan tới vụ trộm trang sức và đá quý ở cung điện Arab Saudi, hay còn được gọi là vụ án Kim cương Xanh. Hồi tháng 3, Tòa án Tối cao Thái Lan đã tuyên trắng án cho 5 cựu cảnh sát bị cáo buộc bắt cóc doanh nhân Mohammad al-Ruwaili với lý do thiếu bằng chứng. 5 người này từng bị nghi tiến hành ép cung al-Ruwaili về vấn đề cung cấp lao động Thái Lan, sau đó giết ông và đốt xác tại một đồn điền ở tỉnh Chon Buri để giấu tội.

Trong thời gian sống tại tu viện, Kriangkrai vẫn không vượt qua được quá khứ và trở về cuộc sống bình thường sau ba năm. Viên kim cương xanh cũng chưa được tìm thấy. "Tôi không thể làm sư cả đời bởi gia đình cần tôi", Kriangkrai giải thích. Người đàn ông 61 tuổi làm bất cứ việc gì để có thể kiếm tiền, như làm nông, trông nom cánh đồng.

"Giờ đây tôi sống một cuộc đời đơn giản tại vùng nông thôn. Tôi không có nhiều tiền, chỉ đủ sống và nuôi gia đình. Tôi cho rằng đây chính là hạnh phúc thực sự đối với mình", Kriangkrai nói khi ngồi trong căn nhà gỗ.  

Ánh Ngọc (Theo BBC, Bangkok Post)

Vụ trộm trà từng làm chao đảo kinh tế Trung Quốc

Cạo đầu, đeo tóc giả và giả vờ mình là thương nhân Trung Quốc, nhà thực vật học Anh Robert Fortune trộm hạt giống chè ...

Trang sức bị trộm trong Tháp Trump

Trang sức trị giá hơn 350.000 USD bị trộm từ hai căn hộ trong Tháp Trump ở New York, nhưng không có dấu hiệu đột ...

Ngày đăng: 10:15 | 29/09/2019

/ vnexpress.net