Không nhiều người nghĩ rằng các chương trình vũ khí của Triều Tiên lại tiến triển mạnh như thế trong năm 2017. Thế năm 2018 sẽ ra sao? Nếu không bị gián đoạn, các chuyên gia cho rằng chương trình vũ khí của Triều Tiên sẽ còn tiến triển mạnh hơn nữa.
Vài năm trước, nhiều người vẫn xem chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên chỉ là trò đùa và chẳng thể đe dọa đến Mỹ, nhất là sau các vụ phóng tên lửa thất bại, những vụ lộn xộn và các thông tin giả…
Thế nhưng trong năm 2017, chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên không còn là chuyện đùa nữa. Sự theo đuổi dai dẳng của Bình Nhưỡng đối với tên lửa đạn đạo và công nghệ vũ khí hạt nhân đã khiến người ta bàn luận thật sự nghiêm túc về nguy cơ của một cuộc xung đột thảm họa giữa Mỹ và Triều Tiên.
Sự thay đổi này không phải do số vụ thử tên lửa và vũ khí của Triều Tiên tăng đột biến hay do thay đổi gì đó trong lập trường của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Số liệu của các nhà nghiên cứu cho thấy số vụ thử vũ khí của Triều Tiên trong năm 2017 cũng chỉ tương đương với con số thống kê năm 2016 và những luận điệu đe dọa của Triều Tiên đối với Mỹ cũng chỉ ở mức tương đương.
Triều Tiên đã thực hiện ít nhất 20 vụ phóng thử tên lửa đạn đạo và 1 vụ thử bom hạt nhân trong năm 2017. Ảnh tư liệu NDTV
Trên cơ sở thử nghiệm hàng thập kỷ, Triều Tiên đã đạt được những thành tựu công nghệ đáng chú ý trong năm qua bất chấp việc bị cô lập về ngoại giao và kinh tế. Chỉ trong một vài tháng, Bình Nhưỡng đã tiến hành các cuộc thử nghiệm cho thấy họ đã nâng tầm bắn của tên lửa đạn đạo, tăng uy lực của vũ khí hạt nhân và đạt được những tiến bộ khác gây sốc cho các nhà quan sát.
Thử bom uy lực mạnh kỷ lục
Trong năm 2017, Triều Tiên chỉ thực hiện một vụ thử vũ khí hạt nhân (so với con số 2 vụ năm 2016). Tuy nhiên, quy mô và uy lực của quả bom nhiệt hạch mà Triều Tiên mang ra thử hôm 3-9 vượt xa tất cả những thử nghiệm trước đó. Nhiều chuyên gia nhất trí rằng đương lượng nổ (năng lượng giải phóng từ vụ nổ) của quả bom đạt ít nhất 140 kiloton - một số nhà phân tích có tiếng còn quả quyết lên đến 250 kiloton.
Nếu con số 250 kiloton là đúng, điều đó đồng nghĩa với việc Triều Tiên đang sở hữu một quả bom mạnh gấp 17 lần quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshima - Nhật Bản năm 1945. Trước đó, vũ khí hạt nhân mạnh nhất mà Triều Tiên từng thử có đương lượng nổ chỉ khoảng 10-20 kiloton.
Ông David Wright, đồng giám đốc chương trình an ninh toàn cầu tại Ủy ban các nhà Khoa học Quan tâm, cho biết ông tin rằng quả bom Triều Tiên kích nổ hôm 3-9 đúng thật là một quả bom nhiệt hạch (bom H). Điều đó cho thấy Triều Tiên đã không nói dối khi tuyên bố họ đã chế tạo được một thiết bị nhiệt hạch hai giai đoạn ngay trước cuộc thử nghiệm này. Nếu đúng thật như vậy, Triều Tiên hiện đã làm chủ được công nghệ hạt nhân phức tạp vốn đã có mặt trong kho vũ khí của Mỹ và Liên Xô từ những năm 1950.
Một quả bom nhiệt hạch với đương lượng nổ như vậy sẽ tăng gấp bội sức phá hủy nếu ném xuống một thành phố. Điều đó nghĩa là tên lửa Triều Tiên không cần phải quá chính xác nữa bởi nếu sử dụng trên thực tế thì chỉ uy lực của vụ nổ bom H thôi cũng đã đủ gây thiệt hại rồi.
Nâng tầm bắn của tên lửa đạn đạo
Tuy chỉ thực hiện một vụ thử bom hạt nhân trong năm 2017 nhưng Triều Tiên cũng đã thực hiện ít nhất 20 vụ phóng thử tên lửa đạn đạo.
Thống kê các vụ thử bom hạt nhân và phóng tên lửa của Triều Tiên trong năm 2017. Ảnh: Washington Post
Hồi tháng 7, một số chuyên gia đã cảnh báo rằng tên lửa tầm xa của Triều Tiên gần giống với tên lửa liên lục địa, tức có tầm bắn hơn 3.400 dặm (5.472 km). Những nỗi lo này đã được xác nhận sau khi Triều Tiên thử tên lửa Hwasong-15 hôm 28-11. Tên lửa khổng lồ này bay xa 950 km trong vòng 54 phút, đạt độ cao gần 4500 km và có tầm bắn hơn 13.000 km, tức có thể bao gồm toàn bộ nước Mỹ. Đây là một tiến bộ đáng gờm bởi trước đó tên lửa đạn đạo tầm xa nhất của Triều Tiên chỉ có tầm bắn khoảng 4.000 km.
Hiện vẫn chưa rõ Triều Tiên đã chế tạo được một thiết bị nổ nhiệt hạch đủ nhỏ để nhét vừa đầu đạn của loại tên lửa mới này hay chưa nhưng nhiều ý kiến nhận định rằng dù chưa có đi nữa thì Triều Tiên cũng sẽ sớm làm được điều này.
Thử nghiệm thêm nhiều loại tên lửa mới
Chương trình tên lửa của Triều Tiên đã được tiến hành cả thập kỷ qua nhưng riêng trong năm 2017, các chuyên gia thật sự bị "sốc" trước số lượng các loại tên lửa mới mà Triều Tiên công bố. Ông Shea Cotton, nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin ở Mỹ, cho biết: "Năm nay không chứng kiến quá nhiều vụ thử tên lửa nhưng lại chứng kiến con số kỷ lục các loại tên lửa mới. Thật vậy, hầu hết các hệ thống tên lửa Triều Tiên thử trong năm nay đều chưa từng được biết đến trước đó."
Chỉ trong vòng 1 năm, Kim Jong Un đã công bố đến 6 hệ thống tên lửa mới trong khi cha của ông- cố lãnh đạo Kim Jong Il- chỉ mới thử được 2 hệ thống tên lửa mới trong suốt những năm tháng lãnh đạo đất nước của mình. Ngay cả ông nội của Kim Jong Un là cố lãnh đạo - người lập quốc Kim Nhật Thành cũng chỉ thử được 3 loại tên lửa mới trong cả sự nghiệp. Chuyên gia Shea Cotton phải thừa nhận rằng điều Kim Jong Un làm được trong năm 2017 "ấn tượng kinh khủng".
Kho vũ khí đạn đạo của Triều Tiên ngày càng đa dạng về chủng loại. Ảnh: Washington Post.
Các chuyên gia khác cũng đồng tình với ông Cotton. Ông David Wright, đồng giám đốc chương trình an ninh toàn cầu tại Ủy ban các nhà Khoa học Quan tâm, nhận định: "Từ cuối thập niên 1980 đến năm 2016, tất cả những gì chúng ta thấy chỉ là những biến thể của tên lửa Scud của Liên Xô. Nhưng giờ tên lửa Triều Tiên đã bắt đầu trông giống với tên lửa hiện đại. Đáng chú ý là 2 trong số những tên lửa phóng từ mặt đất được Triều Tiên thử nghiệm trong năm nay sử dụng nhiên liệu rắn (tên lửa KN-15) thay vì nhiên liệu lỏng. Đây là bước tiến quan trọng bởi nhiên liệu rắn được trữ sẵn ngay trong tên lửa nên không cần phải được nạp nhiên liệu trước khi phóng và nhờ đó rút ngắn được thời gian triển khai".
Tiếp đến sẽ là gì?
Theo nhiều chuyên gia nhận định, nếu tiếp tục đà tiến triển như hiện tại, trong năm 2018 sắp tới Triều Tiên sẽ có đạt được nhiều bước tiến hơn nữa.
Có thể họ sẽ thử nghiệm công nghệ tên lửa mới, chẳng hạn một loại tên lửa dùng nhiên liệu rắn khác và sẽ cải tiến để các tên lửa đạn đạo đạt hiệu quả thực tế cao hơn. Họ cũng có thể sẽ tiến hành tập trận quân sự đồng thời với việc phóng thử tên lửa, hoặc có thể sẽ phóng nhiều tên lửa cùng lúc để ước lượng được hiệu quả thực tế của chúng.
Chuyên gia Shea Cotton thậm chí còn nhận định rằng Triều Tiên có thể sẽ thử nghiệm tên lửa mang vũ khí hạt nhân có thể gọi "Juche Bird" ngay trên Thái Bình Dương. "Nhiều người Mỹ cho rằng Triều Tiên chưa đủ khả năng tích lợp tên lửa và vũ khí hạt nhân vào làm một nhưng Triều Tiên đã nhiều lần tuyên bố họ sẽ chứng minh cho chúng ta thấy và do vậy chúng ta nên tin rằng họ có khả năng đó"- ông Cotton nói.
Lo ngại Triều Tiên, Nhật Bản tăng sức mạnh phòng thủ tên lửa
Nội các Nhật Bản hôm 19-12 chính thức phê duyệt việc bổ sung sức mạnh cho hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo trong ... |
Bảo bối giúp Kim Jong-un chống đỡ đòn trừng phạt nặng nhất
Triều Tiên có thể đã phát hiện ra một bảo bối kỳ diệu giúp nước này chống lại đòn trừng phạt mạnh nhất của Mỹ ... |
Điều gì xảy ra một khi Triều Tiên xây dựng xong kho vũ khí hạt nhân?
Nữ Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha mạnh mẽ cảnh báo, một khi Triều Tiên xây dựng xong kho vũ khí hạt nhân, nước này ... |
Ngày đăng: 11:00 | 24/12/2017
/ nld.com.vn