Với rất nhiều yếu tố vượt trội, AK là loại vũ khí phổ biến trong rất nhiều cuộc đấu tranh vũ trang giành độc lập của các quốc gia trên thế giới.
Vũ khí hoàn hảo – cách người ta thường nói về súng trường tự động Kalashnikov (AK). Tuần này là vừa tròn 100 năm ngày sinh người phát minh ra nó – Mikhail Timofeevich Kalashnikov. AK được sử dụng ở hơn 100 quốc gia. Người ta gọi nó là súng trường của mọi thời đại và mọi dân tộc. Vậy huyền thoại đó được sinh thế nào?
Đối với nhiều thế hệ, tên tuổi của ông được biết đến không thua kém gì Gagarin. Nhưng nếu ông đi ngang qua, nhiều người có thể sẽ không đoán ra được, trước mặt họ chính là Kalashnikov.
“Ông ấy có vóc dáng thấp bé, là người trầm tính, điềm tĩnh, với giọng nói khá thanh, một người đàn ông khiêm tốn đến từ làng Altai” - nhà làm phim tài liệu Andrei Nikishin mô tả.
Ông là người con thứ 17 trong một gia đình phú nông. Tài liệu đáng tin nhất nói về lý lịch của ông đó là hồ sơ quân sự. Theo đó, vào năm 1938, Mikhail Kalashnikov, 20 tuổi, được gọi gia nhập Hồng quân. Ông từng phục vụ ở Ukraine với vị trí lái xe tăng kiêm phụ trách cơ khí.
Ông Mikhail Kalashnikov với khẩu AK-47, năm 1997. (Ảnh: RIA) |
“Sản phẩm đầu tiên mà ông chế tạo được là bộ đếm thời gian động cơ xe tăng, trên thực tế là một thiết bị có chức năng tính toán xem động cơ đó đã hoạt động bao lâu và còn có thể hoạt động được bao lâu nữa” - ông Alexander Mikhailov, chuyên gia về lịch sử tại Bảo tàng Chiến thắng, cho biết.
Nguyên soái George Zhukov, người lúc đó là chỉ huy Đặc khu quân sự Kiev, rất quan tâm đến phát minh này. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, Cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại nổ ra, và mọi người chẳng kịp biết đến chàng thanh niên tài năng này. Trên mặt trận, Kalashnikov nhanh chóng nhận ra: quân Đức bắn chính xác và hiệu quả hơn rất nhiều. Đến tháng 10/1941, Kalashnikov bị thương nặng trong trận chiến gần Bryansk, nơi mà rất nhiều đồng đội của ông hy sinh.
“Ông ấy không thể làm được gì, trong tay ông ấy không có thứ vũ khí để có thể cứu đồng đội trong tình huống này. Và theo những cuốn sách mà chúng ta được đọc, rõ ràng, ông ấy có các triệu chứng mà ngày nay chúng ta gọi là rối loạn căng thẳng hậu chấn thương. Ông ấy tỉnh giấc vào mỗi đêm, không ngừng tìm kiếm cách thức để làm được điều gì đó” - cố vấn kỹ thuật công ty “Kalashnikov” Vladimir Onokoi cho biết.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà thiết kế vũ khí Mikhail Kalashnikov trong cuộc gặp tại Izhevsk năm 2013. (Ảnh: Reuters) |
“Và cái gì đó” đến vào kỳ nghỉ phép, khoảng thời gian mà Kalashnikov có được sau khi bị thương. Ông đi đến ngôi làng Matai của Kazakhstan, nơi ông làm việc trước khi nhập ngũ, và tại đó, trong một trạm xe lửa, ông ấy thu thập tất cả vật liệu cần thiết để chế tạo một khẩu súng tiểu liên.
“Đó không phải là mối quan tâm của ngành công nghiệp” - các nhà chế tạo viết trong bản đánh giá. Nhưng Kalashnikov vẫn được chú ý và được gửi đến Matxcơva để học tập và nghiên cứu thêm. Từ đó, ông không trở lại mặt trận nữa. Cho đến khi kết thúc chiến tranh, ông công tác tại Thao trường Thử nghiệm súng và mìn Trung ương, và chuyên nghiên cứu về các phát kiến mới của người Đức. Ví dụ như súng carbine tự động MKB-42.
Sau Ngày Chiến thắng, chính quyền thông báo về một cuộc thi chế tạo các loại súng mới. Kalashnikov, khi đó 26 tuổi, gửi sản phẩm của mình – một khẩu súng trường tự động – tham gia cuộc thi và đặt tên nó là “MikhTim” (kết hợp 2 âm tiết đầu của tên và đệm).
Trung sĩ Mikhail Kalashnikov khi đang thực hiện dự án súng trường tấn công AK-47 năm 1947. (Ảnh: RIA) |
“Có 10/16 dự án được thông qua, và mỗi dự án đó lại được yêu cầu chế tạo 5 phương án để thử nghiệm. Kết quả là, 3 mẫu lọt vào vòng chung kết. Đó là các mẫu súng trường tự động của Bulkin, Dementyev và Kalashnikov” - nhà sử học Alexander Mikhailov tại Bảo tàng Chiến thắng cho biết.
Mẫu súng của Kalashnikov khi đó được đánh giá là tốt nhất, nhưng nó vẫn cần phải được hoàn thiện thêm. Bản thân Kalashnikov, cùng với một số kỹ sư khác, được cử đến nhà máy quốc phòng ở Kovrov.
“Ưu điểm của Kalashnikov nằm ở chỗ ông ấy biết cách làm những gì mà người ta muốn nhận được từ ông. Ông ấy hiểu được bản chất đơn hàng quốc phòng lần này” - ông Grigory Pernavsky, Tổng biên tập Nhà xuất bản “5Rim”, cho biết.
Sau 18 lần sửa đổi, mẫu AK-47 xuất xưởng. Quá trình sản xuất hàng loạt được tiến hành tại Izhevsk dưới sự giám sát của chính tác giả.
Đơn giản về cấu trúc, tiết kiệm trong sản xuất và hiệu năng tốt là 3 thuộc tính chính cho phép súng trường tấn công Kalashnikov trở thành loại súng tốt nhất trong ít nhất vài thập kỷ. Cùng lúc đó, hộp tiếp đạn cỡ nòng 7.62 mm của Liên Xô, giúp đảm bảo được tầm bắn xa và hỏa lực mạnh, cũng được phát triển.
Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tiếp nhà thiết kế vũ khí Mikhail Kalashnikov tại Điện Kremlin năm 2009. (Ảnh: Reuters) |
Vào năm 1955, súng trường Kalashnikov có buổi ra mắt trên phim ảnh đầu tiên, khi xuất hiện cùng với những nhân vật của bộ phim “Maxim Perepelitsa”. Kể từ đó, hầu như không có cuộc xung đột vũ trang lớn nào mà không có loại súng này. AK Liên Xô bắt đầu chinh phục thế giới vào những năm 1950.
“Một số lượng lớn các quốc gia, trong đó có hàng chục nước ở châu Phi và châu Á, giành được độc lập nhờ vào đấu tranh vũ trang. Và tất nhiên, súng trường tấn công Kalashnikov trở thành loại vũ khí quen thuộc trong các cuộc đấu tranh này” - ông Vladimir Onokoi, cố vấn kỹ thuật của công ty “Kalashnikov” cho biết.
Chính AK trở thành nền tảng cho các loại súng trường tấn công của Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan. Ngoài ra, AK còn được cấp phép sản xuất tại các quốc gia khối xã hội chủ nghĩa. Để vinh danh AK, hàng ngàn trẻ em được đặt tên là Kalash, và chính mẫu súng này còn xuất hiện trên cờ và biểu tượng của 5 quốc gia – từ Zimbabwe đến Đông Timor. Phát minh của Kalashnikov, tính cả các phiên bản nâng cấp, hiện vẫn đang phục vụ cho quân đội và lực lượng đặc nhiệm tại hơn 100 quốc gia. Đây là loại vũ khí phổ biến nhất trên thế giới với khoảng 100 triệu khẩu được sản xuất.
Mối quan tâm đến các đơn đặt hàng mới vẫn luôn ở mức cao. Điều này được chứng minh tại diễn đàn Nga – châu Phi gần đây. Các gian hàng AK luôn đông khách, thu hút sự chú ý bởi khả năng có thể sử dụng được cả trong lửa và nước.
“Viên chỉ huy đại đội nọ có mang đến cho tôi phần còn lại của khẩu súng trường. Khẩu súng đó không chỉ bị thiêu rụi, mà còn bị chiếc xe tăng cán qua thân súng. Nó đã bị uốn cong. Và anh ấy hỏi liệu có thể làm gì đó không. Sau một hồi suy nghĩ, chúng tôi cố gắng uốn thẳng nòng súng, lắp nó vào phần còn lại, và thế là chúng tôi lại có một khẩu súng trường hoạt động” - ông Dmitry Popov, người từng tham gia chiến dịch quân sự ở Afghanistan, chia sẻ.
Các cựu chiến binh của cuộc chiến ở Afghanistan hồi tưởng: trong chiến dịch đó, không có vũ khí nào đáng tin cậy hơn AK. Chính kẻ thù cũng hiểu điều này.
“Những kẻ Dushman, các phiến quân Afghanistan không sử dụng bất kỳ vũ khí nào khác ngoài súng trường tấn công Kalashnokov. Mặc dù họ có nguồn cung cấp từ Mỹ, Italia và các quốc gia khác” - ông thanh tra Anatoly Avdoshin, Ủy ban quân sự Matxcơva chi nhánh Timiryazev cho biết.
Được coi là một trong những nhà phát minh nổi tiếng nhất, người giành giải thưởng Stalin cho mẫu súng máy tốt nhất thế giới, Trung tướng, Tiến sĩ Kỹ thuật Mikhail Klashnikov rất hiếm khi xuất hiện trước công chúng. Ông sống như một người bình thường. Izhevsk là nơi ông làm việc và cống hiến gần như đến khi ông trút hơi thở cuối cùng vào năm 2013.
(Nguồn: RIA)
Ngày đăng: 16:44 | 11/11/2019
/ vtc.vn