Iran khẳng định có vũ khí bí mật đủ để tiêu diệt toàn bộ hạm đội tàu sân bay của Mỹ. Họ thật sự có thứ vũ khí như vậy?

Tướng Morteza Qorbani, một cố vấn cao cấp của Bộ Tư lệnh Trung ương Quân đội Iran hôm 25/5 tuyên bố trên truyền hình Iran nhấn mạnh quân đội nước này sở hữu loại vũ khí bí mật đủ để tiêu diệt toàn bộ cụm tàu sân bay của Mỹ.

"Mỹ điều động tàu sân bay đến khu vực của chúng ta. Nếu họ có bất kỳ hành động dại dột nào dù là nhỏ nhất, chúng ta sẽ nhấn chìm những con tàu và toàn bộ thủy thủ của họ bằng hai loại vũ khí bí mật mới" - ông Qorbani tuyên bố.

Phát biểu đầy đe dọa của tướng Qorbani được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Trump ký sắc lệnh triển khai thêm 1.500 quân đến Trung Đông nhằm đề phòng Iran, đồng thời Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố đã bán 8,1 tỷ USD vũ khí cho các đồng minh vùng Vịnh để sẵn sàng chiến đấu.

Song song với đó, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln vẫn đang hoạt động ngoài cửa Vịnh Ba Tư, gần eo Hormuz. Đồng thời, máy bay B-52 với đầy đủ vũ khí đạn dược đang chờ sẵn ở căn cứ không quân tại Qatar, đối diện với bờ biển Iran.

vu khi bi mat ha sat mau ham hu chieu cua iran
Tàu sân bay Mỹ USS Abraham Lincoln và tàu đổ bộ USS Kearsarge ở biển Ả Rập ngày 17/5

Như vậy, cảnh báo của ông Qorbani đưa ra không khiến tình hình giảm nhiệt, thậm chí còn gây căng thẳng hơn và những gì Mỹ cáo buộc về "mối đe dọa từ Iran" tiếp tục được lầm đậm nét. Vấn đề ở chỗ, theo như tuyên bố của tướng Qorbani, Tehran đang sở hữu không chỉ một mà có tới hai vũ khí bí mật.

Vậy vũ khí đó là gì? Là tên lửa hành trình, tên lửa chống hạm, hay ngư lôi? Uy lực của loại vũ khí này mạnh đến đâu, vận hành như thế nào, cách đối phó ra sao? Tất nhiên khi đã là vũ khí bí mật thì chắc chắn những thông tin này sẽ không được tiết lộ.

Và ngay lúc này, những chuyên viên cao cấp nhất, các chuyên gia về Iran của CIA, của Lầu Năm Góc đang phải vắt óc suy nghĩ, kiểm tra lại kho dữ liệu tình báo của mình hai thứ vũ khí ấy có thể là gì?

Bởi chắc chắn khi gây mâu thuẫn với Iran, giới quân sự và tình báo của Mỹ sẽ phải nghiên cứu kỹ lưỡng kho vũ khí của đối phương. Khi họ tự tin hiểu Iran như lòng bàn tay, thì bất ngờ xuất hiện tới hai loại vũ khí bí mật đe dọa trực tiếp đến uy thế răn đe của hàng không mẫu hạm Mỹ.

Cần nhấn mạnh một điều, để diệt tàu sân bay của Mỹ, Iran chưa chắc đã cần phải dùng đến vũ khí bí mật của họ. Nếu chiến sự nổ ra ở eo biển Hormuz, Iran đã được chơi trên sân nhà, và chơi theo cách của hải quân Iran.

Chuyên gia an ninh quốc tế Caitlin Talmadge từng nhận định trên tờ Bloomberg: "Các tàu sân bay Mỹ được thiết kế cho các nhiệm vụ ở đại dương và các vùng biển rộng lớn. Còn các vùng biển hẹp như Vịnh Ba Tư sẽ khiến chúng dễ bị tổn thương trước những mối đe dọa trên không, trên biển và trên đất liền".

"Các đời Tổng thống Mỹ thường xuyên sử dụng tàu sân bay như một hình thức ngoại giao răn đe. Nhưng với Iran, nó hoàn toàn vô tác dụng. Người Iran không sợ tàu sân bay của Mỹ. Một trong những biện pháp đơn giản nhất, hiệu quả nhất là sử dụng chiến thuật tấn công bầy đàn bằng xuồng cao tốc.

Chúng rất cơ động, linh hoạt, tốc độ cao và là vua ở những vùng biển hẹp. Một tên lửa vác vai không thể ảnh hưởng đến một tàu sân bay hay khu trục của Mỹ. Nhưng hàng chục quả tên lửa như vậy sẽ là một câu chuyện khác" - chuyên gia Talmadge bình luận.

vu khi bi mat ha sat mau ham hu chieu cua iran
Xuồng cao tốc Iran tập trận chống chiếm đóng eo biển Hormuz

Trong khi đó, chuyên gia Omar Lamrani của công ty tư vấn Stratfor phân tích: "Tàu sân bay lớp Nimitz có tầm hoạt động hiệu quả và an toàn nhất ở vị trí cách bờ biển đối phương khoảng 500 - 700 km. Đây là phạm vi hữu hiệu tác chiến của tiêm kích hạm nhưng đủ xa để giảm thiểu rủi ro từ các tên lửa diệt hạm của đối thủ.

Nhưng đánh Iran, một chiếc Nimitz sẽ tự phải hủy bỏ phạm vi an toàn của mình và tiến vào tầm ngắm của các loại tên lửa hành trình chống hạm, pháo hạm, xuồng cao tốc và các hạm đội tàu chiến nhỏ, thậm chí là tàu ngầm mini và UAV sử dụng kiểu bầy đàn".

Đưa ra những phân tích như vậy để thấy Iran có sẵn chiến thuật để đối phó với các tàu sân bay của Mỹ. Và phong cách "ngoại giao mẫu hạm" này không đủ sức răn đe với Iran.

Vấn đề lớn nhất nằm ở chỗ khi phát động một cuộc chiến tổng lực, Iran sẽ gặp khó khăn với các hướng tấn công từ căn cứ quân sự Mỹ trải xung quanh nước này, hơn là mối đe dọa của một mẫu hạm.

Nhưng thực tế, việc gây tổn thất cho một mẫu hạm là điều chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Lòng kiêu hãnh của người Mỹ sẽ bị đánh chìm sau hành động ấy. Chưa khẳng định Iran có thể thắng Mỹ trong một cuộc chiến tranh tổng lực, nhưng họ có thể gây tổn thất to lớn nhất lịch sử cho nước Mỹ.

Tổ chức một cuộc chiến nhằm vào Iran đồng nghĩa với việc người Mỹ sẽ phải nhận thương vong lớn, đây sẽ là một bãi lầy còn đáng sợ hơn Iraq, Afghanistan gấp nhiều lần.

Đó cũng là lý do vì sao 76 viên tướng, đô đốc Hải quân, đại sứ Mỹ đã nghỉ hữu mới đây ký vào một bức tâm thư kiến nghị gửi lên Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó nhấn mạnh việc kêu gọi ông Trump không được gây chiến với Iran.

Vũ khí bí mật mà Iran nhắc tới, dù họ có đang thực sự sở hữu hay chỉ là đòn tâm lý, cũng đã đủ để tác động và làm giảm tinh thần hiếu chiến của người Mỹ. Đây có thể chỉ là hư chiêu, nhưng Iran đã tự khẳng định, họ không phải là một quốc gia nhỏ bé dễ bị bắt nạt.

Đỗ Tú

vu khi bi mat ha sat mau ham hu chieu cua iran Mỹ điều thêm 1.500 quân đến Trung Đông để đối phó Iran

Mỹ triển khai thêm máy bay trinh sát, chiến đấu cơ và kỹ sư đến Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng với Iran chưa ...

vu khi bi mat ha sat mau ham hu chieu cua iran Iran tuyên bố không đầu hàng Mỹ ngay cả khi bị ném bom

Tổng thống Hassan Rouhani hôm 23-5 tuyên bố Iran sẽ không đầu hàng trước sức ép đến từ Mỹ và sẽ không từ bỏ mục ...

Ngày đăng: 13:55 | 26/05/2019

/ http://baodatviet.vn