Hiện giá gỗ sưa đỏ trên thị trường vào khoảng 30 triệu đồng/kg. Loại gỗ tốt, tuổi đời càng lâu thì giá càng cao.
Xung quanh những thông tin về việc chặt cây sưa trăm tỷ, ngày 3/2, trao đổi với báo Đất Việt, ông Vũ Văn Tuyến, trưởng thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội cho biết, mặc dù những ngày giáp Tết Nguyên Đán, người dân ai cũng bận nhưng vẫn phải cắt cử người trông số gỗ sưa đã được chặt.
"Chúng tôi phải thắp điện, cử người trông nom mấy ngày Tết, kể cả ban lãnh đạo thôn cũng phải thay nhau. Việc này làm cho cộng đồng, làm cho tập thể nên người dân cũng vui vẻ, chủ động lắm.
Hơn nữa, những ai đã phải bỏ thời gian, công việc để trông số gỗ sưa đó sẽ nhận được tiền công xứng đáng. Từ ngày chặt cây sưa, tôi chưa thấy ai kêu là mệt", ông Tuyến cho biết.
Người dân kiểm đếm số gỗ sưa. Ảnh: TTT
Theo ông Tuyến, quanh khu vực để gỗ, người dân có lắp hệ thống camera giám sát. Camera không chỉ được đặt ở giữa trung tâm mà còn được đặt ở các góc để có thể kiểm soát được lượng người ra vào.
"Không những vậy, chúng tôi còn cài đặt trên điện thoại để giám sát trực tiếp qua camera. Kể cả có đi đâu, không ở thôn, xóm cũng có thể biết được tình hình an ninh quanh khu vực cất giữ gỗ sưa", ông Tuyến cho biết thêm.
Cũng theo ông Tuyến, từ ngày chặt cây sưa này, chưa có ai đến hỏi về giá cả.
Ông Tuyến nói: "Có thể họ cũng biết số gỗ sưa này sẽ bán đấu giá nên không ai đến hỏi. Sau khi ăn Tết xong, chính quyền sẽ họp và sẽ có bộ phận tìm hiểu về giá bán sưa để từ đó sẽ tổ chức buổi đấu giá".
Các công nhân được dân làng thuê tiến hành đào phần gốc gỗ sưa. Ảnh: TTT
Được biết, hai cây sưa đỏ tại làng Phụ Chính từng được dân buôn gỗ trả giá 100 tỷ đồng/cây vào năm 2015.
Trước đó, ngày 28/1, người dân thôn Phụ Chính đốn hạ tiếp cây sưa đỏ có tuổi đời khoảng 130 tuổi ở trong khuôn viên đình làng.
So với cây sưa bị đốn hạ ngày 27/1, cây sưa này có kích thước lớn hơn nhiều. Phần gốc của cây phải 3 người ôm mới hết được.
Quá trình chặt hạ cây có sự chứng kiến của 23 thành viên thuộc ban khai thác, quản lý và giám sát tài sản của cộng đồng dân cư trong thôn. Đồng thời, lực lượng chức năng cũng có mặt để đảm bảo an ninh trật tự.
Các công đoạn chặt hạ và vận chuyển cây do nhóm công nhân được thuê khoán thực hiện. Quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn vì phần rễ bám sâu, người dân phải huy động máy xúc đến hỗ trợ.
Dân làng giám sát chặt hai cây sưa trăm tỷ trong chùa ở Hà Nội Hai cây sưa tại chùa Phụ Chính được chặt. |
Sắp khai thác cây sưa trăm tỷ: \'Máy móc thuê rồi nhưng...\' Ông Vũ Văn Tuyến, Trưởng thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính (huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội) cho biết, kế hoạch khai thác cây sưa đã ... |
Ngày đăng: 09:45 | 05/02/2019
/ http://baodatviet.vn