Hình ảnh bệnh viện quá tải và hàng chục triệu người thất nghiệp ở Mỹ khiến nhiều người châu Âu hoài nghi về vị thế số một thế giới của Mỹ.
Nhà khí hậu học Haug từng làm việc tại Đại học Columbia ở New York. Ông cho biết Mỹ sở hữu rất nhiều nhà khoa học giỏi nhất thế giới. "Nhưng điều khác biệt là họ không được lắng nghe. Đó chính là thảm họa", ông nói.
Nhiều người cảnh báo rằng cái giá mà các quốc gia phải trả cho đại dịch này còn rất lâu nữa để có thể xác định. Đại dịch là một thử thách căng thẳng đối với các hệ thống chính trị, theo giáo sư sử học Garton Ash. Cán cân sức mạnh quân sự hoàn toàn không thay đổi. Mỹ hiện vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhưng không rõ khu vực nào trên thế giới sẽ được chuẩn bị tốt nhất để tái kích hoạt tăng trưởng kinh tế sau cuộc suy thoái nghiêm trọng.
"Tất cả các nền kinh tế sẽ đối mặt với bài toán khó nhằn. Không ai biết được ai sẽ trở thành kẻ mạnh hơn cho tới khi mọi thứ kết thúc", ông nói.
Benjamin Haddad, nhà nghiên cứu người Pháp tại Trung tâm nghiên cứu Atlantic Council, cho hay Covid-19 đang là bài kiểm tra khả năng lãnh đạo của Mỹ, nhưng còn quá sớm để nói liệu nó có mang tới những thiệt hại lâu dài.
"Rất có thể Mỹ sẽ tìm thấy những nguồn lực bất ngờ, đồng thời tìm thấy cách thống nhất quốc gia trong chính sách đối ngoại về cuộc đối đầu chiến lược với Trung Quốc, điều đến giờ vẫn còn thiếu", Haddad chia sẻ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng hôm 21/4. Ảnh: Reuters. |
Moisi chỉ ra cuộc bầu cử vào tháng 11 tới và hậu quả của cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ những năm 1930 cũng có thể ảnh hưởng tới lịch sử Mỹ. Cuộc Đại khủng hoảng đã dẫn tới cải cách toàn diện kinh tế mới (New Deal) của Mỹ. Covid-19 rất có thể khiến Mỹ cải tổ mạng lưới an toàn công cộng và phát triển sự đồng thuận quốc gia để việc tiếp cận dịch vụ y tế dễ dàng hơn.
"Hệ thống dân chủ xã hội của châu Âu không chỉ tập trung vào con người nhiều hơn, mà nó còn giúp chúng ta có sự chuẩn bị tốt hơn để đối phó với một cuộc khủng hoảng như vậy, hơn là một hệ thống tư bản khắc nghiệt của Mỹ", Moisi nói.
Nhiều người sợ rằng cuộc khủng hoảng hiện tại có thể giống như một chiếc máy gia tốc của lịch sử, làm đẩy nhanh sự suy giảm ảnh hưởng của cả Mỹ và châu Âu. "Có thể tới năm 2021, chúng ta sẽ bước ra khỏi cuộc khủng hoảng này và tới năm 2030, ảnh hưởng của châu Á đối với thế giới sẽ lớn hơn phương Tây", ông nói.
"Đối với một nhà lịch sử, những gì đang xảy ra không phải là chuyện mới mẻ. Nó là câu chuyện hết sức quen thuộc trong lịch sử thế giới rằng một đế chế sẽ suy yếu sau một thời gian vững mạnh", Garton Ash cho biết.
Ông nói rằng Mỹ nên rút ra bài học từ rất nhiều đế chế đã trỗi dậy và sụp đổ sau đó.
"Bạn có thể ôm đồm các vấn đề và bởi là một tay chơi lớn, bạn có thể mang theo những rắc rối đó trong thời gian dài. Nhưng cho tới khi điều gì đó xảy ra, bạn sẽ kiệt sức", Garton Ash nói thêm.
Thanh Tâm (Theo NYTimes)
Ngày đăng: 17:20 | 24/04/2020
/ vnexpress.net