Vaccine không bảo vệ tuyệt đối, hiệu lực bảo vệ của từng loại vaccine cũng khác nhau. Điều này có nghĩa là một số người đã tiêm vaccine vẫn có khả năng mang virus và lây bệnh cho người khác.

Hiện nay, có ít nhất 17 vaccine đã được triển khai, 7 trong số đó đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Những vaccine này là Pfizer/BionNTech, AstraZeneca của Oxford, AstraZeneca của Viện Huyết Thanh Ấn Độ, Janssen, Moderna, Sinopharm/BBIP và Sinovac.

Hiệu quả của các vaccine Covid-19 có thể yếu hơn trong việc ngăn chặn lây nhiễm và các triệu chứng nhẹ do biến thể Delta nhưng vẫn có hiệu quả cao trong việc phòng ngừa mắc bệnh nặng và tử vong.

Vaccine Covid-19 không bảo vệ tuyệt đối, nhất là khả năng bảo vệ cơ thể không mang mầm bệnh. Theo báo cáo trên các nguồn thông tin chính thống của trong nước và quốc tế thì đã xuất hiện nhiều trường hợp tiêm đủ 2 liều, nhưng vẫn mắc Covid-19.

Tại Việt Nam, hồi tháng 6/2021, 52/53 trường hợp là các nhiên viên y tế Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh dù đã tiêm đủ 2 liều vaccine nhưng vẫn dương tính với Covid-19.

Theo WHO, sau khi tiêm chủng đầy đủ, bạn vẫn có khả năng mắc Covid-19 nhưng những trường hợp này rất hiếm và các triệu chứng thường nhẹ hơn so với những người chưa tiêm đủ hoặc chưa tiêm.

Với các trường hợp tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh, những người này hoàn toàn không có triệu chứng, bệnh rất nhẹ và không có trường hợp nào tử vong.

WHO cho biết, sau khi tiêm vaccine Covid-19, cơ thể cần có thời gian để nhận diện kháng nguyên của virus SARS-CoV-2, sau đó huy động hệ thống miễn dịch đáp ứng lại kháng nguyên và tạo ra lượng kháng thể đủ để bảo vệ cơ thể. Trong thời gian tạo đầy đủ miễn dịch, những người này vẫn có thể bị mắc Covid-19 nếu tiếp xúc với người mang virus khác.

Theo một công bố trên Tạp chí Y học The New England Journal of Medicine cho thấy, đối với vaccine Pfizer sau khi tiêm mũi 1 được 12 ngày, người được tiêm mới được bảo vệ 52% và 1 tuần sau khi tiêm mũi thứ 2, người được tiêm mới được bảo vệ 95%.

Đối với vaccine AstraZeneca, sau khi tiêm mũi đầu tiên, khả năng miễn dịch của người được tiêm sẽ đạt khoảng 61-67%, sau mũi thứ 2 đạt khoảng 81%. Đối với Moderna, báo cáo tỷ lệ bảo vệ 2 tuần sau tiêm là 51% và 94% ở sau tuần thứ 2 của mũi thứ 2.

Thực tế cho thấy, không có loại vaccine nào có khả năng bảo vệ lên đến 100%. Đồng thời, hệ miễn dịch của cơ thể đối với vaccine là khác nhau, chính vì vậy, kết quả tạo ra hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể là khác nhau. Trong đó, người có tỷ lệ miễn dịch càng cao, khả năng mắc Covid-19 ngày càng thấp, ngược lại, người có miễn dịch cơ thể thấp sẽ đạt hiệu quả chống lại virus thấp hơn.

Về vấn đề này, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, vaccine được tiêm vào trong cơ thể sẽ tạo ra kháng thể trung hòa với virus, kháng thể này được tạo ra từ tuần lễ thứ 2 sau khi tiêm.

Bên cạnh thực hiện 5K và giãn cách xã hội, việc bao phủ tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 sẽ giảm ca nhiễm mới, ca nặng và từ đó giảm số người tử vong.

Cũng theo Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Nguyễn Văn Vĩnh Châu, nhiều người nghĩ rằng tiêm 2 mũi vaccine sẽ không mắc CVOID-19. Điều đó là sai lầm. Thời gian qua ghi nhận tại Việt Nam và trên thế giới có nhiều trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vaccine nhưng vẫn mắc COVID-19. Bởi các biến chủng virus ngày càng mạnh hơn và có thể có khả năng kháng vaccine.

“Vaccine giúp giảm mức độ nặng của bệnh chứ không phải 100% không mắc bệnh. Vì vậy, dù đã tiêm vaccine, người dân vẫn nên thực hiện nghiêm quy định 5K và giãn cách để tránh tình trạng lây nhiễm”, BS Châu chia sẻ.

PV (th)

Giữa làn sóng COVID-19, bất động sản công nghiệp phía Bắc vẫn "toả sáng" Giữa làn sóng COVID-19, bất động sản công nghiệp phía Bắc vẫn "toả sáng"
Vaccine ngừa COVID-19 của Cuba có thể chống lại biến chủng Delta Vaccine ngừa COVID-19 của Cuba có thể chống lại biến chủng Delta
Ca nhiễm mới tăng nhanh, chuyên gia cảnh báo "thảm họa" COVID-19 tại Nhật Bản Ca nhiễm mới tăng nhanh, chuyên gia cảnh báo "thảm họa" COVID-19 tại Nhật Bản

Ngày đăng: 09:16 | 14/08/2021

/ Nghề nghiệp và cuộc sống