Chỉ vào trường công an, quân đội, sinh viên mới được đảm bảo công việc ngay sau khi ra trường với mức lương khá và được phong hàm, cấp bậc.
Trong 108 thí sinh Hòa Bình và Sơn La được nâng điểm tại kỳ thi THPT quốc gia 2018, có 64 em (chiếm 59%) trúng tuyển vào trường công an, quân đội - những trường có điểm chuẩn cao nhất nhì mùa tuyển sinh 2018. Chưa kể có một số thí sinh khi biết công an điều tra gian lận thi cử đã điều chỉnh nguyện vọng.
Đến nay, duy nhất một em còn được tiếp tục học ở Học viện Khoa học quân sự vì sau chấm thẩm định vẫn đủ điều kiện tốt nghiệp THPT, đủ điểm trúng tuyển và được Cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công an) khẳng định "chưa có căn cứ xác định sai phạm". Số còn lại đều có điểm chấm thẩm định thấp hơn rất nhiều so với điểm chuẩn nên bị đuổi học, hoặc chủ động nghỉ học.
Những con số trên phần nào cho thấy, phụ huynh và thí sinh cố gắng vào các trường công an, quân đội, thậm chí cố đạt được điểm cao để trúng tuyển bằng mọi cách, trong đó có "mua điểm".
Lý giải hiện tượng này, ông Đỗ Văn Giảng, Trưởng văn phòng tư vấn học đường trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), cho rằng nguyên nhân đầu tiên là các trường công an, quân đội miễn học phí, khiến những học sinh giỏi, có gia cảnh khó khăn muốn thi vào. Tuy nhiên, đây không phải điều hấp dẫn duy nhất bởi nhiều trường như Sư phạm cũng miễn học phí.
Thứ hấp dẫn hơn chỉ các trường khối lực lượng vũ trang có là sinh viên được đảm bảo công việc ngay sau khi ra trường với mức lương cao, được phong hàm, cuộc sống sớm ổn định, không phải suy nghĩ quá nhiều như những sinh viên học ngành khác - những ngành đòi hỏi phải trải qua quá trình lựa chọn, sàng lọc khi ra trường.
Về phía phụ huynh, tâm lý "thích oai" chi phối họ rất nhiều. Nhiều gia đình còn suy nghĩ việc con đỗ vào trường công an, quân đội là đáng tự hào. Đặc biệt, một số phụ huynh có tâm lý muốn con vào công an vì "có thể nhờ vả được" trong nhiều trường hợp.
"Chúng ta không thể trách được suy nghĩ này của phụ huynh bởi xã hội đã tạo ra những rào cản khiến họ phải tìm cách vượt qua và không có cách nào tốt hơn bằng việc có người thân trong gia đình có thể hỗ trợ giải quyết những rào cản đó", ông Giảng nói và cho rằng từ tâm lý đó, phụ huynh áp đặt lên con. Với những em lười tư duy, không có tính độc lập, thiếu bản lĩnh đấu tranh, bố mẹ bảo sao sẽ răm rắp nghe theo.
Thấy con nghe lời, phụ huynh bắt đầu tìm mọi cách để giúp con đạt được mục tiêu. Nếu con không giỏi để đỗ vào các trường mong muốn, họ chạy điểm bằng những mối quan hệ và tiền bạc. Chuyên gia tư vấn tâm lý này cũng nhận định nhiều phụ huynh chỉ cần con đỗ vào trường, còn con học ra sao họ không quan tâm hoặc tính sau. Họ cũng không cần biết chúng có hợp với ngành đó không.
Ông Đỗ Văn Giảng. Ảnh: Dương Tâm.
Về phía học sinh, ông Giảng cho rằng nhiều em có năng lực một chút là dễ kiêu ngạo, mặc định phải đỗ vào trường top trên như công an, quân đội, chứ không suy nghĩ xem mình có khả năng và phù hợp với ngành nghề nào. Ngoài ra, nhiều học sinh đang bị lười tư duy, không chịu suy nghĩ, không thể độc lập được, sống bị động và bị bố mẹ chi phối.
Nhà trường cũng có trách nhiệm khi chưa làm tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp. Ông Giảng cho rằng hiện học sinh luôn nghĩ học hết lớp 12 là phải thi lên đại học, vào được là sẽ ra được trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sinh viên ra trường thất nghiệp hoặc không làm đúng ngành nghề nhiều. Ở trường Đinh Tiên Hoàng, chỉ 37% học sinh khối 12 muốn vào đại học trong năm nay. Đó là kết quả của quá trình định hướng nghề nghiệp suốt ba năm học THPT.
"Chúng tôi luôn cố gắng cho học sinh biết không phải cứ học vấn cao thì khả năng thành công sẽ cao mà ở bất kỳ ngành nghề nào, nếu nó phù hợp và giúp mình phát huy được hết khả năng thì đều thành công, tạo nên tiếng vang. Có em học hết lớp 12 ra kinh doanh tốt hơn cả sinh viên tốt nghiệp trường Ngoại thương hay Thương mại", ông Giảng nói.
Nhà giáo Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cho rằng thanh niên cần có ý thức cống hiến cho xã hội, cộng đồng, bởi nếu xã hội tốt đẹp hơn thì bản thân cũng được thụ hưởng. Muốn cống hiến tốt nhất cho cái chung thì bản thân phải sử dụng được cái riêng - tức năng lực, sở trường một cách tốt nhất. Từ đó, bài toán với học sinh lứa tuổi 17-18 chuẩn bị vào đại học là chọn ngành nghề gì để phát huy tốt nhất "cái riêng" đó.
Theo ông Ngai, việc gia đình và học sinh mong muốn vào trường công an, quân đội (hay trường có công việc tại cơ quan nhà nước khác) là nguyện vọng chính đáng, không có gì đáng trách. Thực tế công việc ở các ngành này rất quan trọng với xã hội, tính chất nghề nghiệp vất vả, đối mặt nhiều hiểm nguy.
"Nhưng vấn đề đặt ra là liệu các em có thực sự thích và có sở trường với các ngành này, muốn cống hiến thực sự hay chỉ muốn vào để tìm lấy công việc ổn định, lương khá? Nếu chỉ là tìm kiếm sự ổn định thì hơi đáng tiếc, bởi tuổi trẻ thì cần một dấn thân", ông Ngai bày tỏ.
Công tác định hướng nghề nghiệp trong nhà trường, theo ông Ngai, cần được xem xét lại toàn diện, coi trọng tính hiệu quả. Nhiều thế hệ phụ huynh lâu nay vẫn tư duy "công việc nhà nước mới ổn định" nên thường áp đặt suy nghĩ đó cho con trẻ. Trong khi đất nước đang trong quá trình phát triển kinh tế, hội nhập, cơ hội việc làm làm rất nhiều, ngành nghề cũng đa dạng hơn.
Ở góc nhìn khác, TS Phạm Danh, Hiệu trưởng trường THPT Vĩnh Viễn, cho rằng trong sâu thẳm mỗi con người đều có những "đam mê" quyền lực. Do đó, những ngành nghề trong hệ thống cơ quan nhà nước, trong đó có công an, quân đội, được nhiều bạn trẻ ngưỡng vọng. Những suy nghĩ định hướng nghề nghiệp non nớt ấy lại bị tư duy của cha mẹ - vốn cũng chịu ảnh hưởng bởi suy nghĩ phải phấn đấu có việc ổn định, an nhàn, lương cao - "vun đắp" thêm.
Ông Danh đánh giá những suy nghĩ đó rất sai lầm, nếu duy trì lâu dài trong xã hội sẽ gây bất ổn, thậm chí phá hoại cả nền văn hóa. Bởi bản chất công việc trên là phục vụ nhân dân, đất nước chứ không phải làm quan, có quyền hành ra oai với người khác. Do đó, cần xem đó là công việc bình thường như bao ngành nghề khác và lựa chọn nghề nào phải dựa trên sở thích, đam mê và năng lực.
Về lâu dài, ngành giáo dục phải "vá" được những lỗ hổng hiện có mới có thể khắc phục thực trạng trên. Cụ thể, tính khuôn khổ, cứng nhắc trong ngành cần được cởi trói, tạo độ mở cho giáo viên và học sinh. Chỉ khi được thỏa sức sáng tạo thì người học mới nghĩ tới, thoát được tâm lý cầu an, mong ổn định, an nhàn để hướng tới một điều gì đó cao đẹp hơn, phiêu lưu, cống hiến hơn.
Kết quả khảo sát của VnExpress về các phương án xử lý thí sinh được nâng điểm.
Ngày 11/7/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi THPT quốc gia. Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La có số lượng điểm giỏi cao bất thường. Công an xác định có 114 thí sinh ở Hà Giang được nâng điểm và đã trả về điểm thực trước mùa xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2018.
Hòa Bình, Sơn La phải đến tháng 3/2019 Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới có kết luận điều tra và công bố điểm chấm thẩm định. Kết quả 64 thí sinh ở Hòa Bình và 44 ở Sơn La được nâng điểm. Trong đó, có thí sinh được nâng tới 9,25 điểm một môn và 26,55 điểm tất cả môn. Nhiều em từ điểm giỏi biến thành điểm liệt.
Hiện 19 cán bộ giáo dục, công an của ba tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đã bị khởi tố, nhưng người đứng đầu ngành giáo dục, ban chỉ đạo thi ở ba tỉnh vẫn chưa bị xử lý.
Phải khởi tố phụ huynh là lãnh đạo mua điểm, chạy trường cho con
Các thí sinh được nâng điểm trong kì thi THPT Quốc gia hầu hết đều có phụ huynh làm trong ngành giáo dục, công an, ... |
Luật sư: Phụ huynh mua điểm cho con có thể bị khởi tố đưa hối lộ
Nếu đưa tiền từ 2 triệu đồng để người có thẩm quyền làm theo yêu cầu của mình, bạn có nguy cơ bị xử lý ... |
Ngày đăng: 10:45 | 27/04/2019
/ https://vnexpress.net