Sự mất cân bằng, thiếu bình đẳng trong phân bổ nguồn lực, hỗ trợ chính sách kinh tế khiến năng suất của doanh nghiệp tư nhân mãi lẹt đẹt.
Theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động chung của toàn bộ khu vực doanh nghiệp năm 2017 theo giá hiện hành đạt 298,7 triệu đồng/lao động, gấp 3,2 lần mức năng suất lao động chung cả nước.
Trong đó, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đạt 678,1 triệu đồng/lao động, gấp 7,3 lần; doanh nghiệp tư nhân (DNTN) đạt 228,4 triệu đồng/lao động, gấp 2,5 lần và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 330,8 triệu đồng/lao động, gấp 3,5 lần.
Điều đáng nói là khoảng cách chênh lệch năng suất giữa DNNN và DNTN. Năm 2011, mỗi lao động DNNN tạo ra năng suất gần 394 triệu đồng, con số này tăng lên 678,1 triệu đồng vào năm 2017. Trong khi đó, khu vực kinh tế tư nhân thấp hơn rất nhiều, chỉ 121,4 triệu đồng (bằng 30,85%) năm 2011 và 228,4 triệu đồng (bằng 33,6%) năm 2017.
|
|
Năng suất lao động của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam còn thấp. Ảnh minh họa |
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến năng suất lao động của DNTN đạt thấp so với các loại hình doanh nghiệp còn lại do các DNTN phần lớn là doanh nghiệp có quy mô nhỏ nên gặp hạn chế trong việc nâng cao năng suất lao động do khó tiếp cận và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tiếp cận tín dụng chính thức hạn chế, thiếu lao động có kỹ năng, khó tham gia và học hỏi từ chuỗi giá trị do các doanh nghiệp FDI dẫn dắt và không khai thác được hiệu quả kinh tế nhờ lợi thế về quy mô…
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), rào cản lớn nhất đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DNTN là khả năng tiếp cận tài chính (21,8% doanh nghiệp), trình độ yếu kém của lao động (10,7% doanh nghiệp)...
Bên cạnh đó, các DNTN phần lớn có quy mô vừa và nhỏ, tiềm lực hạn hẹp, khả năng đầu tư hạn chế, kinh nghiệm quản lý sản xuất yếu và năng lực cạnh tranh thấp.
Báo Thanh niên dẫn lời TS Kim Ngọc, Viện Hàn lâm khoa học và xã hội Việt Nam, cho rằng chính sách ưu ái lớn về nguồn tài nguyên, vốn... là nguyên nhân khiến khu vực tư nhân không thể cạnh tranh được với khu vực DNNN.
Trong suốt nhiều năm qua, yếu thế hơn nhưng kinh tế tư nhân vẫn đóng góp tới 43% GDP, còn khu vực kinh tế nhà nước chưa đến 30% GDP (dù nắm giữ khối tài sản khổng lồ hàng triệu tỉ đồng và chiếm 40% tổng vốn đầu tư toàn xã hội).
Điều đó cho thấy cổ phần hóa hàng trăm DNNN hầu như không ảnh hưởng tới cơ cấu nguồn lực của các doanh nghiệp này. Tái cơ cấu nói chung, cổ phần hóa và thoái vốn DNNN nói riêng chưa làm thay đổi phân bổ nguồn lực của nền kinh tế.
Việc DNNN nắm giữ nhiều nguồn lực ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của DNTN trong nước, các DNTN vốn chịu sự bất bình đẳng so với DNNN không chỉ trong tiếp cận với các nguồn lực sản xuất mà còn cả trong tiếp cận với các cơ hội kinh doanh.
Dẫn những cảng hàng không, cảng biển, đường cao tốc do một số DNTN đầu tư trong thời gian vừa qua và so sánh với nhiều hạng mục, công trình do một số DNNN đầu tư nhưng thua lỗ như: Nhà máy đạm Ninh Bình, Nhà máy xơ sợi Đình Vũ, Gang thép Thái Nguyên..., TS Kim Ngọc cho rằng có thể khẳng định các DNTN sẽ thay thế được vai trò đầu tư, phát triển thay cho những DNNN. Vốn đầu tư công chỉ nên tập trung vào những dự án, công trình thiết yếu, trọng điểm mà tư nhân chưa có khả năng làm được.
Tăng giờ làm thêm 400 giờ/năm mà không muốn tăng chi phí là bóc lột |
Doanh nghiệp vùng ĐBSCL cần nắm bắt cơ hội khi EVFTA thông qua |
Doanh nghiệp Hàn tổn thương từ phong trào tẩy chay Nhật Bản |
Ngày đăng: 20:00 | 15/08/2019
/ baodatviet.vn