Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel có thể vui vẻ gặp nhà lãnh đạo Nga, nhưng để ông Trump gặp thì không.
Giới phân tích lo ngại Tổng thống Trump sẽ "yếu thế" hơn trong cuộc gặp với nhà lãnh đạo Nga. |
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc gặp mặt chính thức với Tổng thống Nga Vladimir Putin thời gian qua.
Tuy nhiên, khi các thông tin xác nhận về hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông chủ Điện Kremlin được đưa ra hôm 28/6, các nhà lãnh đạo châu Âu dường như không hề muốn chào đón điều này, theo The Atlantic.
Xét cho cùng, trong bối cảnh hiện tại, Tổng thống Trump đang muốn gặp ông Putin tại một thời điểm khi ông vẫn còn bất đồng với cộng đồng tình báo trong nước về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử.
Trong khi đó, nhà lãnh đạo Mỹ tiếp tục mâu thuẫn với các đồng minh châu Âu về các vấn đề to lớn như chính sách thương mại, biến đổi khí hậu và thỏa thuận hạt nhân Iran. Không chỉ vậy, giữa một viễn cảnh một NATO không còn Mỹ dẫn dắt, các nhà lãnh đạo châu Âu đã bắt đầu nghĩ tới những phương án để tự đứng độc lập một mình.
Tất cả sự chia rẽ nói trên càng trở nên đáng lo ngại hơn, khi nhân vật mà Tổng thống Trump muốn tăng cường quan hệ lại là người đứng đầu nước Nga - ông Putin, chính khách từ lâu đã luôn được gắn mác là “đối thủ khó chịu” trong con mắt giới lãnh đạo châu Âu.
Tổng thống Trump và Tổng thống Putin đã gặp không chính thức hai lần trước đây, một lần tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg năm ngoái, và sau đó một lần nữa tại hội nghị thượng đỉnh APEC ở Việt Nam.
Cả hai đã lên kế hoạch cho một hội nghị chính thức lần đầu tiên vào ngày 16/7 tại Helsinki (một thành phố có truyền thống chủ nhà các cuộc gặp Mỹ-Nga), để thảo luận về cuộc nội chiến ở Syria, quan hệ Mỹ-Nga và các vấn đề an ninh quốc gia khác.
Châu Âu đứng ngồi không yên
Bản chất sự kiện gặp mặt giữa các nhà lãnh đạo Washington và Moscow là điều hoàn toàn bình thường. Vấn đề mà giới cầm quyền châu Âu lo ngại là họ không thể dự đoán điều gì sẽ được ông Trump mang đến cuộc gặp, tờ The Atlantic nhận định.
Trong suốt hơn một năm vừa qua, Tổng thống Trump tiếp tục thể hiện sự ưu tiên của nước Mỹ trên tất cả những lợi ích của đồng minh châu Âu.
Ông đã giáng một đòn nặng nề về thuế quan đối với mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu từ Liên minh châu Âu, cũng như các quốc gia đồng minh khác.
Ông đe dọa sẽ làm điều tương tự với mặt hàng ô tô của châu Âu, sẵn sàng dấn thân vào một cuộc chiến thương mại toàn diện.
Ông đã rời khỏi hội nghị thượng đỉnh G7 hồi giữa tháng này với lời kêu gọi Nga nên quay trở lại tư cách thành viên, một động thái không khác gì việc chấp nhận quyết định sáp nhập Crimea của Nga hồi năm 2014.
Đó là những động thái hết sức khó lường mà người châu Âu lo sợ nhà lãnh đạo Mỹ sẽ mang đến Helsinki vào giữa tháng 7 tới, theo các nhà phân tích.
Các nhà lãnh đạo châu Âu có nhiều điều để lo ngại trước hội nghị thượng đỉnh Trump-Putin. |
"Châu Âu không phải sợ Tổng thống Mỹ sẽ thỏa hiệp với người Nga, điều mà họ sợ là ông ấy có những thỏa thuận với Nga mà không đi theo bất kỳ khung chiến lược nào", Daniel Fried, cựu Đại sứ Mỹ tại Ba Lan và là nghiên cứu viên từ một Hội đồng Đại Tây Dương, giải thích.
Điều này cũng tương tự như quan điểm của một số nhà phân tích từng đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh lịch sử của ông Trump với lãnh đạo Triều Tiên hồi đầu tháng này tại Singapore.
Trong đó nhiều ý kiến cho rằng Tổng thống Trump đã nhận về “ít hơn là cho” trong tuyên bố chung của hai nước.
Washington nhận được từ Bình Nhưỡng một cam kết không rõ ràng về các mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và không có một thời gian xác định cụ thể.
Đổi lại, nhà lãnh đạo Mỹ cam kết đình chỉ các bài tập quân sự với Hàn Quốc và trao cho ông Kim cơ hội được hội nhập sâu hơn vào cộng đồng quốc tế.
Tương tự với cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ lần này, giới phân tích đánh giá một chính khách lão luyện như Tổng thống Putin có thể sẽ dễ dàng khiến ông Trump bị “cuốn” vào chương trình nghị sự của Moscow.
"Ông Putin có thể sử dụng những đòn quyến rũ", cựu Đại sứ Fried nói. “Cả hai đều thông minh và am hiểu vấn đề. Nhưng mọi người lo sợ rằng ông Putin có thể dễ dàng khiến Tổng thống Trump đồng thuận một số vấn đề, trong khi không có sự đáp lễ tương xứng. Nếu điều đó xảy ra, đó sẽ là một cuộc đàm phán tồi tệ”.
Tổng thống Trump có thể biến hội nghị ở Helsinki trở thành một phiên bản mới đối với những gì ông đã làm ở Singapore. Ông có thể cam kết ngừng các cuộc tập trận quân sự của NATO do Mỹ dẫn đầu tại Ba Lan và các nước Baltic mà Nga luôn lên tiếng phản đối.
Ông có thể chọn cách nới lỏng lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga, mà không cần giải quyết những tranh cãi xoay quanh việc sáp nhập Crimea và tôn trọng ý kiến của Ukraine. (Tổng thống Trump được cho là đã hỏi tại sao các lãnh đạo G7 lại đứng về phía Ukraine trong hội nghị thượng đỉnh hồi tháng trước, đồng thời nói thêm rằng Crimea là của người Nga vì mọi người đều nói tiếng Nga.)
Để biết xem hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ có đi đúng hướng theo ý của giới lãnh đạo châu Âu hay không, điều này sẽ còn phụ thuộc vào màn trình diễn của ông Trump trong các cuộc họp nội bộ phương Tây trước đó.
Tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels sắp tới, người châu Âu lo ngại Tổng thống Trump sẽ tái diễn lại quan điểm của mình tại hội nghị thượng đỉnh G7 bằng các tuyên bố mâu thuẫn với đồng minh liên quan đến thương mại và quốc phòng.
Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá Tổng thống Trump có thể sẽ tự làm khó mình khi cố tình gây chia rẽ với các đồng minh lâu năm chỉ để đối lấy quan hệ mặn mà hơn với Nga.
"Nếu Tổng thống Trump đến gặp ông Putin với hành trang là một liên minh thống nhất và nhẹ gánh hoàn toàn sau lưng, ông ấy đã thành công", Fried nói. “Ngược lại, nếu đến thượng đỉnh với một liên minh bị chia rẽ ở phía sau, bản thân ông ấy đã ở một vị thế yếu hơn so với người đồng cấp Nga”.
Trump nói đùa Cristiano Ronaldo có thể tranh cử tổng thống
Tổng thống Mỹ nói đùa với Tổng thống Bồ Đào Nha rằng cầu thủ Cristiano Ronaldo có thể cạnh tranh với ông nếu ra tranh ... |
Thượng đỉnh Trump - Putin sẽ diễn ra ngày 16/7 ở Phần Lan
Nhà Trắng cùng Điện Kremlin hôm nay xác nhận thời gian cũng như địa điểm tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ ... |
Trump ca ngợi World Cup ở Nga \'tuyệt vời\'
Tổng thống Mỹ tiếp tục thể hiện phản ứng tích cực với Nga khi ca ngợi nỗ lực tổ chức World Cup của quốc gia ... |
Ngày đăng: 19:24 | 30/06/2018
/ http://www.nguoiduatin.vn