Để thành công ở châu Âu, cầu thủ cần rèn luyện thêm nhiều yếu tố như ngoại ngữ, tính tự lập hay khả năng thích nghi, chỉ chuyên môn tốt thôi là chưa đủ.

Bản hợp đồng của Văn Hậu với Heerenveen giúp bóng đá Việt Nam có lần đầu tiên trong lịch sử xuất khẩu được hai cầu thủ sang chơi bóng tại châu Âu trong cùng một mùa giải. Văn Hậu chơi bóng ở Hà Lan, còn Công Phượng thi đấu cho Sint-Truidense của Bỉ. Nếu xuất ngoại sang châu Âu thi đấu trước đây chỉ là "giấc mơ" với bóng đá nước nhà, thì hôm nay, Việt Nam đã có những cầu thủ đầu tiên làm được điều này.

Theo chuyên gia Đoàn Minh Xương, người hâm mộ nên vui với điều đó. Mọi sự so sánh giữa Văn Hậu và các cầu thủ xuất ngoại trước đây là không cần thiết, bởi phải có những người đi trước mở đường, các cầu thủ ở thế hệ sau mới có phương hướng đúng đắn hơn để phát triển tại nước ngoài.

"Những cầu thủ Việt Nam được ra nước ngoài thi đấu như Tuấn Anh, Công Phượng, Xuân Trường, Văn Lâm, Văn Hậu hay trước đây là Huỳnh Đức, Trung Tuấn, Công Vinh,... phải xác định đó là điều đáng mừng cho bóng đá Việt Nam, chứng tỏ bóng đá Việt Nam đã được đánh giá đúng, có tiến bộ chuyên môn. Các cầu thủ được đưa ra để kinh doanh như một sản phẩm hoàn chỉnh.

Không nên so sánh Văn Hậu với Công Phượng, vì Văn Hậu đá hậu vệ, còn Công Phượng chơi tiền đạo. Một hậu vệ thường dễ thành công hơn tiền đạo. Đá hậu vệ cứ phòng ngự phá bóng nó sẽ dễ hơn tiền đạo vốn phải cầm bóng đột phá, phối hợp.

Việc so sánh Văn Hậu với các cầu thủ xuất ngoại trước đây là chuyện không cần thiết. Đơn cử như so chuyện Huỳnh Đức đi xuất ngoại ngày xưa (sang CLB Trùng Khánh Lực Phàm của Trung Quốc) với Văn Hậu ngày nay thì rất khập khiễng. Mỗi giai đoạn lịch sử có một tính chất khác nhau. Việc Văn Hậu được sang Hà Lan cho thấy bóng đá Việt Nam đã tiến bộ. CLB Heerenveen cũng có quá trình theo dõi, đánh giá mới mang Văn Hậu về, đấy là điều tốt", ông Xương khẳng định.

Văn Hậu sang Heerenveen là điều mừng cho bóng đá Việt Nam.

Việc Văn Hậu, Công Phượng xuất ngoại cũng sẽ tạo bước ngoặt trong tư duy làm bóng đá của các CLB. Hà Nội FC nhận lại 300.000 USD phí mượn cầu thủ từ Heerenveen, đây là số tiền có thể được sử dụng để tái đầu tư vào đào tạo trẻ. Đã đến lúc bóng đá Việt Nam cần tính toán thu lợi nhuận từ chuyển nhượng, không thể cứ mãi chờ ông bầu "rót tiền" để tồn tại.

Đã đến lúc V-League phải thích nghi với cơ chế chuyên nghiệp, đào tạo cầu thủ giỏi phải bán đi lấy tiền và tái sản xuất, chứ đâu thể sống nhờ vào tiền của các ông bầu mãi được.

"Nếu các em thành công, bóng đá Việt Nam sẽ hưởng lợi. CLB Việt Nam cho cầu thủ ra nước ngoài cũng nhận lại khoản tiền lớn. Đã đến lúc V-League phải thích nghi với cơ chế chuyên nghiệp, đào tạo cầu thủ giỏi phải bán đi lấy tiền và tái sản xuất, chứ đâu thể sống nhờ vào tiền của các ông bầu mãi được. 

Nhờ có Văn Hậu, Công Phượng xuất ngoại, các CLB Việt Nam sẽ quan tâm nhiều hơn đến đào tạo trẻ. Không những mình tập trung đầu tư cho lứa trẻ để sử dụng, mà nếu cầu thủ hoàn thiện tốt về chuyên môn, mình bán để tạo nguồn thu cho CLB. Các em được chơi ở nền bóng đá phát triển, khi về sẽ đóng góp được nhiều hơn cho ĐTQG", ông Xương chia sẻ.

Sau cùng, việc bầu Hiển hay bầu Đức xuất khẩu cầu thủ ra sao, ai thành công hơn ai, cũng không nên là đề tài tranh luận, bởi mỗi ông bầu đều có một đóng góp riêng, nước đi riêng. Bầu Hiển đào tạo trẻ có phần khôn ngoan hơn, song tại sao bầu Đức lại là người tiên phong chứ không phải ai khác, đó là lựa chọn của lịch sử.

Văn Hậu mang về khá nhiều tiền cho CLB Hà Nội sau vụ chuyển nhượng tới Hà Lan.

"Mình không nên so cách làm của bầu Hiển với bầu Đức. Nếu không có bầu Đức, bóng đá Việt Nam có xuất khẩu cầu thủ đều đặn ra nước ngoài không? Mình phải đánh giá trong bối cảnh lịch sử, mỗi nơi có một cách làm đào tạo trẻ riêng. Không nên khẳng định ai đúng, ai sai. 

Khi cầu thủ của bầu Đức hay bầu Hiển xuất ngoại, ta hiểu rằng bóng đá nước nhà đã tiến bộ, nhưng để tiến lên đẳng cấp cao hơn thì còn phải làm nhiều thứ lắm. Ở Việt Nam, liệu đã CLB làm ra tiền, khi mà HAGL dùng tiền bầu Đức còn Hà Nội FC dùng tiền bầu Hiển. Bầu Đức có thể không thành công, nhưng phải có bước đi thứ nhất rồi mới có bước đi thứ hai.

Nếu bầu Đức không liên kết với Arsenal JMG để cho "ra lò" Tuấn Anh, Xuân Trường thì liệu các CLB khác có đào tạo nhiều như bây giờ không? Luôn phải có những người tiên phong. Hy vọng sau này có thêm nhiều CLB đưa cầu thủ đi ra nước ngoài. Cả hai đều đóng góp cho bóng đá Việt Nam, ta phải trân trọng.

So sánh hai ông bầu cũng giống so Messi với Ronaldo, không nên so làm gì. Giờ đâu ai có thể vỗ ngực nói đã thành công cùng bóng đá Việt Nam đâu", ông Xương kết luận.

Báo Hà Lan bất ngờ đặt cho Văn Hậu biệt danh "Van Dijk Việt Nam"
Văn Hậu sang Hà Lan và sự trỗi dậy của bóng đá Việt Nam trước Thái Lan
Đoàn Văn Hậu và câu chuyện tình yêu thầm lặng với cô bạn gái xinh đẹp

Ngày đăng: 14:04 | 03/09/2019

/ vtc.vn