Biến thể Delta đang gây ra làn sóng lây lan trên diện rộng tại các tỉnh, thành phố phía Nam và TP Hồ Chí Minh có khả năng đe dọa thành quả chống dịch của thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, việc tiêm đủ các mũi của vaccine ngừa COVID-19 có khả năng chống được biến thể này.

Các chuyên gia cho rằng, sự biến chủng của corona virus là hết sức tự nhiên, đó cũng là bản chất của các loại virus nói chung. Trên thế giới, SARS-CoV-2 liên tục sản sinh biến thể mới kể từ khi bùng phát dịch Covid-19, đã có hàng trăm biến chủng phát hiện được trên thế giới. Các chuyên gia đã dự đoán nhiều biến thể có khả năng đe dọa thành quả chống dịch của thế giới, trong đó có biến thể Delta.

PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết, 4 chủng virus corona mới được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gọi là biến chủng đáng quan ngại được phát hiện lần đầu tiên tại Anh, Nam Phi, Brazil và Ấn Độ. WHO đã thống nhất gọi 4 biến chủng mới này theo các ký hiệu bao gồm Alpha, Beta, Gamma và Delta. Trong đó, biến thể Delta (còn gọi là B.1.617.2) là tên của biến thể virus SARS-CoV-2 chủng mới được ghi nhận lần đầu tiên tại Ấn Độ đã lan rộng hơn sang hơn 100 quốc gia và được coi là biến thể nguy hiểm nhất trong số 4 biến thể nói trên bởi tốc độ lây lan vượt ngoài dự đoán của nhiều chuyên gia dịch tễ.

Tại nước ta, biến thể Delta là biến chủng của virus SARS-CoV-2 được phát hiện phổ biến trong các ca dương tính Covid-19 đợt dịch thứ 4, từ Bắc Ninh, Bắc Giang lan ra TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố phía Nam. “Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá biến thể Delta là một biến chủng mới đáng quan ngại bởi tốc độ lây lan nhanh chóng. Nếu như biến thể Alpha có khả năng lây nhiễm cao hơn 70% so với các biến thể cũ, thì biến thể Delta còn có khả năng lây lan nhiều hơn gấp 1,5 lần so với biến thể Alpha và làm gia tăng gấp đôi nguy cơ nhập viện của bệnh nhân (BN) Covid-19 so với các biến chủng khác. Chính vì vậy, tỷ lệ phát hiện F1 cao hơn rất nhiều so với biến thể Alpha. Bằng chứng là ghi nhận ca F0, F1 gia tăng mỗi ngày tại khu vực phía Nam và chu kỳ lây nhiễm chỉ khoảng 2-3 ngày”, ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Một nghiên cứu gần đây của một nhóm các nhà khoa học ở Singapore được đăng trên website MedRxiv giúp chúng ta hiểu rõ hơn về vấn đề này. Trong nghiên cứu này họ thực hiện trên 2 nhóm:

- Nhóm 1: 84 người đã được chích ngừa bằng vaccine mRNA của Pfizer/BioNTech hoặc Moderna, trong đó có 71 người đã được tiêm chủng đầy đủ 2 liều (sau 14 ngày tiêm liều 2).

- Nhóm 2: 130 người chưa được chích ngừa.

Lượng virus được được ghi nhận tương đối qua giá trị Ct (giá trị Ct càng cao virus càng ít và ngược lại) là “tương tự nhau” giữa 2 nhóm đã tiêm chủng và chưa tiêm chủng vào thời điểm phát hiện bị nhiễm bệnh COVID-19 qua chẩn đoán.

Tuy nhiên, lượng virus trong những người đã được tiêm chủng giảm nhanh hơn rất nhiều so với nhóm không tiêm chủng. Các kháng thể kháng virus tạo ra trong cơ thể người đã được tiêm chủng cũng cho thấy khả năng nhận biết và trung hòa virus mạnh mẽ, tuy cường độ giảm hơn so với chủng gốc.

Mặc dù nhóm người đã chích vaccine bị nhiễm virus hầu hết có độ tuổi cao hơn (trung bình là 56 tuổi) so với nhóm chưa chích vaccine (trung bình là 39.5 tuổi) nhưng tỉ lệ người trong nhóm đã chích vaccine cần phải có hỗ trợ y tế (thở oxy) rất thấp so với nhóm chưa chích ngừa.

Tỉ lệ người mắc virus không có triệu chứng ở nhóm đã chích vaccine là 28.2%, trong khi đó ở nhóm chưa chích ngừa là 9.2%. Trong nhóm người đã được chích ngừa, tỉ lệ người bị sốt là 40.9%, bị ho 38%, bị đau họng 25.4%, khó thở 1.4%; trong khi đó ở nhóm người chưa chích vaccine thì , tỉ lệ người bị sốt là 73.9%, bị ho 60.8%, bị đau họng 33.1%, khó thở 13.1%.

Nghiên cứu này cho thấy rằng các vaccine COVID-19 đang được sử dụng hiện nay (ít nhất là vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna) vẫn có hiệu quả giúp bảo vệ người được chích ngừa trước biến chủng Delta. Nếu như không may người đã chích ngừa bị nhiễm virus thì các triệu chứng cũng nhẹ và vượt qua dễ dàng.

Vì vậy, vaccine vẫn là "chìa khóa" để chúng ta thoát ra khỏi đại dịch Covid-19. Biến chủng mới Delta đang làm giảm hiệu quả phần nào của các vaccine hiện nay hoặc ở những người có hệ miễn dịch suy yếu (vaccine không thể phát huy hết hiệu quả dù đã chích đủ liều) là điều đáng lo ngại. Do vậy, mới đây, Mỹ đã bắt đầu chích liều thứ 3 ở những người bị suy giảm miễn dịch để hy vọng có thể đẩy mạnh hơn hiệu quả bảo vệ của vaccine đã chích trước đó cho những nhóm có nguy cơ cao này.

PV (th)

Biến thể Delta "tấn công" cảng biển của Trung Quốc, vận tải toàn cầu ảnh hưởng Biến thể Delta "tấn công" cảng biển của Trung Quốc, vận tải toàn cầu ảnh hưởng
Tiêm liều thứ 3 vaccine vẫn có thể nhiễm COVID-19 Tiêm liều thứ 3 vaccine vẫn có thể nhiễm COVID-19
Các bang đông dân nhất Australia vật lộn với biến thể Delta Các bang đông dân nhất Australia vật lộn với biến thể Delta

Ngày đăng: 09:50 | 18/08/2021

/ Nghề nghiệp và cuộc sống