Bên cạnh chiếc Yak-130 của Nga thì L-39NG do Tập đoàn Aero Vodochody của Cộng hòa Czech chế tạo cũng rất đáng quan tâm do sự thân thuộc từ nhiều năm qua.
Vào ngày 22/12, Tập đoàn Aero Vodochody hồ hởi công bố rằng chiếc máy bay huấn luyện kiêm phi cơ tấn công mặt đất hạng nhẹ L-39NG (Next Generation) đầu tiên có số thứ tự 7001 đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm rất thành công.
Điều khiển chiếc L-39NG là hai phi công thử nghiệm David Jahoda và Vladimír Továrek. Máy bay cất cánh từ đường băng lúc 10 giờ 38 phút, leo lên tới độ cao 1.500 m và sau 26 phút trên trời nó đã hạ cánh thành công tại khuôn viên của Aero Vodochody.
Sự kiện trên đánh dấu cột mốc quan trọng của chiếc máy bay huấn luyện cao cấp thế hệ mới được phát triển dựa trên L-39 Albatros rất thông dụng đang phục vụ trong hàng chục lực lượng không quân trên khắp thế giới, trong đó có cả Việt Nam.
Máy bay huấn luyện - tấn công hạng nhẹ L-39NG trong chuyến bay đầu tiên
L-39NG lần đầu tiên được giới thiệu tại Triển lãm Hàng không quốc tế Farnborough 2014, thế hệ kế tiếp của L-39 Albatros có nhiều điểm vượt trội như động cơ mạnh mẽ, khung thân nhẹ hơn và có buồng lái kính hiện đại cùng hệ thống điện tử hàng không tiên tiến cho phép tăng hiệu quả đào tạo phi công lên nhiều lần.
Chiếc máy bay huấn luyện - chiến đấu mới có 5 giá treo vũ khí (so với L-39 chỉ có 2 - 4 giá treo) để mang được nhiều loại tên lửa không đối không, không đối đất, cũng như các loại bom, đạn và thiết bị cảm biến khác. Tổng tải trọng vũ khí mà L-39NG mang được là 1.200 kg, gấp 5 lần con số 250 kg của L-39 Albatros.
Ngoài ra nhờ khung thân được thiết kế lại mà tuổi thọ được nâng lên trên 15.000 giờ bay, gấp 4 lần so với con số 3.000 - 4.500 giờ của L-39 cũ. Cánh và các thùng nhiên liệu bên trong cũng được thiết kế lại, tác dụng tăng đáng kể tầm và thời gian bay, gấp 2 lần so với L-39 cũ.
Máy bay huấn luyện L-39C Albatros của Không quân Việt Nam
Hiện nay Không quân nhân dân Việt Nam đang vận hành phi đội máy bay huấn luyện L-39C Albatros khá đông đảo, tuy nhiên thời gian chúng phải về hưu đã cận kề trong khi ứng viên thay thế chưa rõ ràng.
Trước kia đã có phương án chúng ta mua một phi đội Yak-130 từ Nga để thay thế L-39C. Tuy nhiên giá thành Yak-130 là tương đối cao, phi công cũng sẽ phải học tập làm quen lại từ đầu và quan trọng nhất là không tận dụng được cơ sở đảm bảo kỹ thuật của L-39 cũ.
Nếu Việt Nam tiến thẳng từ L-39C lên L-39NG xem chừng là một giải pháp không tồi khi chi phí bảo dưỡng và vận hành thấp, phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam.
Bên cạnh đó, chúng ta còn tận dụng được máy móc phương tiện và quy trình vận hành của L-39, thời gian chuyển loại cực nhanh bởi L-39NG được chế tạo để thay thế trực tiếp và phát triển trên chính L-39.
Aero Vodochody còn cho biết họ sẵn sàng sản xuất theo lô nhỏ với giá thành không đổi nhằm phù hợp với nhu cầu và ngân sách của khách hàng. Đây là yêu cầu hết sức đặc thù với điều kiện kinh tế của Việt Nam mà Yak-130 khó lòng đáp ứng nổi, cho nên sẽ không ngạc nhiên nếu chúng ta quyết định lựa chọn L-39NG.
Tổng thống Macron: Pháp vẫn duy trì hiện diện quân sự tại biên giới Syria Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định Pháp vẫn sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện quân sự ở khu vực biên giới Syria ... |
Mỹ sa lầy ở Afganistan như thế nào? Xin giới thiệu bài phân tích của chuyên gia Nga Boris Djerelievski với tiêu đề trên về những động thái mới đây và các kế ... |
Ngày đăng: 16:20 | 25/12/2018
/ http://baodatviet.vn