Cứ mỗi mùa tuyển sinh, câu chuyện về các khoản phụ phí ở trường ngoài công lập lại làm “nóng” dư luận. Mỗi trường thu một kiểu, có nơi lên tới hàng chục triệu đồng. Phụ huynh dù không muốn nhưng đành “cắn răng chấp nhận” để mong giữ chỗ học cho con.
Tự đặt luật chơi riêng…
Khi học sinh đi học trở lại sau dịch COVID-19, các cơ sở giáo dục trên cả nước đã rục rịch công bố phương án và phát hành hồ sơ tuyển sinh đầu cấp. Như mọi năm, nhiều trường đã đưa ra khoản thu gọi là “phí giữ chỗ”, “phí ghi danh”… từ hàng chục triệu đến hơn trăm triệu đồng.
Đây là khoản thu mang tính chất thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường trên nguyên tắc tự nguyện. Nghĩa là hai bên ngồi lại với nhau, cùng trao đổi trên cơ sở bình đẳng, tự nguyện, hài hòa lợi ích. Tuy nhiên hiện nay việc thu “phí giữ chỗ” ở nhiều trường học tại Việt Nam được “áp đặt” cho phụ huynh theo cách, nếu chấp nhận đăng ký vào trường thì phải nộp số tiền này. Loại phí này cũng được mỗi trường thu một kiểu, với mức khác nhau.
Tại Hệ thống Trường Liên cấp Việt - Úc Hà Nội, phụ huynh cũng phải nộp hai loại “phí ghi danh” 1.050.000 đồng và “phí giữ chỗ” 10.500.000 đồng, khi nộp hồ sơ vào trường năm học 2020-2021.
Theo thông báo tuyển sinh của Trường Việt Mỹ tại TPHCM (VAschool), ngoài “phí giữ chỗ” 10 triệu đồng, nhà trường còn quy định thêm một khoản phí nữa là “phí nhập học” với mức 4 triệu/năm học.
Còn Trường Quốc tế Canada (TPHCM) với mức học phí cả năm được công bố từ 299 - 705,3 triệu đồng/năm học, nếu muốn vào học, phụ huynh cũng phải chấp nhận nhiều khoản phí khác. Các khoản phí như “phí kiểm tra đầu vào” 1,1 triệu đồng, “phí nhập học” từ 22 - 33 triệu đồng tuỳ theo lớp. Ngoài ra, trường này còn có một loại “phí giữ suất học” được quy định tới 20 triệu đồng, “phí lớp tiếng Việt sáng thứ 7” là 20 triệu, “phí chương trình hỗ trợ tiếng Anh ELL” lên tới 92 triệu đồng. Các khoản phí trên không được hoàn lại.
Trường Quốc tế Singapore cũng có các khoản phí ghi danh lên đến 21.500.000 đồng và phí đặt cọc là 15.000.000 đồng. Mỗi mùa tuyển sinh, câu chuyện “phụ phí” ở các trường ngoài công lập, đặc biệt các trường quốc tế lại nhận được sự quan tâm. Hầu hết các trường đều đưa ra muôn vàn kiểu thu, cách thu để “giữ chân” phụ huynh.
Theo chị N.M.N.T (phụ huynh Trường Quốc Tế Singapore), dù không muốn, nhưng chị và các phụ huynh khác bắt buộc phải đóng những khoản phí này để chắc chắn có một suất học cho con.
Về vấn đề này, Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) khẳng định, việc trường dân lập, tư thục thu “phí giữ chỗ”, “phí ghi danh”… của phụ huynh học sinh là trái các quy định pháp luật. Theo Luật sư Ứng, bản chất số tiền mà phụ huynh phải đóng góp cho các trường ngoài công lập khi nộp hồ sơ nhập học cho con, nói theo Bộ luật Dân sự là khoản tiền đặt cọc. Ví dụ mua nhà, mua xe… thì phải nộp tiền đặt cọc, còn không có quy định nào nói là “phí đặt cọc”, “phí ghi danh” hay “phí giữ chỗ”… Các tên gọi này là do các trường tự nghĩ ra, biến tướng, trong các văn bản pháp luật không có quy định nào nói về thuật ngữ này. Nếu là thỏa thuận dân sự thì phải gọi là “hợp đồng đặt cọc”, mà khoản đặt cọc này lại không được áp dụng trong giáo dục. Về mặt luật pháp là không cho phép thu “phí giữ chỗ”, “phí ghi danh” - Luật sư Bùi Đình Ứng khẳng định. Cũng theo Luật sư Bùi Đình Ứng, căn cứ cả về tình, về lý, các trường ngoài công lập thu các khoản phí này vừa không đúng pháp luật, vừa phản cảm: “Cả về lý và tình, các trường thu các khoản phí này đều không đúng. Các trường nên giữ học sinh bằng chất lượng đào tạo, chứ không phải tự đặt ra các khoản phí rồi giữ nhau, trói nhau”.
Mỗi nơi vận dụng luật theo cách khác nhau
Câu chuyện về “phí giữ chỗ” hay các khoản phí có nội dung tương tự được các trường ngoài công lập đặt ra đã được bàn luận, thảo luận rất nhiều lần. Tuy nhiên, mỗi địa phương lại có những cách áp dụng khác nhau. Khi yêu cầu các trường trả lại “phí giữ chỗ” cho phụ huynh trong các vụ “lùm xùm” tuyển sinh năm 2018, 2019 trước đây, lãnh đạo Sở GDĐT khẳng định “phí giữ chỗ” mà các trường ngoài công lập thu của phụ huynh là sai quy định.
Ông Lê Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội - dẫn Điều 14 về nguồn thu của các cơ sở thực hiện xã hội hóa (gồm cả trường ngoài công lập) trong Nghị định 69 ban hành năm 2008 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với hoạt động giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường. Chỉ khoản 1 điều này quy định về thu phí và lệ phí.
“Truy cứu thế nào là phí và lệ phí sẽ thấy không có khoản nào nói về “phí đặt chỗ” và “ghi danh”. Như vậy, việc các trường đặt ra khoản đó là sai”, ông Quang nhấn mạnh và thông tin thêm Luật Giáo dục cũng chỉ nói đến “học phí” và “lệ phí tuyển sinh” chứ không hề nhắc tới các khoản “phí đặt chỗ” hay “giữ chỗ”. Ông Quang cũng nhận định, việc so sánh lệ phí giống khoản mua bán, đặt cọc ngoài thị trường, đưa vấn đề thương mại hóa vào trường học là không phù hợp.
Trong khi đó, Sở GDĐT TPHCM lại cho rằng, “khó can thiệp”. Theo ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở GDĐT TPHCM: Các khoản thu tại trường ngoài công lập phải căn cứ vào Luật Doanh nghiệp và Nghị định 86/2015 của Chính phủ. Theo đó, các khoản thu trong đó có cả “phí giữ chỗ”, “phí đăng ký”… được thực hiện trên cơ sở nhà trường thống nhất, thoả thuận với phụ huynh.
Mỗi nơi hiểu một kiểu, thực hiện một kiểu, nên đến nay câu chuyện phí giữ chỗ, phụ phí ở các trường ngoài công lập vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Các trường tiếp tục đưa ra nhiều mức thu, còn phụ huynh đành “cắn răng” để nộp.
HUYÊN NGUYỄN - ĐẶNG CHUNG
Nhiều trường tư thục tại TP HCM công bố học phí gần 50 triệu đồng/tháng
Theo bảng hệ thống trường lớp tuyển sinh năm học 2019-2020, nhiều trường tư thục, có giảng dạy chương trình nước ngoài tại TP HCM ... |
Phụ huynh bức xúc, Trường Newton thay đổi cách thu phụ phí dạy online
Phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học - Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Newton (Hà Nội) bày tỏ bức ... |
Trường THCS Thanh Xuân: "Không phải học phí chất lượng cao mà là phí bổ trợ"
Liên quan đến lùm xùm việc nhiều phụ huynh bức xúc khi phải đóng cả 2 loại học phí theo thông báo từ Trường THCS ... |
Ngày đăng: 21:38 | 30/05/2020
/ laodong.vn