Dẫu kẻ tham nhũng có nhiều thủ đoạn tinh vi cỡ nào cũng không che mắt được nhân dân nếu cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra quyết tâm.
Liên quan đến vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty CP Địa ốc Alibaba, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM phong tỏa tài khoản 16 người là người thân trong gia đình Nguyễn Thái Luyện (Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Alibaba), trong đó có cha mẹ ông này.
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ủng hộ biện pháp cưỡng chế trên và cho rằng đó là biện pháp thích hợp để ngăn chặn tẩu tán tài sản do vi phạm pháp luật mà có.
Phong tỏa tài khoản đã được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự, trong đó biện pháp này cũng được áp dụng đối với tài khoản của người khác nếu có căn cứ cho rằng số tiền trong tài khoản đó liên quan đến hành vi phạm tội của người bị buộc tội.
"Nhà nước không thu hồi tài sản của người nào một cách vô căn cứ. Việc phong tỏa tài khoản là để tránh các đối tượng tẩu tán tài sản do vi phạm pháp luật mà có và sẽ được hủy bỏ nếu cơ quan điều tra thấy không còn cần thiết", ông Hùng nói.
Từ vụ án tại Công ty CP Địa ốc Alibaba, nhìn về công cuộc phòng chống tham nhũng, ông Vũ Quốc Hùng cho hay, một trong những mục tiêu chống tham nhũng là phải thu hồi tài sản bất minh, các nghị quyết của Đảng, văn bản của Nhà nước đã khẳng định điều này.
|
|
Lực lượng chức năng khám xét trụ sở Alibaba tại quận Thủ Đức, TP.HCM hôm 18/9. Ảnh: Tuổi trẻ |
Nếu cơ quan công an làm một cách công minh, nghiêm túc thì các đối tượng tham nhũng và cả người thân của các đối tượng này đều phải giải trình về nguồn gốc tài sản mà mình nắm giữ mà vụ MobiFone mua cổ phần AVG là một ví dụ, các đối tượng đều phải nói rõ mình đã đưa tiền cho ai.
"Việc này không hề dễ bởi những kẻ tham nhũng luôn có mưu kế, thủ đoạn tinh vi nhằm che lấp hành vi tham nhũng của mình. Nhưng tôi tin rằng, dẫu thủ đoạn tinh vi đến đâu cũng không che mắt được những người làm công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra nếu quyết tâm", Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận xét.
Cũng theo ông Vũ Quốc Hùng, thông thường, người phạm tội tham nhũng đứng tên rất ít hoặc không đứng tên sở hữu khối tài sản do tham nhũng mà có. Các đối tượng này thường tìm cách tẩu tán tài sản bằng cách cho người thân như bố, mẹ, con cái đứng tên chủ sở hữu nhà cửa, đất đai, xe cộ…
Luật Phòng chống tham nhũng 2018 (đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2019) đã quy định người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai trung thực về tài sản, thu nhập và biến động về tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng, con chưa thành niên, giải trình trung thực về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm.
Các loại tài sản, thu nhập cần kê khai, theo quy định, gồm: Quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng; Kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và động sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; Tài sản, tài khoản ở nước ngoài.
Tuy nhiên, để ngăn chặn việc đối tượng tham nhũng khi thấy bị lộ thì tẩu tán tài sản cho người thân; hoặc người thân của họ tìm cách tẩu tán tài sản tham nhũng cho những người khác, hoặc chuyển nó ra nước ngoài, việc phong tỏa tài sản của người thân đối tượng có dấu hiệu tham nhũng trong một thời gian nhất định là vô cùng cần thiết.
"Đảng ta đã nói: không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong công tác phòng, chống tham nhũng, do vậy cứ thế mà làm. Luật pháp đã có quy định, chỉ cần tất cả các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra có quyết tâm cao và không bị sức ép gì", ông Vũ Quốc Hùng nhấn mạnh.
Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019 của Chính phủ nêu rõ, nhiều vụ án được mở rộng điều tra, khởi tố thêm nhiều bị can, làm rõ bản chất chiếm đoạt, tham nhũng, tiếp tục khẳng định quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” trong đấu tranh phòng chống tham nhũng. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thừa nhận, số vụ việc, vụ án được phát hiện, xử lý chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng, nhất là công tác phát hiện, xử lý ở địa phương. Chất lượng và tiến độ điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng, kinh tế chưa đạt yêu cầu, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng có tiến bộ đáng kể nhưng còn thấp hơn nhiều giá trị tài sản bị chiếm đoạt, gây thiệt hại. Năm 2019 cơ quan điều tra đã khởi tố mới 214 vụ, 487 bị can tham nhũng; thiệt hại trên 1.028 tỷ đồng và 22.069 m2 đất; thu hồi 615.06 tỷ đồng và 11.867 m2 đất; kê biên trên 795 tỷ đồng. Đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 217 vụ, 653 bị can. Tòa án nhân dân các cấp thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 344 vụ, 849 bị cáo (tăng 31 vụ so với năm 2018); đã xét xử sơ thẩm 240 vụ, 517 bị cáo về các tội danh tham nhũng. Có 9 bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình, tù chung thân. |
Dự án của ‘siêu lừa’ địa ốc Alibaba vi phạm tất cả các luật |
Thấy gì từ việc phong tỏa tài khoản cha mẹ TGĐ Alibaba? |
Sale Alibaba đã dụ cả bạn bè, người thân vào tròng như thế nào? |
Ngày đăng: 08:27 | 01/10/2019
/ baodatviet.vn