Ngày 23-11-2012, Tập đoàn Trung Nguyên đã phối hợp  với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức chương trình “Ngày hội sáng tạo vì khát vọng Việt” tại Dinh Thống Nhất. Và Nhà báo Nguyễn Như Phong đã có cuộc trao đổi với Đặng Lê Nguyên Vũ. Thoimoi.vn xin giới thiệu lại với bạn đọc.
 

Đặng Lê Nguyên Vũ (mở đầu): Có thể nói, đây là diễn đàn đầu tiên tụ hội các chuyên gia kinh tế nhằm giúp cộng đồng thức tỉnh và xác định tâm thế cho cuộc chiến mới: Cuộc chiến trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu giữa các doanh nghiệp Việt còn non kém kinh nghiệm, yếu về tài chính với các doanh nghiệp toàn cầu mạnh mẽ về tài chính và sành sỏi kinh nghiệm. Hội thảo cũng nhằm đưa ra bức tranh toàn cảnh một cách toàn diện về cuộc chiến giữa thương hiệu Việt và thương hiệu toàn cầu. Thông qua đó, các chuyên gia, lãnh đạo của những thương hiệu nổi tiếng trình bày về mô thức thành công của một thương hiệu và từ đó tìm kiếm cơ hội và mở rộng quy mô để từ một con "châu chấu" có thể biến thành "voi".

Tôi thấy rằng, những quốc gia vĩ đại trên thế giới đều quan tâm nuôi dưỡng, phát triển ba vấn đề chính: chiến binh, doanh nhân, sáng tạo. Nhưng chúng ta thì chỉ mới có, hay nói đúng hơn là mới có "thành quả” về chiến binh trong các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ đất nước. Đã đến lúc các doanh nhân phải phát huy vai trò của mình trên mặt trận mới. Đã đến lúc chúng ta cần phải đánh giá đúng và xứng đáng về khả năng sáng tạo của con người trong công cuộc kiến thiết đất nước. Và đã đến lúc, chúng ta phải xác định lại những giá trị quốc gia thay vì trước đây chỉ có một hệ giá trị. Nên chúng ta cần phải nhận diện đúng nguy cơ cũng như thời cơ của chính mình để khắc chế nguy cơ và tận dụng thời cơ. Bởi trong cuộc chiến kinh tế, nếu thua sẽ bị thôn tính.

tu tuong lam kinh te cua vu trung nguyen
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ trong lần gặp gỡ báo chí gần đây

N.N.P: Có cảm giác là thế hệ thanh niên bây giờ thiếu hoài bão, thiếu động lực vươn lên?

Đặng Lê Nguyên Vũ: Không chỉ thanh niên, mà cả một thế hệ đang sống thiếu hoài bão. Đồng thời, cũng không có tính kế thừa. Điều đó thể hiện từ trong quá khứ, khi triều đại này lên liền phủ nhận vứt bỏ mọi thành quả của triều đại cũ. Nên hệ giá trị quốc gia bị đứt khúc, không liền mạch. Trung tâm của mọi trung tâm bây giờ là làm giàu và kiến quốc. Vấn đề là ai sẽ làm chủ, ai sẽ nêu gương?

Cần đặt lợi ích quốc gia lên cao nhất

N.N.P: Tạo dựng niềm tin cũng là vấn đề quan trọng. Lịch sử vệ quốc của chúng ta đã chứng minh, khi chúng ta tin rằng, làm được thì sẽ làm được, tin ở chiến thắng thì sẽ thắng… Nghe nói Trung Nguyên đang có tham vọng sẽ chinh phục nước Mỹ bằng cà phê?

Đặng Lê Nguyên Vũ: Không còn là tham vọng nữa mà chúng tôi đã cử hai nhóm ở bên đó mấy năm nay rồi, để khảo sát thị trường và xây dựng kế hoạch. Nói thì lúc nào cũng dễ, làm thì không bao giờ là đơn giản. Nước Mỹ không thiếu cà phê. Họ lại là một đế chế chuyên chinh phục nước khác bằng kinh tế và quân sự. Chinh phục nước Mỹ đồng nghĩa với chinh phục thế giới. Thế nên càng không dễ dàng để chinh phục họ.

N.N.P: Xem ra đây sẽ là một bài toán cực khó. Anh có niềm tin mình sẽ thắng trong cuộc chiến này không?

Đặng Lê Nguyên Vũ: Khó. Nhưng vẫn phải tin, vẫn phải làm. Phải làm để chứng minh đó là việc làm được. Đây không phải chỉ là chuyện buôn bán thuần túy. Nếu Trung Nguyên thành công thì sẽ cộng hưởng cho cả đất nước. Hy vọng rằng, khi thấy Trung Nguyên làm được thì những người khác cũng muốn làm và hãy tin là sẽ làm được. Đất nước cần có những người biết đặt lợi ích quốc gia lên trên doanh số bán hàng. Mỗi người phải nhận thức được đâu là vì quốc gia dân tộc để mà làm.

N.N.P: Có vẻ như hiện nay anh đang khá cô độc trong cuộc chiến này. Chẳng lẽ "cơ đồ” lớn như thế mà không có lãnh đạo nào nhận ra sao? Không có sự hậu thuẫn nào sao?

Đặng Lê Nguyên Vũ: Không chỉ cần lãnh đạo cấp cao nhìn thấy, mà cần cả bộ máy vận hành. Cũng có thể trọng tâm công tác từng giai đoạn, từng thời kỳ khác nhau. Ví dụ tôi muốn làm công - nông - nghiệp liên hoàn, không ai phản đối, nhưng cơ chế vẫn còn rất lòng vòng. Nên chiến lược quan trọng mà giải pháp thực thi và trách nhiệm thực thi cũng quan trọng không kém.

tu tuong lam kinh te cua vu trung nguyen

Nhìn thấy "cái ảo" của nền kinh tế từ 4 năm trước

N.N.P: 4 năm trước, tôi từng hỏi anh, tại sao không tham gia thị trường chứng khoán. Anh khẳng định không làm vì không tin vào giá trị thực của thị trường chứng khoán và anh cho đó là giá trị ảo, là quả bóng bay… Và chắc chắn sẽ vỡ. Cho đến nay, tình hình thực tế đã chứng minh anh đúng!

Đặng Lê Nguyên Vũ: Điều đó là rõ ràng rồi. Cái gì mà thuộc về chiến lược thì không thể làm ngắn hạn. Trung Nguyên phát triển dài hạn, làm những gì mang tính chiến lược, nên không thể chạy theo thị trường ngắn hạn. Tôi vẫn biết, nếu mình đi trên con đường mình đang đi, đúng hướng mình vạch ra, xác định rõ thì sẽ chậm hơn những người khác. Nhưng lúc đó nhìn người ta làm giàu một cách nhanh chóng bằng chứng khoán, tôi lại thấy sợ.

N.N.P: Anh đã thấy kết cục tất yếu của nó từ rất sớm đấy chứ. Cho đến bây giờ vẫn thấy quan điểm của anh còn vẹn nguyên giá trị.

Đặng Lê Nguyên Vũ: Nhìn thấy nhưng tiếc là không làm gì được. Nó vẫn ngoài tầm kiểm soát của mình.

N.N.P: Một số đại gia mà tôi biết, từng kính nể ngày đó, bây giờ có người đã bị phá sản. Anh giải thích như thế nào về cú "ngã ngựa" liên tiếp của họ?

Đặng Lê Nguyên Vũ: Nhiều doanh nghiệp của chúng ta đã không nhận diện được cuộc chơi, lấy sở đoản của mình để đối phó với sở trường của đối thủ, chẳng khác nào châu chấu đấu voi. Hơn nữa, không ít đại gia làm giàu nhờ sự may mắn, liều lĩnh nhất thời, từ tư tưởng làm ăn chộp giật, láu tôm, láu cá và có sự móc nối của các nhóm lợi ích kinh tế… Cho nên, họ là những người khổng lồ chân đất sét. Ngấm chút mưa là nhão nhoét thành bùn. Trên thương trường quốc tế, chúng ta đang thua thiệt về mọi bề, từ hệ thống tài chính, kinh nghiệm quản trị, chất lượng nhân sự... Nên muốn thắng đối thủ, chúng ta phải thực sự sáng tạo, tìm ra những ngách, những cánh cửa tuy hẹp nhưng trọng yếu, những mô hình tiếp cận và chiến lược khác.

N.N.P: Lựa chọn con đường đi của mình cũng phải có "nghề" và có đủ khả năng thực thi…

Đặng Lê Nguyên Vũ: Đúng! Rất nhiều người lựa chọn con đường có quá nhiều cạnh tranh. Trong khi năng lực thực thi lại quá yếu. Cũng có những lựa chọn đúng nhưng thực thi lại không đúng, nên mới thất bại. Có không ít trường hợp đã "được" Chính phủ lựa chọn và chọn đúng, nhưng lại không đủ phẩm chất, năng lực, tầm vóc để gánh vác trọng trách. Chúng ta cần phân biệt đâu là lựa chọn mang tầm chiến lược, đâu là sai lầm thực thi. Có hai mô hình tham chiếu. Một là Hàn Quốc, họ đã lựa chọn những doanh nghiệp đã được thử thách, đã được chứng minh bằng thực tế chứ không phải bởi những tham vọng chính trị. Hai là Singapore, họ dựa trên năng lực thực tế rồi mới bắt tay vào làm, lựa chọn những người học hành giỏi giang giao việc và giám sát. Cả hai cách này đều phải đúng nguyên lý thì mới thành được.

N.N.P: Ý anh là chúng ta đang lẫn lộn giữa việc lựa chọn sai hay thực thi sai? Và anh đã đặt ra vấn đề: Liệu chúng ta giao việc có đúng người hay không?

Đặng Lê Nguyên Vũ: Có thể hiểu là đủ năng lực thực thi hiệu quả hay không? Mấy năm trước đây tôi cũng đã chia sẻ một số ý, là có người làm giàu cho mình nhưng làm nghèo cho dân mình. Đó không phải là cái đất nước cần.

tu tuong lam kinh te cua vu trung nguyen
Không gian Trung Nguyên Legend của Tập đoàn cà phê Trung Nguyên

N.N.P: Trong số các đại gia tôi đã viết về họ, cho đến nay có hai người sống một cách vinh quang nhưng khá lặng lẽ, một trong hai người đó chính là anh. Tôi thiển nghĩ, doanh nhân của chúng ta có căn bệnh là thiếu hoài bão vì quốc gia và khi có tiền thì bóc ngắn cắn dài, trở thành trọc phú rồi cuối cùng là "Tay trắng lại trắng tay"?

Đặng Lê Nguyên Vũ: Chính sách quốc gia vô cùng quan trọng. Tôi nghĩ, bây giờ phải xem xét yếu tố này một cách khách quan hơn. Theo quan điểm cá nhân tôi thì họ là nạn nhân của chính sách. Không chỉ doanh nghiệp mà ngay cả các chính sách tầm vĩ mô cũng không có gì dài hơi nên không có chiến lược dài hơi, không có những nguồn lực lâu dài. Tôi không có ý phê phán, mà rõ ràng phải xác định đây là một cuộc chơi khó khăn, đầy biến động. Người ta đi trước mình cả trăm năm, mình cần phải có sự điều chỉnh, phải xem xét toàn diện, toàn cục chứ không phải chỉ đưa ra một vài quyết định. Đây là điều mà tôi vẫn luôn đau đáu.

N.N.P: Dẫu sao, đã kinh doanh thì phải tính đến hiệu quả. Hiệu quả kinh doanh của Trung Nguyên ở thời điểm hiện tại như thế nào? Làm sao để có thể đi xa hơn nữa?

Đặng Lê Nguyên Vũ: Trong bối cảnh kinh tế thế này mà tăng trưởng của chúng tôi trên 40%/năm như hiện nay cũng là tốt rồi. Trung Nguyên vẫn có chiến lược là mở cửa nhưng không phải chỉ dừng lại trong nước mà phải ra ngoài. Đương nhiên việc này không dễ, nhưng nếu có quyết tâm, chiến lược, phương pháp thực thi thì sẽ đi xa được, hiệu quả cũng sẽ khác.

Nếu làm tối đa, ngành cà phê có thể đóng góp 20 tỉ USD/năm cho đất nước, chứ không phải là 3 tỉ như bây giờ. Tiếc là việc này chỉ mới nằm trong đề xuất, đến nay chưa trở thành chính sách.

N.N.P: Cảm ơn anh về cuộc trao đổi này. Chúc anh có cuộc chinh phục nước Mỹ bằng cà phê Trung Nguyên thành công.

Lê Chi (ghi)

tu tuong lam kinh te cua vu trung nguyen Các giáo sư ngôn ngữ học giải mã lối xưng hô “qua” của "vua cà phê" Đặng Lê Nguyên Vũ

Sau 5 năm vắng bóng trên truyền thông, ông Đặng Lê Nguyên Vũ tái xuất và sử dụng ngôn từ lạ lẫm. Vị doanh nhân ...

tu tuong lam kinh te cua vu trung nguyen Vua cafe Việt Đặng Lê Nguyên Vũ: Có lý nào vợ lại muốn chồng vào viện tâm thần

“Vua cafe Việt” Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trung Nguyên bất ngờ “đăng đàn” nói về những trục trặc giữa ông ...

tu tuong lam kinh te cua vu trung nguyen 4 giờ cafe với ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Cuộc trò chuyện đầy những bất ngờ

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ xuất hiện và có cuộc trò chuyện với báo chí từ 15h đến 19h chiều 13/8/201. Vua cafe Việt liên ...

tu tuong lam kinh te cua vu trung nguyen Quái kiệt trên cao nguyên

Tôi là người từng viết về con đường đưa hạt cà phê “lên một tầm cao mới” của Đặng Lê Nguyên Vũ qua phóng sự ...

Ngày đăng: 06:00 | 17/08/2018

/