Hai thập kỷ trước, tuổi 20 của chúng tôi từng bay bổng với đủ thứ nghĩa hiệp trước những mảnh đời khốn khó hay những cuộc thiên tai. 

Hai thập kỷ trước, tuổi 20 của chúng tôi từng bay bổng với đủ thứ nghĩa hiệp trước những mảnh đời khốn khó hay những cuộc thiên tai.

Đó là những năm đầu thế kỷ, báo Sinh Viên Việt Nam/Hoa Học Trò nơi tôi công tác bắt đầu với câu lạc bộ Tình Nguyện Trẻ thu hút cả ngàn học sinh sinh viên tham gia. Ngày ấy, chúng tôi mơ về đủ thứ "mô hình nghĩa hiệp" chưa bao giờ có.

Giáng sinh năm 2000, nhóm Chuyển Động Trẻ của chúng tôi, hơn 300 học sinh sinh viên Hà Nội toả đi khắp các mái ấm tình thương làm ông già bà già Noel phát quà bằng chính những thứ mình có, mình xin, mình kêu gọi được và bằng chính thời gian của mình, tuổi trẻ của mình. Thời kỳ ấy, hình thức này rất mới.

Rồi chúng tôi tổ chức Vua Đánh Giày cho trẻ đánh giày thi đấu với nhau nhằm tạo ra "nhân hiệu" cho những đứa trẻ đánh giày. Hay Vua Bán Báo cho nhóm trẻ bán báo Xa Mẹ... Thiết tha là thế nhưng vẫn thấy đó chỉ là như muối bỏ bể.

Hai mươi năm, càng đi nhiều, nhìn nhiều và ngẫm nhiều, tôi vẫn chờ những "mô hình nghĩa hiệp" kiểu khác, có thể tác động và thay đổi tận gốc rễ xã hội.

Tài trợ cho nghiên cứu khoa học hiển nhiên là một phương pháp tác động đến gốc rễ. Đó là điều mà nhiều nhà hảo tâm trên thế giới, như Bill Gates hay Mark Zuckerberg gửi gắm. Thậm chí đó còn là phương pháp chủ đạo của họ, thay vì từ thiện trực tiếp. Quỹ Bill và Melinda bỏ ra hàng trăm triệu USD mỗi năm để đi tìm mô hình nhà vệ sinh bền vững cho các nước nghèo. Quỹ Sáng kiến Chan Zuckerberg, cùng với 2 ông chủ của Google, Sergei Brin và Larry Page mỗi năm trao tới 3 triệu USD cho mỗi nhà khoa học tìm được phương pháp điều trị bệnh khó.

Nhưng nhiều năm làm phóng viên rồi đến vị trí quản lý chuyên môn, tôi và những đồng nghiệp của mình đều đã thấy hàng trăm tỷ đồng của nhà nước đổ cho nghiên cứu và có nhiều tỷ đồng trong số đó đã bị bám bụi ở thư viện. Trước những thứ như đại dịch Covid-19 này, chúng ta luôn không tin vào những gói tài trợ cho nghiên cứu hay nói cách khác, ai cũng ngần ngại tài trợ cho khoa học và những nghiên cứu khoa học. Chúng ta luôn chọn cách cứu trợ nhiều hơn vì chúng ta biết tiền của chúng ta sẽ tới tay người cần chứ không phải những thứ mơ hồ.

Các Mạnh Thường Quân, từ những đứa trẻ dùng tiền mừng tuổi của mình để mua khẩu trang đi phát miễn phí hay những doanh nghiệp đổ ra cả đống tiền cũng vẫn chỉ là nhập về khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn rồi đem đi phát tặng. Vẫn biết rằng "một miếng khi đói bằng một gói khi no", những cứu trợ tức thời luôn là cần thiết và mọi nghĩa cử đều đáng trân trọng. Nhưng bao nhiêu triệu chiếc khẩu trang, bao nhiêu triệu lít nước rửa tay sát khuẩn xét cho cùng cũng mãi mãi là không đủ. Theo dõi tình hình, tôi luôn tự hỏi liệu có phải chúng ta đang nghèo đến cả ý tưởng thiện nguyện? Trong khi để đối phó và ngăn chặn đại dịch, còn xiết bao thứ cần làm nhưng thiếu tiền.

Tuần trước, báo đưa tin về gói tài trợ 20 tỷ từ Vingroup cho 3 dự án nghiên cứu vaccine, đặc điểm dịch tễ học và phát triển hệ thống cảnh báo quốc gia về Covid-19. PGS Phan Thị Hà Dương, đại diện của quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup nói họ "mong muốn được tiếp sức cho các nhà khoa học trong việc nghiên cứu phòng và chống bệnh". Theo đó, công ty TNHH Một Thành viên vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) nhận tài trợ 8 tỷ đồng để nghiên cứu, phát triển vaccine chống lại chủng mới của virus corona trên giá thể baculovirus ở quy mô phòng thí nghiệm; Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nhận tài trợ gần 7,5 tỷ đồng cho đề tài nghiên cứu đặc điểm dịch tễ và virus học; Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng nhận tài trợ 4 tỷ đồng với đề tài phát triển hệ thống cảnh báo sớm quốc gia về dịch bệnh Covid-19 toàn cầu. Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ nói rằng đây là lần đầu tiên Bộ thực hiện đồng tài trợ, huy động nguồn lực xã hội hóa thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu đột xuất trong bối cảnh dịch Covid-19 lây lan mạnh, mức độ báo động toàn cầu.

Khoan đặt câu hỏi về việc nó có thành công hay không (khoa học không phải điều đơn giản như vậy). Nhưng rõ ràng đang một tư duy khác về tài trợ đang được mở ra, về cách chúng ta huy động sức mạnh cộng đồng cho những giá trị lâu dài và rốt ráo hơn những thứ mang tính tức thời và "dùng một lần".

Tôi quan tâm thực sự đến cụm từ "nghiên cứu đột xuất", thứ biến 20 tỷ này thành gói tài trợ ý nghĩa. Những dự án nghiên cứu đột xuất mới càng cần chi phí đủ để được hành động ngay. Và nó cần sự có mặt của các Mạnh Thường Quân.

Một điều đáng nói nữa, là ý tưởng này không đơn độc. Nếu theo dõi kỹ, bạn sẽ nhận ra ở đây, ở đó, đã có một vài doanh nghiệp bắt đầu dùng nguồn lực để tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu, hoặc ít nhất là hứa làm điều này.

Việc sử dụng nguồn lực xã hội cho khoa học còn hứa hẹn tạo ra một cơ chế giám sát mới. Khu vực tư nhân có một thái độ khác với đồng tiền của mình, họ sẽ không chấp nhận kịch bản giải ngân theo định mức để tạo ra những thứ bám bụi.

Và xa hơn, khi thái độ này được lan rộng, chúng ta có thể nghĩ về một ngày mà từng người dân dùng tiền đầu tư trực tiếp cho nghiên cứu khoa học, theo mô hình crowd-funding (gọi vốn từ đám đông) chứ không chỉ còn là giới doanh nghiệp. Đó là kịch bản ở nhiều nước phương Tây. Một nhà hải dương học có ý tưởng về một con robot dọn sạch biển, hay là một nhà môi trường muốn nghiên cứu chất lượng nước sông? Họ lên mạng, thuyết minh đề án, công chúng mỗi người quyên chút ít, tạo ra một ngân khoản vài chục nghìn USD cho họ nghiên cứu. Đó là kịch bản mà một xã hội yêu tri thức xứng đáng được có.

Dịch Covid-19 rồi sẽ qua đi, thứ mà chúng ta có được sẽ nhiều hơn những "phương thuốc" ra đời từ các dự án được hoàn tất. Đó niềm tin vào các dự án nghiên cứu, cơ hội nhiều hơn để các nhà tài trợ tìm thấy cách tốt hơn, rốt ráo hơn để làm việc nghĩa. Và khi ấy, trách nhiệm cộng đồng sẽ không còn gói gọn trong việc cứu trợ được bao nhiêu người, mà còn là đóng góp cho sự phát triển của tương lai.

Hoàng Anh Tú

tu thien tuc thoi Tỷ phú Lý Gia Thành phát khẩu trang cho người nghèo
tu thien tuc thoi Tỷ phú Nga mang hết tài sản đi từ thiện, dạy con trai phải đi lên bằng hai bàn tay trắng
tu thien tuc thoi Sao bị mắng chửi vì quyên góp chống đại dịch virus corona
tu thien tuc thoi Quán cơm chay 0 đồng đắt khách giữa trưa nắng Sài Gòn
tu thien tuc thoi PV GAS chung tay trao quà Tết Canh Tý 2020 cho bà con Tây Bắc

Ngày đăng: 08:30 | 03/03/2020

/ vnexpress.net